Đề xuất nhân viên bán lẻ và sản xuất tiêu dùng vào nhóm ưu tiên vắc xin

12/07/2021 19:04 GMT+7

Từ ngày 9.7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP trong thời gian 15 ngày. Ghi nhận tại nhiều siêu thị, lượng khách mua hàng tăng đột biến. Phục vụ hàng ngàn lượt khách mỗi ngày, nhân viên bán lẻ rất cần được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, ổn định an sinh xã hội.

 
  Chợ đóng cửa, người dân chỉ tìm đến siêu thị
Để chống dịch Covid-19, nhiều chợ truyền thống và chợ đầu mối đã buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân, Sở Công thương TP.HCM công bố danh sách các điểm bán lẻ bao gồm tên siêu thị/cửa hàng thực phẩm tổng hợp/cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống VinMart/VinMart+, Co.opmart, Satra Foods, siêu thị Satra...
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương khẳng định, TP.HCM không lo thiếu thực phẩm, thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp 3 lần thông thường. “Hàng nhiều” nhưng "kệ vẫn trống" có rất nhiều lý do, một trong số đó là sức mua của người dân, đặc biệt với ngành hàng thực phẩm, rau củ quả tươi quá lớn trong những ngày này. “3 chợ đầu mối lớn Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức và hơn 100 chợ truyền thống bán lẻ phải tạm đóng cửa để phòng chống Covid-19 đã gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vốn chỉ đáp ứng 30% lượng hàng nhu cầu người dân TP”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Do lĩnh vực kinh doanh đặc thù và sức ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ người dân trong thời điểm này, ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng phải đảm bảo hoạt động xuyên suốt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu mọi lúc, mọi nơi. Sở Công thương có văn bản yêu cầu các hệ thống bán lẻ tăng lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo mua sắm của người dân.
Khách mua hàng rửa tay trước khi vào siêu thị

Khách mua hàng rửa tay trước khi vào siêu thị

Tiêm vắc xin kết hợp 5K tạo “lá chắn” an toàn

Trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, tại các cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, việc thực hiện các biện pháp 5K được siết chặt và tuân thủ nghiêm ngặt. Tại VinMart, VinMart+, nhà bán lẻ thiết lập quy trình phòng chống dịch tuân thủ chặt chẽ quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Quy trình phòng dịch được áp dụng với cả hàng hóa và nhân viên bán lẻ.
Hàng hóa trước khi vào siêu thị phải được kiểm dịch khắt khe, đảm bảo hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng mới được nhập hàng. Tất cả nhân viên bán lẻ tuân thủ nghiêm túc quy định phòng dịch và được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay. Bên cạnh đó, khách hàng trước khi vào siêu thị mua sắm đều được hướng dẫn rửa tay khử khuẩn và đo thân nhiệt. Mặt khác, chuỗi bán lẻ này cũng đã đẩy mạnh các dịch vụ mua hàng online, giúp người dân yên tâm mua sắm ngay tại nhà. Đơn cử như hệ thống VinMart/VinMart+ đang triển khai bán nhu yếu phẩm online qua website vinmart.com, ứng dụng VinID hay cửa hàng VinMart trên sàn thương mại Lazada.
Thực hiện đo thân nhiệt tại một nhà máy của Masan

Thực hiện đo thân nhiệt tại một nhà máy của Masan

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc VinCommerce, đơn vị điều hành chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+ cho biết: “Ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ song song tạo một môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng, Tập đoàn Masan hiện có gần 40.000 nhân viên đang làm việc trong mảng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hệ thống bán lẻ, tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hơn 6.500 nhân viên được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19”. Dù áp dụng nhiều biện pháp phòng chống, nguy cơ nhiễm dịch Covid-19 của nhóm nhân viên ngành bán lẻ vẫn rất cao do thường xuyên tiếp xúc khách hàng.
Trước tình hình đó, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã gửi công văn đề xuất đến Bộ Y tế và Bộ Công thương. Đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội nêu ý kiến: “Với tính chất đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm Covid-19 là rất cao. AVR khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công thương phối hợp tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ được nhanh chóng tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ, đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng”.
Thực hiện giãn cách khi ăn trưa tại một nhà máy của Masan

Thực hiện giãn cách khi ăn trưa tại một nhà máy của Masan

Theo Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế về Kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022, nhóm nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm không nằm trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu. Điều này có thể chưa bao quát hết nhóm nguy cơ lây nhiễm khi thực hiện nhiệm vụ cung cấp các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt tại các đô thị lớn, mật độ dân số cao như TP.HCM, Hà Nội, hay tại các tỉnh thành tập trung nhiều khu công nghiệp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.