Một năm thi hành luật Đất đai (sửa đổi): “Tham nhũng đất” vẫn nghiêm trọng

04/08/2005 01:02 GMT+7

Cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ liên tục bị gián đoạn, lúc thì một người dân ở Vĩnh Phúc điện thoại cho ông tố cáo cán bộ xã bán đất trái nguyên tắc, khi thì một người dân Long An khiếu nại về đền bù giải phóng mặt bằng không thỏa đáng…, tất cả đều vì nghe tin Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức hơn chục đoàn tổng kiểm tra việc quản lý đất đai trên toàn quốc.

 

* Thưa ông, hiện tại theo phản ánh từ địa phương thì hai dạng vi phạm: chính quyền xã, phường bán đất trái nguyên tắc (người dân gọi là "tham nhũng đất") và bồi thường giải phóng mặt bằng không thỏa đáng vẫn là vấn đề nổi cộm, tức là tình hình không có mấy thay đổi so với trước khi luật Đất đai 2003 có hiệu lực?

 

- Rất nhiều địa phương đã triển khai tốt hệ thống pháp luật mới về đất đai, nhưng hai dạng vi phạm vừa nói tới vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Đây là điều rất đáng tiếc. Lẽ ra, đến bây giờ ít nhất là loại vấn đề "tham nhũng đất" phải hết rồi mới đúng vì Luật Đất đai năm 2003 quy định rất rõ cơ chế giao đất, cho thuê đất, trong đó thẩm quyền rất rõ ràng. Chỉ có cấp tỉnh, huyện mới có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất; cấp xã có trách nhiệm nắm chắc hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn và "thổi còi" ngay khi có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra và được giao quyền sử dụng đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất phi nông nghiệp để làm công trình công cộng. Hơn nữa, vừa qua chúng ta đã xử lý khá nhiều trường hợp "tham nhũng đất" ở các xã khi thực hiện kiểm tra theo Quyết định 273 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại các địa phương có nhiều phản ánh về vấn đề này phải kể đến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang. Tất nhiên, các đoàn kiểm tra phải kiểm tra rồi mới có kết luận cụ thể.

 

* Trong trường hợp đoàn kiểm tra của Bộ xuống và thấy có việc cấp đất trái nguyên tắc sẽ xử lý thế nào?

 

- Các đoàn kiểm tra lần này không thể  giải quyết trực tiếp. Các đoàn kiểm tra chỉ phát hiện cái sai và giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xử lý những cái sai đó. Hiện nay, chẳng hạn để xử lý việc giao đất sai thẩm quyền, đã có đầy đủ khung pháp lý để xử lý: nếu vi phạm quy hoạch sẽ chẳng có gì phải bàn, nhất định phải thu hồi; nếu phù hợp quy hoạch nhưng giao đất sai, thì phải xử lý kỷ luật đối với người ra quyết định giao đất trái pháp luật theo quy định tại Nghị định 181. Nặng hơn thì bị truy tố theo quy định của pháp luật về hình sự.

 

* Lấy gì bảo đảm rằng những kiến nghị xử lý của các đoàn kiểm tra được thực hiện, thưa ông?

 

- Kết quả phát hiện của 13 đoàn kiểm tra ở 64 tỉnh thành phố lần này sẽ là một báo cáo chi tiết về tình hình quản lý đất đai, thực hiện Luật Đất đai ở các địa phương. Tất nhiên, trong đó có phần nói rõ về những vi phạm mà đoàn phát hiện và kiến nghị xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý đất đai, thực hiện Luật Đất đai trên phạm vi cả nước; đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các địa phương triển khai việc xử lý các vi phạm đã được phát hiện.

 

* Thưa ông, năm qua cũng là năm khó khăn đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất…

 

- Thực ra có sự chậm trễ nhất định chỉ ở các thành phố lớn, đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vì những giải pháp về các loại giấy cho đất và tài sản gắn liền với đất tác động trực tiếp tới những nơi mà tài sản trên đất có giá trị cao. Đến nay, Thủ tướng đã quyết định rồi, đất thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và công trình xây dựng trên đất thì cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó. Vấn đề còn lại là thủ tục hành chính như thế nào cho thuận lợi đối với dân và quy định như thế nào khi dân thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng - mua bán, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn đối với đất và tài sản gắn liền với đất khi hai thứ này không thể tách rời. Tôi cho rằng, hai giấy chỉ có sự chia cắt về "vật lý" mà phải gắn chặt về "pháp lý". Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đưa ra các quy trình cụ thể để xử lý hai vấn đề nêu trên. Hai thành phố lớn nhất nước có nhiều cân nhắc về việc này cũng là phải.

 

* Khi triển khai Luật Đất đai hồi năm ngoái, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường đặc biệt đề cao việc xử lý cán bộ cơ sở có vi phạm, có thái độ nhũng nhiễu dân, một năm qua, việc này được triển khai như thế nào?

 

nh: L.Q Phổ

“Thủ tướng đã quyết định, đất thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và công trình xây dựng trên đất thì cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó... Tôi cho rằng, hai giấy chỉ có sự chia cắt về "vật lý" mà phải gắn chặt về "pháp lý".

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ

- Do phải tập trung quá nhiều việc nên Bộ cũng mới chỉ nghe báo cáo tình hình của các Sở trong những lần họp giao ban theo cụm tỉnh, chưa có điều kiện kiểm tra cụ thể. Đây là đợt tổng kiểm tra chính thức đầu tiên đối với việc triển khai thực hiện Luật Đất đai ở các địa phương, đặc biệt là ở một số xã, phường. Qua phản ánh của dân và báo chí chúng tôi thấy nhiều nơi làm chưa tốt, vẫn còn những vi phạm phải nói là ở mức nghiêm trọng. Với đợt tổng kiểm tra này chúng tôi chủ trương chấn chỉnh ngay những hiện tượng hành xử trái luật của cơ quan quản lý.

 

* Không thể thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, vậy bằng cách nào để kiểm soát được hành vi của cán bộ công chức tránh gây phiền hà cho dân không, thưa ông?

 

- Trong luật có quy định cơ chế đường dây nóng, tức là bất kỳ ai gặp bất kỳ vướng mắc gì có thể gọi vào đường dây nóng để phản ánh cho cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

 

* Nhưng một bạn đọc của báo Thanh Niên phản ánh đã gọi đến đường dây nóng của Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất Hà Nội (được thiết lập theo luật) rất nhiều lần nhưng không hề có người tiếp nhận, đến khi có thì rắc rối của ông cũng không được giải quyết?

 

- Nếu thế ông ấy có thể gọi đến đường dây nóng của Bộ Tài nguyên - Môi trường (04.8357890), chúng tôi sẽ có trách nhiệm kiểm tra, yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội phải kiểm tra sự việc mà ông phản ánh và báo cáo lại.

 

* Xin cảm ơn ông !

 

Tuyết Nhung (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.