Đi chợ Xép mua đồ cúng tết

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/02/2019 09:36 GMT+7

Ở Huế có một ngôi chợ, nằm khép nép bên trong Thành Nội, phía cửa Đông Ba đi vào mà không phải thị dân nào sống ở thành phố này cũng biết đến: Chợ Xép.

Chợ Xép nằm ngay trong thành nội, từ cửa Đông Ba vào quẹo phải là đến. Chợ nổi tiếng bán nhiều món quê, truyền thống, phục vụ hàng vạn dân cư trong và ngoài thành, đặc biệt người dân sinh sống tại phường Thuận Lộc.
Sáng 27 tết. Kẻ bán người mua trong chợ tấp nập từ sáng sớm. Hôm nay nhiều gia đình đi chợ để nấu cúng tất niên nhiều hơn các ngày trước. Hàng hóa phục tết vẫn ê hề những nem, chả, thịt, cá, tôm, bánh chưng, bánh tét, chè, cháo, rau tươi, hàng mã, hoa, quả…
Nhiều nhất ở chợ này phải kể đến đồ hàng mã. Hàng treo bạt ngàn lủng lẳng trên đầu, ai “xí phần” trước, sẽ có vị trí treo hàng thoáng, ngay chính giữa chợ, dễ thấy hơn. Hàng mã tại chợ Xép nổi tiếng phong phú. Người mua hỏi mua bộ áo cúng tất niên, bộ áo cúng giao thừa, người bán trong góc khuất chợ thoăn thoắt lấy cây sào “câu” hàng xuống nói liếng thoắng: “Bộ này chất lượng đẹp, giá 60.000 đồng/bộ. Em mua ngoài kia bộ 80.000 đồng chỉ có đắt hơn nhưng không đẹp bằng”. Đánh mắt hướng sang quầy đối diện, cũng người phụ nữ bán hàng báo bên kia bán bộ 50.000 đồng thôi nhưng hàng không đủ đầy, cúng thổ thần đất đai không phù hộ làm ăn suôn sẻ”.
Khách hỏi mua, người bán dùng sào dài để "câu" hàng xuống Ng.Ng
"Xí" được chỗ ngon, những bộ đồ mã sẽ được treo ở những vị trí bắt mắt, khách dễ nhìn thấy hơn Ng.Ng
Để bán được bộ hàng mã, những người bán ở đây phải trổ hết tài nghệ "câu khách" của mình, không ngại cả việc chê hàng bên cạnh. Nhưng khi đã mua quen và trò chuyện dăm ba câu, họ thân tình bộc bạch: “Trăm người bán vạn người mua. Mua bán ăn nhờ 3 ngày tết, chứ ngày thường nhiều người bán hơn cả người mua nên làm hết năm cũng không dư giả gì”, người phụ nữ tên Thi chỉ thùng sạp đã đóng cửa bảo đứa con trai 14 tuổi của chị thức liên tục mấy đêm nay làm hàng cho kịp nay đang ngủ bên trong đó.
Rời chợ, trên xe của bà nội trợ thường có những bộ áo vàng mã thế này (ảnh chụp trưa 26 tết) Ng.Ng
Nghề làm đồ mã ở chợ Xép bắt đầu từ đôi vợ chồng ngồi phía trái chợ. Người chồng bị tật ở chân, chuyên làm nghề và điều hành thợ thầy là ở người vợ lúc nào cũng son phấn đẹp đẽ. Họ đã giàu lên tại chợ này bằng nghề làm đồ mã từ 30 năm trước. Nghề này ở đây không còn “dễ ăn” như trước cho dù người Huế nay có vẻ “phú quý sinh lễ nghĩa” hơn trong cách thờ cúng.
Tại chợ Xép vào những ngày giáp tết không thể thiếu món bánh tét, bánh chưng làng Chuồn, làng nổi tiếng với đặc sản này. Tuy nhiên, theo những tiểu thương gốc thì chỉ có vài ba người đúng bán bánh tét làng Chuồn, còn lại là… bánh làng Chuồn "dỏm".
