Bỏ hoang đất… “vàng”!

16/10/2012 10:31 GMT+7

Trong khi người dân thiếu đất sản xuất, thì nhiều khu đất “vàng” lại bị bỏ hoang.

>> TP.HCM khởi động các khu đất “vàng”
>> Nguyên sơ vùng "đất vàng
>> Đất vàng “bỏ hoang”

Dọc theo ven biển từ Bắc Bình đến Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có nhiều dự án (DA) được giao cho các nhà đầu tư. Gọi đây là dãy đất “vàng” vì nó giáp biển và có giá trị kinh tế rất lớn trong kinh doanh bất động sản.

Đất “vàng” bỏ hoang

Tuy nhiên, rất nhiều DA chậm triển khai lại nằm vào dãy đất “vàng” này, trong đó phần lớn tập trung vào các DA du lịch, dịch vụ, sân gofl và bất động sản. Có những DA nằm ở vị trí đắc địa, được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất hoặc cho thuê với giá hậu hĩnh, nhưng chủ đầu tư thiếu tiềm năng tài chính và cũng không loại trừ đã sang nhượng kiếm lời.

 Tập đoàn Rạng Đông vẫn ...bất động!
Sau gần nửa năm khởi động, dự án Trung tâm thương mại của Tập đoàn Rạng Đông vẫn ...bất động! - Ảnh: Quế Hà

Trong lần đi thực tế ở H. Hàm Thuận Nam, một cán bộ của Hội nông dân xã Hàm Kiệm đưa chúng tôi đến một DA chăn nuôi bò sữa rộng đến 90 ha của xã này. DA này nằm ngay ven kênh nước Ba Bàu thuận lợi về thủy nông. Thế nhưng chủ DA đã lấy đất đi trồng khoảng 15 ha thanh long (không đúng giấy phép đầu tư). Dù vườn thanh long của dân bên cạnh xanh tốt bao nhiêu thì vườn thanh long của chủ DA này vàng úa đi bấy nhiêu, do không có người chăm sóc. Ông Nguyễn Hùng Minh (một người dân trồng thanh long gần dự án này) cho biết: “Dân chúng tôi không có đất sản xuất. Bây giờ đi mua lại phải mất 150-200 triệu đồng/ha. Trong khi đó đất nhà nước cấp cho họ thì bỏ hoang, lãng phí vô cùng”.

Có những DA, dù được tỉnh Bình Thuận nhắc nhở, nhưng vẫn “nằm”… bất động. Đơn cử như DA ba tòa tháp của chủ đầu tư Romana Phan Thiet Plaza (Phú Hài, TP. Phan Thiết). DA được khởi công vào ngày 18.4.2009, với sự có mặt nhiều quan chức của Bình Thuận. DA này có số vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD để xây 3 tòa tháp cao 35 tầng trên diện tích đất là 76,3 ha, gồm 888 căn hộ, siêu thị, trung tâm đào tạo du lịch và…tạo bộ mặt mới cho đô thị Phan Thiết. Thế nhưng kể từ ngày khởi công DA đến nay, nhà đầu tư chưa hề nhúc nhích. Một DA khác cũng rất “đình đám” là dự án chung cư của Công ty CP Tân Việt Phát (P. Phú Hài, TP. Phan Thiết, đối diện DA Romana Phan Thiet Plaza). Sau khi khởi công đình đám, đến nay mất khoảng 2 năm, DA vẫn nằm “bất động”…

Mới đây nhất, người dân Bình Thuận tỏ ra hoài nghi và bàn tán xôn xao khi DA Trung tâm thương mại Phan Thiết được Tập đoàn Rạng Đông trúng thầu. Đây là khu đất đắc địa nằm ngay trung tâm thành phố rộng 4 ha. DA được nhà đầu tư dự toán lên đến hơn 1.300 tỉ đồng. Ngày 17.4, DA được khởi công xây dựng. Nhưng từ đó đến nay (sau hơn 5 tháng) việc mà Tập đoàn Rạng Đông đã triển khai ở DA này chỉ là cột tháp có chữ “Trung tâm thương mại Rạng Đông”.

Khổ vì  quy hoạch “treo”

Ông Nguyễn Thanh Chín- Nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận vì von những DA trên bằng từ “khởi động rồi bất động”. Ông Chín cho biết, nhiều người dân nằm trong khu quy hoạch treo không được sửa chữa nhà ở.

Bà Lê Thị Lan (P.Phú Hài, TP.Phan Thiết) cho biết: “Nhà nước cấp đất cho doanh nghiệp, nhưng họ không triển khai, các DA “treo” đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân địa phương. Họp cử tri chúng tôi đã phản ánh nhiều, nhưng không thấy ai giải quyết”. Ông Đinh Trung, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói với PV Báo Thanh Niên: “Trong khi người dân không có đất sản xuất thì tỉnh lại quá dễ dãi giao đất cho các chủ DA. Khi các DA không nhúc nhích, “treo” đến mấy năm trời không triển khai thì lại thiếu biện pháp chế tài. Những DA nào chậm trễ, cố tình không triển khai, theo tôi phải thu lại ngay để trả lại đất cho dân sản xuất”.

Theo số liệu từ Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn có 1.103 DA. Diện tích đất cấp cho số DA này lên đến 47.978,2 ha. Tổng vốn các DA đăng ký trên 87.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 649 DA đi vào hoạt động (đạt tỉ lệ 58,8%). Số DA còn lại, dù với vẫn chưa triển khai hoặc triển khai cầm chừng. Không chỉ lãng phí một diện tích đất đai cực kỳ lớn (khoảng hơn 25.000 ha) mà các DA chậm triển khai để lại một hệ quả tất yếu là kéo chậm lại sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Gây ra nhiều khiếu kiện trong nhân dân về công tác đền bù giải tỏa. Tạo dư luận bức xúc trong xã hội về chính sách đất đai.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.