Dè dặt tuyển dụng nhân sự 'hậu' Covid-19

Mai Phương
Mai Phương
12/05/2020 08:15 GMT+7

Dù đã tái khởi động nhưng các doanh nghiệp vẫn còn khá dè dặt trong việc tuyển nhân sự hậu Covid -19.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Đồng Nai), cho biết kế hoạch mở rộng trước đó của công ty tạm dừng, nhưng một xưởng khác chuyên may các loại văn phòng phẩm, thùng vải... cho đối tác nước ngoài vẫn có kế hoạch tuyển khoảng 750 lao động mới vì vẫn đang hoạt động.
Thông thường ở các năm trước, để tuyển được lượng lớn công nhân thì Pousung Việt Nam sẽ tìm qua nhiều nguồn: rao tuyển trực tiếp, thông qua công nhân giới thiệu, thông qua địa phương nhiều xã... Tuy nhiên hiện nay, theo ông Trường, do một số công ty giảm việc, lượng công nhân gia tăng, nên nhiều người hằng ngày đến trước cổng công ty ông để tìm việc khiến công ty tuyển người cũng nhanh hơn.
Công ty TNHH Aeon Việt Nam hiện có hơn 3.300 nhân viên trên toàn quốc và từ nay đến cuối năm có kế hoạch tuyển thêm 800 nhân viên mới do nhu cầu mở thêm các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị mới.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Duyên - Trưởng phòng Nhân sự Aeon Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động nhân sự cũng có thay đổi, chỉ phỏng vấn trực tuyến và giữ liên lạc thường xuyên với ứng viên hơn để họ yên tâm về công việc. Đồng thời do giãn cách xã hội nên hoạt động tuyển dụng trực tiếp tại các trường đại học đã bị gián đoạn hay sinh viên mới ra trường sẽ nhận việc trễ hơn bình thường do lịch tốt nghiệp kéo dài hơn các năm trước. Ngoài ra, nguồn nhân sự thời vụ đa phần là sinh viên của Aeon vừa qua cũng bị ảnh hưởng do sinh viên được nghỉ học về quê.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho hay các năm trước, vào đầu năm ngành dệt may thường hay bị căng thẳng về nguồn lao động vì công nhân về quê ăn tết xong không trở lại, đổi công việc khác. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, đơn hàng dệt may giảm mạnh và dự báo chỉ có thể hồi phục từ quý 3 trở đi. Nhiều doanh nghiệp cố gắng giữ chân người lao động càng nhiều càng tốt, nhưng vẫn có một số công ty không “gồng” được nên phải giảm bớt lượng công nhân. Vì vậy với ngành dệt may, vấn đề lao động không còn căng thẳng như trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là gần 5 triệu người. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu lao động; thứ 2 là ngành bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động. Trong tổng số 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, có 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% là mất việc.
Trước đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng dự báo, đến cuối quý 2/2020, dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 - 10,3 triệu lao động Việt Nam vì bị giảm giờ làm, giảm lương và mất việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.