Lại rối tung giấy đỏ, giấy hồng!

23/03/2009 15:23 GMT+7

Những tưởng sau khi Luật nhà ở quy định việc cấp giấy hồng cho nhà đất, thủ tục cấp chủ quyền, đăng ký mua bán, chuyển nhượng nhà đất sẽ thuận tiện hơn. Nhưng thực tế quy trình cấp hai loại giấy đỏ, giấy hồng hiện vẫn rối tung, gây khổ sở cho cả người dẫn lẫn cơ quan có thẩm quyền.

Kể từ khi thực hiện theo Luật nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất là giấy hồng (mới). Tuy nhiên, Luật nhà ở lại không quy định bãi bỏ việc cấp giấy đỏ theo Luật đất đai 2003. Những vướng mắc do có một số điểm chồng chéo giữa hai luật cũng chưa được tháo gỡ.

Hiện các cơ quan cấp giấy vẫn không nhất quán trong việc cấp hai loại giấy hồng và đỏ, gây rối không nhỏ cho các cơ quan chức năng và người dân trong quá trình mua bán, chuyển nhượng.

Giấy đỏ hay giấy hồng?

Ông V.Đ.L., một hộ dân mua đất tại dự án quận 2, cho biết ông mua lô đất đã có giấy đỏ (giấy đỏ cũ, cấp theo Luật đất đai 1993) thuộc một dự án tại phường Thảo Điền (quận 2). Sau khi xây nhà xong, ông làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy hồng theo Luật nhà ở) nhưng chờ đợi cả năm trời vẫn không được cấp. Theo giải thích của UBND quận 2, lý do hồ sơ của ông chưa được cấp vì thiếu biên bản bàn giao hạ tầng của chủ đầu tư dự án về cho quận. Được biết, chủ đầu tư chưa có biên bản bàn giao hạ tầng vì mắc phải một số sai phạm về quy hoạch trong quá trình thực hiện dự án.

Từ năm 2007, ông đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng vẫn không được giải quyết. Sau khi dò hỏi, ông được nhiều người “mách nước” chuyển sang xin cấp giấy đỏ (giấy đỏ cấp theo Luật đất đai 2003 và nghị định 181) thì lại được giải quyết. Tháng 7-2008, ông đã được UBND quận 2 cấp giấy đỏ cho căn nhà của mình. Trên giấy đỏ này, ngoài diện tích đất hơn 600m2 được công nhận cũng ghi nhận có cả căn nhà mà ông đã xây dựng trên đất. Tuy nhiên, theo nhiều quận huyện khác, chỉ cấp giấy đỏ trong trường hợp trên đất không có nhà, còn nếu có cả nhà và đất thì chỉ cấp một loại giấy hồng, không có chuyện cấp giấy đỏ cho nhà, đất.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM giải thích: theo điều 2 của quy trình cấp giấy chứng nhận theo quyết định 54 của UBND TP, việc quận vẫn cấp song song hai loại giấy đỏ, giấy hồng cho người dân là không sai. Trong hướng dẫn của quyết định 54 có nêu rõ: với trường hợp đất có nhà ở, công trình xây dựng mà người sử dụng không có nhu cầu cấp giấy hồng, muốn cấp giấy đỏ hoặc đất có nhà ở nhưng nhà không đủ điều kiện pháp lý để được cấp giấy hồng vẫn có thể được cấp giấy đỏ.

Thế nhưng ông Trần Anh Tuấn, trưởng Phòng công chứng số 3, cho biết: “Theo tôi, trường hợp nhà hợp pháp, đất cũng được công nhận quyền sử dụng thì cơ quan cấp giấy phải cấp giấy hồng. Trường hợp người dân chỉ có quyền sử dụng đất trong khi nhà không được công nhận thì cấp giấy đỏ, nhưng trên giấy đỏ này không được ghi nhận nhà, dù chỉ ghi nhận khơi khơi, không xác định là có thuộc chủ quyền của người sử dụng đất hay không.

Thực tế trước đây khi chưa đổi sang giấy hồng, mọi nhà đất đều cấp giấy đỏ, trên giấy cũng chỉ ghi nhận chung chung là có căn nhà, nhưng ai cũng hiểu căn nhà ấy thuộc chủ quyền của chủ sử dụng. Nếu hiện nay nhà không hợp pháp mà cũng được ghi nhận trên giấy thì sẽ gây nhầm lẫn cho các cơ quan có thẩm quyền khi xác nhận giao dịch”.

Ngay cả các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước cũng hiểu khác nhau về chuyện giấy đỏ, giấy hồng, làm sao giải quyết thông suốt cho dân?

