Áp lực về nhà ở đang đè nặng!

24/04/2009 11:29 GMT+7

Đa phần diện tích nhà ở cho công nhân ở TPHCM hiện nay đều do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.

Áp lực về nhà ở đang đè nặng là thực trạng khó tránh khỏi trước việc đầu tư, phát triển nâng cấp hạ tầng đô thị ồ ạt cũng như dòng người lao động nhập cư ngày một tăng. Những số liệu mới nhất vừa được Sở Xây dựng công bố tại buổi giám sát của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM ngày 23-4 chứng minh về thực trạng này.  

Tạm cư sẽ còn dài dài

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, thời điểm tháng 9-2006, toàn TP có 4.636 hộ tạm cư trong thời gian dài. Đến tháng 3-2008, UBND các quận, huyện đã bố trí tái định cư  (TĐC) cho 3.874 hộ, còn 762 hộ chưa nhận suất TĐC với nhiều lý do. “Hiện do nhiều dự án bố trí TĐC đang được khởi động, do vậy quỹ nhà TĐC sẽ bảo đảm bố trí các hộ dân vào ở”- ông Nhân khẳng định.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, băn khoăn: “Những số liệu được báo cáo chưa nêu bật được thực trạng đang còn tồn tại ở các khu TĐC, đó là dân chưa vào ở do hạ tầng xã hội chưa có, chất lượng các công trình còn nhiều bất ổn. Tôi nghĩ về lâu dài, cần phải thay đổi cách làm”.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Tấn Bền lo ngại: “Điều đáng lo hơn là qua thống kế sơ bộ, các quận, huyện lại phát sinh thêm 637 hộ dân cư mới thuộc 17 dự án”. 

Đánh giá về thực trạng của tình hình này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, cho rằng: Dù chỉ còn khoảng gần 1.400 hộ còn tạm cư nhưng như vậy là thực hiện chủ trương chưa thật tốt. Ông Hoàng lưu ý trong thời gian từ đây đến năm 2010, dự kiến có khoảng hơn 38.246 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa nằm trong 191 dự án triển khai mới.

Điều này sẽ phát sinh những áp lực về giải quyết chỗ ở trong tình trạng ngân sách thì căng thẳng, còn các doanh nghiệp chẳng “mặn” thực hiện các dự án nhà ở xã hội dù theo đăng ký, có 99 dự án với diện tích đất trên 450 ha.

Lượng dư, chất kém!

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, với chủ trương xã hội hóa nhà ở công nhân thì về cơ bản, TP đã đáp ứng được chỗ ở cho công nhân.

Tính đến năm 2008, tổng diện tích sàn nhà lưu trú công nhân đã xây dựng là hơn 1,29 triệu m2, vượt 29% so với chỉ tiêu đến năm 2010 là 1 triệu m2, qua đó đáp ứng khoảng 430.290 chỗ ở.

Tuy vậy, có một thực tế là đa phần diện tích nhà ở này đều do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mà dân gian hay gọi là phòng trọ, nhà trọ... (chiếm tỉ lệ 94,4%), còn các doanh nghiệp xây dựng chỉ đủ cung ứng cho 16.018 chỗ (chiếm tỉ lệ 5,6%).

Nhưng điều đáng nói hơn là nhà trọ cho công nhân do hộ gia đình, cá nhân xây dựng chưa đạt chất lượng theo các tiêu chuẩn do TP đề ra và tỉ lệ này chiếm khá cao, đến 71,5%.

Đại biểu Đặng Văn Khoa đặt vấn đề: Với diện tích trung bình chỉ có 2,9 m2/người, liệu có đủ điều kiện cho những sinh hoạt tối thiểu và liệu có ổn khi để công nhân sống trong những xóm, dãy nhà trọ với điều kiện sống về môi trường chưa thật sự tốt, an ninh trật tự hãy còn kém? Kế hoạch phát triển nhà lưu trú tập trung của các doanh nghiệp lại quá thấp.

Cụ thể, theo kế hoạch là trong 7 năm tới chỉ giải quyết thêm cho 60.000 chỗ ở. Sở Xây dựng cần kiến nghị UBND TP có giải pháp đẩy mạnh xây dựng các nhà lưu trú tập trung, đồng thời tập trung quản lý khu vực nhà ở trong dân, làm sao bảo đảm chất lượng cuộc sống của công nhân phải được ưu tiên.

“Ế” vì giá thuê nhà 180.000 đồng/tháng/người

Ông Phạm Xuân Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển KCN Tân Thuận, nêu một thực trạng: Doanh nghiệp thật sự khó hoàn vốn nếu xây nhà cho công nhân. Chưa hết, công nhân khi ở trong các khu tập trung này phải chịu giá sinh hoạt phí khá cao.

Đơn cử, khu nhà lưu trú tập trung ở Tân Thuận năm ngoái tiếp nhận 800 công nhân, nhưng năm nay chỉ còn 600. Nguyên nhân có phần giá điện, nước cao và chi phí thuê phòng khá cao nên một số công nhân bỏ ra ngoài thuê cho rẻ hơn. Với giá thuê nhà 180.000 đồng/tháng/người chỉ có những trưởng ca may ra mới đủ tiền thuê.

Đại biểu Huỳnh Công Hùng cho rằng Sở Xây dựng phải rà soát lại những bất hợp lý tại các khu lưu trú hiện đang ế khách để có cách xử lý, tránh mắc phải việc xây dựng ồ ạt rồi chẳng ai vào ở. Đơn cử như khu nhà lưu trú ở gần Nghĩa trang TP, dù khá khang trang, giá thuê chỉ có 80.000 đồng/tháng/người nhưng hiện nay chủ yếu là cho sinh viên thuê.

Theo Kim Long / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.