Để trở thành cường quốc biển: Cường quốc đóng tàu

09/01/2010 22:54 GMT+7

Là ngành công nghiệp nặng, phát triển công nghiệp tàu thủy đồng nghĩa với phát triển nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác như luyện kim, chế tạo máy, hóa chất, điện tử, vật liệu...

Đầu ra của ngành này lại có tác dụng thúc đẩy kinh tế biển trong nước như vận tải biển, thăm dò khai thác dầu khí, khai thác thủy sản, du lịch phát triển và mang lại hàng tỉ USD cho đất nước. Tuy nhiên, làm thế nào để ngành công nghiệp đóng tàu VN không rơi vào tình trạng “cường quốc gia công” là bài toán không đơn giản.

Phát triển nóng

Có thể nói, công nghiệp đóng tàu của VN khởi động khá muộn, khi ngành công nghiệp đóng tàu thế giới đã phát triển mạnh mẽ và hiện đại. Cũng vì "nóng lòng" bởi sự muộn màng này, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành đóng tàu của VN đã có bước nhảy ngoạn mục.

Còn nhớ, khi Vinashin lên kế hoạch  đóng con tàu trọng tải 6.500 DWT hầu hết ý kiến đều nghi ngờ năng lực của Vinashin nhưng năm 1997, con tàu trọng tải 6.500 DWT đã thành công. 2 năm sau đó, Vinashin tiếp tục đóng mới và hạ thủy thành công tàu hàng trọng tải 11.500 DWT và con tàu này đã "chu du" một vòng quanh thế giới, tới các nước kiểm tra chặt chẽ chất lượng tàu cập cảng như Mỹ, Nhật, Đức... Bắt đầu từ đây, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam có bước nhảy vọt với sự ra đời của các tàu trọng tải lớn đến 22.500 DWT, 34.000 SWT, 53.000 DWT, tàu chở dầu thô trọng tải 104.000 - 105.000 DWT, tàu chở ô tô 4.900 xe và 6.900 xe. Đặc biệt là kho nổi chứa dầu FSO5 150.000 DWT do Vinashin đóng mới hạ thủy đầu năm 2009 vừa qua.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong số 128 cơ sở đóng tàu trên cả nước thì số cơ sở có thể sửa chữa tàu biển có trọng tải từ 6.500 tấn trở lên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn lại hầu hết những tàu lớn đều phải ra sửa chữa ở nước ngoài, nhiều nhất là Singapore. Đây là điều rất đáng tiếc bởi sửa chữa tàu là một ngành thu được tiền tươi ngay lập tức và doanh thu khá lớn.
Có thể nói, FSO5 chính là công trình cơ khí biển lớn nhất từ trước tới nay được chế tạo tại Việt Nam. Kho nổi này có chiều dài 258,14m - gấp hơn hai lần chiều dài một sân bóng đá; cao ngang một tòa nhà 16 tầng, tới 48,6m và rộng 46,4m. Kích thước ấy tương ứng với trọng tải 150.000 tấn, tức là gấp gần ba lần những con tàu trọng tải 53.000 tấn từng hạ thủy tại Việt Nam. Không chỉ thế, việc đa dạng hóa các chủng loại như tàu công trình, tàu khách, tàu chở ô tô, tàu chở khí hóa lỏng...  cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành đóng tàu VN.

Với bước nhảy vọt trong một thời gian ngắn, hàng loạt hợp đồng đóng tàu từ nhiều nước trên thế giới đã đến với VN, thu về hàng tỉ USD cho đất nước. Đặc biệt, năm 2009, năm thế giới gặp khó khăn vì khủng hoảng kinh tế với hàng loạt công ty phá sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… thì tổng giá trị đơn đặt hàng của ngành đóng tàu VN đã đạt trên 12 tỉ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động cho ngành này trong vài năm tới. VN cũng được xếp thứ 6 trong các cường quốc đóng tàu của thế giới và đang phấn đấu lọt vào top 5 cường quốc đóng tàu của thế giới.