Người dân cũng... rối với quá nhiều loại giấy chủ quyền nhà, đất từ nhiều năm qua - Ảnh: Thanh Đạm

Nhiều giấy, rối thủ tục

Đủ thứ loại giấy chủ quyền nhà đất

Theo một số phòng công chứng nhà nước, văn phòng công chứng tư tại TP.HCM, hiện mẫu giấy chứng nhận về nhà đất mà người dân đem đến công chứng gồm đủ loại giấy khác nhau: giấy đỏ cũ (chỉ công nhận quyền sử dụng đất, cấp theo Luật đất đai 1993), giấy hồng cũ (công nhận cả nhà, đất cấp theo nghị định 60/CP của Chính phủ), giấy hồng (chỉ công nhận sở hữu nhà, cấp theo nghị định 95/CP), giấy đỏ (cũng bao gồm cả quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, cấp theo Luật đất đai 2003) và giấy hồng (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, cấp theo Luật nhà ở).

Các mẫu giấy trên được cấp tùy theo giai đoạn khác nhau và hiện nay có hai mẫu giấy đang được cấp là giấy hồng (theo Luật nhà ở) và giấy đỏ (theo Luật đất đai 2003).

Anh Lâm Mạnh Tùng, ngụ quận Tân Bình, cho biết: tháng 11-2008, anh bán căn nhà tại quận Tân Bình để đổi sang mua căn nhà khác cũng ngay trên địa bàn quận. Khi làm thủ tục bán nhà, do nhà của anh có giấy đỏ nên làm thủ tục mua bán chỉ khoảng nửa tháng là xong. Riêng căn nhà anh mới mua lại có chủ quyền là giấy hồng mới (cấp theo Luật nhà ở), anh Tùng phải mất hơn một tháng trời mới hoàn tất thủ tục đứng tên trên giấy chủ quyền của mình.

Tình trạng người mua nhà có giấy hồng mới phải chờ đợi lâu hơn so với việc mua nhà có các loại giấy đỏ, giấy hồng cũ đang là nỗi khổ của nhiều người. Khác với các quy trình về giấy hồng, giấy đỏ trước đây khi mua bán, tên người sở hữu sẽ được cập nhật ngay trên trang sau hoặc trang bổ sung của giấy chủ quyền, đối với giấy hồng mới thì khi mua bán xong, người mua sẽ phải lập bộ hồ sơ xin cấp giấy mới.

Thời gian giải quyết hồ sơ dạng này quy định tại quyết định 54 là 15 ngày làm việc (nếu nhà không thay đổi hiện trạng) hoặc 30 ngày (nếu có thay đổi hiện trạng nhà). Chính vì vậy, để làm xong thủ tục sang tên đối với giấy hồng mới, người dân bị hẹn ít nhất khoảng 20 ngày (do các quận huyện tính thêm ngày nghỉ cuối tuần), có khi hơn một tháng mới xong.

Bao giờ mới thống nhất một giấy?

Theo ông Nguyễn Quang Thắng - trưởng Phòng công chứng số 1, nhiều khi khách hàng tới hỏi thăm thủ tục sau khi công chứng xong thì phải làm gì, ông cũng không biết trả lời làm sao mà phải hỏi lại họ giấy tờ nhà mua bán là giấy gì mới có thể hướng dẫn chính xác.

Theo ông Thắng: “Chỉ nên cấp giấy chứng nhận một lần thôi, đó là cấp lần đầu, khi người dân làm thủ tục hợp thức hóa nhà đất. Cấp giấy chứng nhận nhà đất cũng như giấy khai sinh của công dân vậy, mỗi người khi sinh ra chỉ được khai sinh một lần thôi. Sau đó, nếu có thay đổi mua bán thì sẽ cập nhật ngay trên giấy chủ quyền đó là tốt nhất”.

Đã có quá nhiều ý kiến không đồng tình với việc khi cấp giấy này, khi cấp giấy khác, khi thì cấp cùng lúc cả hai loại giấy về nhà đất. Trước đây giấy tờ nhà đất do Bộ Tài nguyên - môi trường (cơ quan quản lý đất) cấp dưới dạng giấy đỏ, sau lại đổi sang Bộ Xây dựng (quản lý về nhà) cấp dưới hình thức giấy hồng nhưng cũng không bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy đỏ của Bộ Tài nguyên - môi trường. Theo dự thảo Luật đăng ký bất động sản đang được Bộ Tư pháp xây dựng, bộ này lại đề xuất việc cấp giấy chứng nhận nhà đất, quản lý đăng ký giao dịch nhà đất sẽ do một cơ quan mới là Văn phòng đăng ký bất động sản!

Theo ông Phan Văn Cheo - công chứng viên Văn phòng công chứng Sài Gòn, thực tế các luật của chúng ta đều do các bộ ngành chức năng soạn thảo, bộ ngành nào cũng muốn thể hiện quyền của mình trong đó. Cho nên có thể nói các văn bản luật là anh em “cùng cha khác mẹ” với nhau, có nhiều quy định của luật này lại chồng chéo, mâu thuẫn với luật khác. Kết quả là người dân phải gánh phiền phức.

Theo Chi Mai / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.