Từ ngày 10.4, người dân TP.HCM dễ dàng xin cấp "giấy hồng" mới

04/04/2007 11:49 GMT+7

* Quy trình mới rất rõ ràng, thuận lợi cho dân và cơ quan chức năng * Bãi bỏ Quyết định 207 về tồn tại công trình; Giấy tờ hợp lệ, "giấy trắng" được sử dụng không thời hạn Theo quy định tại thông tư 05 hướng dẫn Nghị định 90, UBND TP. phải ban hành quy trình giải quyết việc cấp giấy chứng nhận. Và từ cuối năm 2006 đến nay, nhiều quận huyện không nhận hồ sơ, không cấp giấy chứng nhận cho dân vì lý do TP. chưa ban hành quy trình này.

Sau tám lần sửa đổi dự thảo, ngày 30.3 vừa qua UBND TP. đã ký ban hành Quyết định số 54 quy định về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở ("giấy hồng" mới) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ("giấy đỏ") tại TP.HCM.

Quyết định này có (có hiệu lực thi hành vào ngày 10.4) sẽ tháo gỡ vướng mắc mà các quận, huyện gặp phải trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn, QĐ 207 về cho phép tồn tại công trình còn hiệu lực không? Bản vẽ, giấy tờ hợp lệ còn sử dụng được bao lâu?... hàng loạt vấn đề khácnhư thời hạn cấp giấy, nhân sự nào... cũng được nhận giải quyết.

"Khai tử" quyết định cho tồn tại công trình

QĐ 54 áp dụng cho việc cấp "giấy hồng" mới (giấy đất và nhà hoặc giấy chỉ có nhà), "giấy đỏ" (chỉ có đất trống) và xử lý luôn trường hợp nhà xây dựng không phép trước ngày 1.7.2007. Kể từ ngày QĐ này có hiệu lực coi như bãi bỏ việc áp dụng QĐ 207 về cho phép tồn tại công trình.

Việc xử lý này kết hợp luôn trong quá trình cấp giấy, không cần lập thủ tục hoặc ra quyết định cho tồn tại. Cụ thể người dân đã lập bản vẽ, làm hồ sơ 207 thì cơ quan cấp giấy sử dụng luôn hồ sơ đó. Người dân chỉ đi chứng thêm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận có xác nhận của UBND phường, xã. Cơ quan cấp giấy sẽ xem xét bản vẽ để có yêu cầu chỉnh sửa lại hay không. Riêng trường hợp chưa làm hồ sơ 207 thì chủ nhà chỉ phải lập hồ sơ xin cấp giấy, không phải lập hồ sơ xin cấp giấy, không phải lập bản vẽ xử lý vi phạm gì cả.

QĐ 54 quy định bản vẽ phải do tổ chức có tư cách pháp nhân lập. Như vậy, tự bản thân cá nhân người dân và cơ quan cấp giấy không được lập bản vẽ để tránh rắc rối. (NĐ 90 cho phép cơ quan cấp giấy có quyền lập bản vẽ) Điều cần lưu ý là những trường hợp xây dựng sai phép, không phép sau ngày 1.7.2004 thì phải chờ TP. chỉ đạo riêng.

Nguyên tắc chung khi xét cấp giấy chứng nhận là nhà đất phải có giấy tờ hợp lệ. Trong trường hợp không có thì yêu cầu nhà đất không tranh chấp dựa vào cam kết của dân, UBND phường, xã xác nhận. Chủ nhà sẽ tự làm cam kết, không cần chủ cũ tái xác nhận và chịu trách nhiệm về cam kết của mình. Đối với trường hợp này, cơ quan cấp giấy sẽ xét cấp dựa vào quy hoạch. Nhà nào tạo lập trước quy hoạch sẽ được công nhận toàn bộ, chỉ ghi chú quy hoạch. Nhà tạo lập sau quy hoạch được công nhận phần nào phù hợp. QĐ 54 cũng quy định: Nhà không đủ điều kiện cấp "giấy hồng" (như tạo lập sau quy hoạch) nhưng nếu đất đủ điều kiện cấp "giấy đỏ" theo NĐ 181 thì được cấp "giấy đỏ".      

