Đi về nơi phía biển...

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
04/01/2020 07:51 GMT+7

Sóng vẫn xô vào bờ cát, nuôi trùng điệp rừng đước được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới . Phía ấy của thành phố là Cần Giờ , khi ngày đầu năm xuôi về nghe biển hát!

“Con đường màu xanh” !

Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển nằm về phía đông nam, cách trung tâm TP.HCM 45 km, bốn bề là sông và biển, có sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp chảy qua. Cần Giờ có 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Cần Thạnh và 6 xã, dân số 71.000 người với mật độ 100 người/km2, diện tích tự nhiên hơn 704 km2, rộng nhất trong số các quận huyện của TP.HCM.
Thật chẳng có cụm từ nào diễn tả được cái màu xanh ngút mắt trên con đường 6 làn xe về Cần Giờ hay bằng tựa bài hát như trên của nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn. Bởi vậy, trong sáng im vắng ấy, tôi đã bật bài hát này, nghe chính giọng của tác giả, với giai điệu slow rock, rồi tua đi tua lại và hồi tưởng những điều đã dần xa từ nhiều năm trước. Tai nghe nhạc, mắt cứ nhìn về hướng đông, một mình lặng đi với những cao trào của đoạn gần cuối bản nhạc. Hình dung như sóng cồn đang dâng, va đập vào bến thuyền của xã đảo Thạnh An hay bờ đá nào của một khu du lịch sinh thái biển, ngay thị trấn Cần Thạnh.

Đước vẫn bám chặt rễ để sinh sôi và làm nên nét đặc trưng của Cần Giờ

Ảnh: Trần Thanh Bình

Từ đường Nguyễn Hữu Thọ chạy ngang đoạn của H.Nhà Bè, về hướng khu công nghiệp Hiệp Phước, rồi rẽ qua phà Bình Khánh, những chiếc phà cũ kỹ vẫn gào lên vang động một khúc sông, còn in trên thân chúng tên của lực lượng thanh niên xung phong thành phố, như vẫn thấy hiển hiện những tháng năm lăn lộn của lớp anh chị đi trước từng đọc trong tiểu thuyết Ngọc trong đá của nhà văn Nguyễn Đông Thức, giờ xa xôi đâu lắm. Một quyển tiểu thuyết thuở ấy, viết về lực lượng đã có công xây đắp nên rất nhiều công trình của thành phố những năm sau khi nước nhà thống nhất.
... Vào một buổi sáng tháng 8.2005, tôi nhận được tin báo rằng có đoàn của Bộ Tài nguyên - Môi trường bất ngờ “đột kích” về Cần Giờ kiểm tra tình hình sử dụng đất ở huyện này. Người dẫn đầu là Giáo sư (GS) Đặng Hùng Võ, lúc ấy đương chức thứ trưởng. Tôi liền xách xe đi ngay, không kịp gọi cả phóng viên ảnh cùng đi. Cũng một mình một “ngựa sắt” như sáng nay, nhưng lúc ấy không có nhạc nghe, không nhìn cả màu xanh, mà chỉ thấy một màu... lao lung nào đó, vì quá bộn bề những chồng đơn thưa của người dân. Đến nơi, đã 10 giờ sáng, ông Võ đang cấp tập nhận được những câu hỏi như xoáy vào trọng tâm của câu chuyện nhức nhối: Vì sao đền bù đất tôi rẻ thế? Vì sao doanh nghiệp làm dự án kinh doanh mà đuổi dân đi thô bạo như vậy?... Ông dẫn luật Đất đai sửa đổi để trả lời rành rọt, khúc chiết với thái độ rất chân thành thông cảm. Còn các cán bộ trong đoàn thì liền tay nhận hồ sơ của dân, mồ hôi ai nấy ướt đẫm lưng áo!
Gần 13 giờ, cuộc gặp mới kết thúc. Tôi nhặt nhạnh những ý kiến của người được xem là chuyên gia số 1 của Bộ Tài nguyên - Môi trường để về viết bài, nhưng điều quý giá là được gặp riêng GS Võ chỉ để phỏng vấn một câu mấu chốt, là Cần Giờ nói riêng và TP.HCM đã hành xử như thế nào với việc đền bù cho dân trong vùng giải tỏa? Theo ông, qua mấy ngày kiểm tra một số quận huyện, tình hình ấy diễn biến ra sao? Ông Võ nói ngay một câu chắc nịch, mà tôi vô cùng thích thú, đó là “làm dự án kinh doanh thì nhất thiết phải thỏa thuận đền bù cho dân theo giá thị trường và có chính sách tái định cư rõ ràng, nếu không là vi phạm pháp luật”. Với câu nói ấy, cộng với việc trích dẫn nhiều trường hợp dân kêu, tôi đã có một bài báo bây giờ nhớ lại, dường như độc quyền vào ngày hôm sau!

Dần xây, xây dần !