Cường quốc gia công?

Nghịch lý là trong khi ngành đóng tàu phát triển quá nhanh thì ngành công nghiệp phụ trợ lại ì ạch, chậm rãi, không đồng bộ khiến cho VN đã và đang đối diện với nguy cơ trở thành “cường quốc gia công” cho thế giới. Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM phân tích, ngành đóng tàu VN mới chỉ sản xuất được một số vật tư, thiết bị giản đơn như chất liệu hàn, sơn, cầu trục, cổng trục cỡ lớn, máy cắt kim loại, nội thất, bơm nước…, trên 80% nguyên vật liệu và thiết bị phục vụ đóng, sửa chữa tàu biển trong nước hiện vẫn còn phải nhập khẩu. Vì vậy, sự phát triển ngành đóng tàu VN trên thực chất vẫn còn nặng tính gia công lắp ráp, chưa tạo nên được giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, chỉ chiếm một số ít sản lượng tàu đóng mới nhưng các nước Tây u chiếm đến hơn 30% lợi nhuận thu được. Lý do là họ chỉ chuyên đóng những con tàu chất lượng cao với tỷ suất lợi nhuận cao.

3 quốc gia đứng ở 3 vị trí đầu tiên trong bản đồ công nghiệp đóng tàu thế giới là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hiện chia nhau đến 89% hợp đồng đóng mới toàn thế giới. Đức tuy chiếm vị trí thứ 4 nhưng hiện chỉ có chừng hơn 2% trong tổng các hợp đồng đóng tàu toàn thế giới.
Ông Ngô Khắc Lễ - chuyên gia hàng hải, Công ty cổ phần vận tải và thuê tàu (Vietfracht) nhận xét nhiều người thấy các nhà máy đóng tàu Việt Nam hạ thủy tàu to, 4-5 vạn tấn là mừng. Điều đó là đáng mừng thật nhưng với người trong nghề thì đóng tàu to bằng vài tòa nhà cao tầng có khi lại không khó và không “ăn” bằng đóng những tàu nhỏ hơn như du thuyền, tàu du lịch cao cấp. Nhiều tàu VN đóng có giá chỉ 40 - 50 triệu USD/chiếc (lúc được giá) nhưng có những du thuyền có giá vài trăm triệu USD, tàu du lịch cao cấp gần cả tỉ USD. Hiện nay trên thế giới, nhiều cường quốc hàng hải như Anh, Pháp, Nhật… đang chuyển dần từ đóng tàu vận tải cỡ lớn (vốn ô nhiễm cao và nặng nhọc, lợi nhuận thấp) sang đóng tàu cỡ nhỏ, du thuyền, tàu du lịch cao cấp với hàm lượng chất xám cao.

"Chúng ta đi sau các nước nên phải làm những việc mà họ không muốn làm nữa là điều khó tránh khỏi vì điểm xuất phát thấp và tầm nhìn chưa xa của chúng ta. Nếu không nỗ lực, tự thân vận động, nghiên cứu, hiện đại hóa công nghệ với tầm nhìn chiến lược thì rất khó để ta tiến kịp các nước" - ông Lễ nói.

Theo thống kê của Tổ chức Clarkson PLs, tổng số đơn đặt hàng đóng mới tàu biển suy giảm 99,46% trong tháng 4. 2009 so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ năm 1996. Năm 2010 được dự báo là năm đầy thách thức với ngành đóng tàu thế giới khi đối mặt với tình trạng hủy đơn hàng, dư thừa công suất tại các nhà máy đóng tàu. Vì vậy, nếu ngành đóng tàu VN không đi vào "chất" thay vì phát triển về lượng như hiện nay thì việc trở thành "cường quốc gia công" là điều không thể tránh khỏi.

Nguyên Hằng - Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.