Không buộc nhưng nên đổi sang "giấy hồng" mới

Việc cấp "giấy hồng" mới chỉ thưc hiện theo nhu cầu, không làm theo kế hoạch. Đối với nhà đất hợp lệ trước đây, kể cả các loại chủ quyền là "giấy trắng", người dân vẫn tiếp tục sử dụng trong giao dịch như mua bán thế chấp... vô thời hạn. QĐ này không bắt buộc người dân phải đổi sang "giấy hồng" mới, trừ khi họ có yêu cầu. Đây là điểm khác biệt so với nghị định 90, thông tư 05 (yêu cầu phải kết hợp luôn việc cấp "giấy hồng" mới cho bên mua khi chuyển dịch sở hữu). Do đó, nhà đất có giấy tờ hợp lệ khi bán vẫn tiến hành như trước đây: Vẫn đăng bộ tại quận, huyện hoặc sở. Sau đó, nếu bên nhận chuyển nhượng yêu cầu đổi sang "giấy hồng" thì mới giải quyết, không bắt buộc. Sau này, đối với nhà có "giấy hồng" mới, khi chuyển nhượng sẽ cấp luôn "giấy hồng" mới khác cho người nhận thời gian 15 ngày làm việc nếu hiện trạng nhà đất không thay đổi hoặc 30 ngày làm việc nếu hiện trạng thay đổi.

Tuy nhiên ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, khuyên nên đổi sang "giấy hồng" mới cho thuận tiện trong giao dịch, cũng như bổ sung những khuyết điểm trước. Bởi có nhiều loại "giấy trắng" không ghi diện tích đất chẳng hạn.

Thủ tục: Dễ, gọn, hạn chế tiêu cực

Có thể hình dung một hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận sẽ đi theo con đường sau: Người dân nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận tại phường để phường xác nhận. Sau đó nộp hồ sơ cho quận, huyện. Quận huyện thụ lý xong, chuyển thuế tính để ra thông báo thuế gửi chủ nhà. Có nghĩa là cơ quan cấp giấy sẽ liên kết với cơ quan thuế để xác định thuế cho người dân. Đây là điều rất thuận tiện cho người dân, chưa kể còn tránh được tiêu cực có thể xảy ra so với trước kia. Họ không còn phải đi về phường xác nhận mẫu đơn xác nhận mốc thời gian sử dụng đất rồi nộp hồ sơ cho quan thuế... Sau khi xong nghĩa vụ tài chính, người dân nhận lại giấy chứng nhận tại cơ quan cấp giấy chứng nhận. Việc ghi nợ (nếu có) sẽ được tín bằng tiền tại thời điểm cấp giấy.

Thời gian xin xác nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận tại phòng là 10 ngày làm việc (5 ngày niêm yết, 5 ngày thụ lý). Sau đó quận sẽ giải quyết trong 30 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ, đầy đủ. Riêng nhà phải qua khâu xử lý vi phạm thì sẽ là 45 ngày làm việc.

Công ty đo vẽ, người dân làm sai: Bị chế tài

QĐ 54 đặt ra và quy định rõ vấn đề trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia trong việc cấp giấy chứng nhận. Chủ nhà phải chịu trách nhiệm về tính chính xác khi kê khai. Nếu kê khai sai, cung cấp giấy tờ giả mạo phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật. Tương tự, tổ chức lập bản vẽ chịu trách nhiệm thực hiện đo vẽ chính xác, đúng về pháp lý, kỹ thuật.

Nếu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo pháp luật. Quyết định nghiêm cấm cơ quan, cán bộ có thẩm quyền trong việc cấp giấy tự tiện đặt thêm thủ tục ngoài quy định, yêu cầu bổ túc hồ sơ nhiều lần gây phiền hà cho dân. Nếu có sai phạm, thủ trưởng cơ quan tham mưu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND TP.. Khi yếu tố lỗi thuộc về người dân hoặc đơn vị đo vẽ thì cán bộ, cơ quan cấp giấy không chịu trách nhiệm. 

Quy định trách nhiệm cụ thể là vấn đề các quận, huyện hết sức mong muốn và đề xuất trong các lần góp ý hội thảo. Nhiều ý kiến cho biết trước nay, khi có sai sót xảy ra, hầu như cán bộ, cơ quan cấp giấy bị "vịn" trước tiên, bất kể lỗi thuộc về ai. Do đó họ cho biết quy định này đã giải toả được tâm lý lo ngại dẫn đến "thủ thân" trước đây rất nhiều.

Về nhân sự, QĐ này giao cho Chủ tịch UBND quận, huyện chủ động tổ chức, sắp xếp phân công bộ phận tham mưu và nhân sự cấp giấy sao cho thuận lợi cho dân. Hiện nay, các quận cũng đã có sự lựa chọn riêng phù hợp cho mình: Phú Nhuận, quận 2... giao Phòng Tài nguyên Môi trường; Gò Vấp giao văn phòng đăng ký đất; quận 6, Tân Bình giao Phòng Quản lý đô thị...

Cẩm Tú (Pháp Luật TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.