Nhưng rồi những gì ghi vào luật và cụ thể hóa bằng nghị định và hàng loạt thông tư như lời GS Võ nói, cũng khó mà thực hiện. Vì sau chuyến kiểm tra rất quyết liệt ấy, đã có biết bao thay đổi. Để một thời gian dài, vẫn tồn tại muôn nỗi gian nan của người dân, chẳng hề được như ý muốn. Luật vẫn là luật, mà các địa phương và doanh nghiệp có chịu áp dụng luật hay không vẫn là một... khoảng cách!
Có 2 chuyện khác hồi đó liên quan đến Cần Giờ, không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp các báo vẫn nhớ mãi, để rồi mỗi khi gặp nhau lại nhắc. Đó là chiếc cầu Dần Xây trên con đường huyết mạch dẫn về huyện này, được lên dự án đầu tư, bắt tay vào triển khai, nhưng sau khi đường đã làm ngon lành, không hiểu vì sao cứ ì ạch với chiếc cầu, cứ xây đi xây lại. Mà theo giải thích của mấy vị lãnh đạo Sở GTVT (lúc bấy giờ là Sở Giao thông - Công chánh), là do chế độ thủy văn của dòng sông rất phức tạp, dòng chảy biến đổi khôn lường nên khảo sát địa chất công trình thường gặp... sai số! Vì vậy nên mới vậy, khiến cho ai cũng “thọc lét” là chiếc cầu này đừng vội, cứ... xây dần dần (nói trại của tên Dần Xây)!
Một chuyện thứ hai mà tôi còn lưu rất nhiều bản thảo các bài báo, đó là chuyện Cần Giờ có liên quan hơi... cắc cớ đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Số là, vào những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, dự án nạo vét con kênh này bắt đầu khởi động. Sôi sục giải tỏa, quyết liệt cưỡng chế, song song với việc các nhà thầu thi công hối hả nạo vét dòng kênh. Viễn cảnh về một dòng kênh xanh chảy quanh co giữa lòng thành phố thay cho dòng nước đen lưu cữu tù đọng, khiến cho ai cũng hồ hởi. Nhưng cái thứ bùn rác hôi thối ô nhiễm cả trăm năm ấy sẽ được đưa đi đâu?
Thế rồi, bỗng dưng có một chuyện xảy ra. Người ta phát hiện ra hàng đoàn xe rầm rập đêm khuya chở bùn đất Nhiêu Lộc chạy về xả xuống một khúc biển Cần Giờ. Thôi chết, việc này là không thể, vì sẽ giết chết một phần hệ sinh thái quan trọng, là lá phổi xanh của thành phố. Vậy là báo chí ầm ĩ vào cuộc, người dân các giới phẫn nộ, thành phố bấn lên. Tôi liên hệ gặp ngay ông P.C.T, lúc ấy là Trưởng ban Quản lý dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ráo riết chất vấn. Được một điều là ông T. không hề né tránh, trả lời thẳng vào chuyện, cho rằng việc này rất khó, vì không biết đổ bùn nơi đâu. Đặt lắm câu hỏi và cũng đã rõ vấn đề, nhưng không thể chia sẻ với “những điều khó khăn” mà các vị quan chức “nại” ra được. Tôi lập tức đi gặp GS-TS Lê Huy Bá, một chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu. Ông Bá nói thẳng thừng: “Phải dừng lại ngay, việc đó là không thể và không được!”. Sự quyết liệt phản ứng ấy của dư luận, cộng với những bài báo đăng trên Thanh Niên và nhiều tờ báo khác, đã ngăn chặn một việc có thể dẫn đến hệ lụy rất xấu cho biển Cần Giờ và rừng đước, mà sau đó khoảng 5 năm, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới!

Gọi tên Cần Giờ

Bây giờ đi trên con đường này, tôi lại tự dưng bật lên gọi tên một huyện xa lắc, hầu như tách biệt với thành phố năng động, trong lúc ký ức dội về như thể đã từng thân quen lâu lắm. Và còn đó, một rừng Sác dữ dội, đầy bí hiểm dạo nào với trùng trùng cây đước, bám chặt xuống bùn ngập mặn, với những cái tên lừng danh gắn với một giai đoạn lịch sử đầy biến động: Bảy Viễn ngang tàng, tướng Nguyễn Bình mưu lược, ông Mười Trí dũng mãnh, rồi lực lượng đặc công Rừng Sác oai hùng...
Cần Giờ, sau đó tôi lại được biết qua một bài ca dao rất hay: “Đèn Cần Giờ đêm đêm sáng tỏ/Ghe lớn ghe nhỏ nhìn thấy rõ mà vào/Biết ai lòng dạ thanh cao/Để cho phận gái má đào gởi thân?”. Hóa ra, ngọn hải đăng Cần Giờ từ thời Pháp xây dựng, đã từng là tên truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc, từng vào ca dao để rồi vang ngân trên những chuyến ghe thương hồ qua lại, mua bán đổi chác đủ thứ sản vật xứ này!
Vậy thì, gọi tên Cần Giờ như một lời ước đầu năm, để mong nơi này vẫn giữ được nét hoang sơ, tinh khôi như đã từng có không được sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.