Khách đặt 4 đòn bánh tét, 5 cặp bánh chưng trưa 28 tết lấy, người phụ nữ lấy giấy bút ra hí hoáy viết lại Ng.Ng
Một đòn bánh tét làng Chuồn loại 1 (theo người bán nói), giá 50.000 đồng, một cặp bánh chưng 25.000 đồng. Một phụ nữ đeo đầy trang sức vàng ngọc cứ đi tới đi lui mặc cả 2 đòn bánh tét 90.000 đồng mới mua. Người bán sau khi trao đổi lâu không thành công, bỏ đòn bánh tét hơi “nặng tay” vào trong thúng nói lớn: “Chị đi đâu mua được đòn bánh làng Chuồn thế này có giá 48.000 đồng/đòn, tui tặng luôn chị thúng bánh này về vừa ăn vừa biếu làm quà”.
Cọng bánh canh tươi được làm tại chợ từ bột gạo, bột lọc, bột mì, giá 20.000 đồng/kg Ng.Ng
Tiểu thương chợ Xép nói riêng và Huế nói chung xưa nay rất thích nói thách (nói giá cao hơn giá bán thực tế - PV). Có câu, "Không nói thách không phải tiểu thương của Huế", họ coi đó là nét đặc trưng riêng, thói quen không thể bỏ. Người mua nếu không quen mặc cả, tất sẽ bị hớ. Tuy nhiên, khi không thấy khách mặc cả, mua ngay họ lại thấy áy náy và thêm cho khách nhiều thứ có trên quầy. Bà Hoa bán rau củ ngay trong lòng chợ báo giá mua cà rốt, khoai tây, khoai lang, khoai sọ, hành tây đồng giá 25.000 đồng/kg. Người mua lựa và không hề mặc cả. Một thoáng ngần ngừ, bà nói: “Để tui cân già cho chị thành 1,1 kg và thêm hành ngò về ăn”. Tham khảo tại một số quầy hàng khác, các loại củ này đồng giá từ 18.000-20.000 đồng/kg.
Huế nổi tiếng với món nem chả, thịt quay bán tại chợ còn nóng hổi. Đi chợ buổi sáng, có cả thịt ba rọi chưa rút xương được luộc nóng hổi, khách có thể mua về ăn ngay hoặc để cúng. Bà bán cau chỉ hai mẹt cau báo giá: “Cau nhỏ 5.000 đồng/trái, cau lớn 7.000 đồng/trái kèm lá trầu và vôi đầy đủ”. Một người đàn ông hỏi mua 3 trái cau loại 7.000 đồng/ trái và đưa luôn 30.000 đồng "khỏi trả tiền thừa". Bà cụ bán hàng cứ ngẩn ngơ nhìn theo người mua, quay sang bà bên cạnh vừa giải thích vừa cười hạnh phúc: “Mua 3 trái cau 21.000 đồng mà lì xì thêm 9.000 đồng”.
Trái cây bán tại các chợ này hầu hết không có hàng ngon xuất sắc cho ngày tết, sang nhất tại quầy trái cây lớn trong chợ là món bưởi xanh chở từ trong miền Nam ra bán giá 70.000 đồng/kg Ng.Ng
Tranh thủ trời nắng, nhang mới làm được phơi ngay trên lề để kịp đưa vào chợ bán cho khách (ảnh chụp trưa 26 tết) Ng.ng
Đi chợ vào những ngày giáp tết là thú vui khó tả. Đặc biệt, đi đến những chợ tuy nằm trong lòng phố thị nhưng đậm chất “nhà quê” như chợ Xép là một trải nghiệm khó quên. Những lời mời chào “réo rắt” tiếng Huế, để mặc cả, để giả "ngu" khi mua phải mớ tép, củ hành bị 'hớ" đến 2.000 đồng... Cuộc sống, cần lắm những cái "ngu ngơ" đáng yêu như vậy!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.