Đầu tư lấy quốc tịch ngoại âm thầm nóng

27/08/2020 06:15 GMT+7

Chi hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để được cấp quốc tịch nước ngoài đã được nhiều cá nhân Việt Nam thực hiện với giấc mộng đổi đời. Hiện nay, con đường này vẫn âm thầm diễn ra.

“Hot” định cư châu Âu

Mới đây, chị Diễm - nhân viên Công ty tư vấn định cư K.P (có văn phòng tại TP.HCM), cho biết hiện nhiều người quan tâm đến định cư tại đảo quốc Cyprus. Chương trình định cư tại Cyprus dành cho gia đình bao gồm vợ chồng, con cái phụ thuộc đến 28 tuổi và cha mẹ ruột với số vốn đầu tư từ 300.000 đến 2 triệu euro vào bất động sản (BĐS). Chẳng hạn, nhà đầu tư bỏ ra khoản tiền 300.000 euro cộng thêm số tiền gửi trong ngân hàng khoảng 30.000 euro; còn riêng lấy quốc tịch thì khoản đầu tư lên 2 triệu euro, cộng thêm khoản quyên góp 200.000 euro, tương đương 2,2 triệu euro (gần 62 tỉ đồng). Đó là chưa kể nhiều khoản phí phát sinh trong quá trình thực hiện.
Báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về BĐS tại Mỹ năm 2017” của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) cho thấy chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 4.2016 đến tháng 3.2017, người Việt đã bỏ ra khoảng 3,06 tỉ USD để mua BĐS, chủ yếu là nhà tại Mỹ.
Thường thì những nhà đầu tư sẽ lấy thẻ thường trú vì số tiền đầu tư ít hơn, thời gian giải quyết hồ sơ cũng nhanh hơn, chỉ từ 4 - 6 tháng. Thay vì vậy, Diễm tư vấn định cư hiện nay thấp nhất là vào Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 250.000 USD, tương đương hơn 5,8 tỉ đồng (từ năm 2018 giảm từ 1 triệu USD xuống còn 250.000 USD) cũng thông qua việc mua BĐS. Ngoài ra, nhà đầu tư chuẩn bị khoảng 30.000 - 40.000 USD cho các loại phí làm thủ tục. Chương trình định cư Thổ Nhĩ Kỳ khá đơn giản, không đòi giấy xác nhận tư pháp, thời gian thụ lý hồ sơ từ 3 - 6 tháng, mua BĐS tự do, không đòi giấy xác nhận về tư pháp… Những nhà đầu tư lấy thẻ thường trú hay quốc tịch chứ thường không ở tại nước này nên đầu tư vào căn hộ để cho thuê lại. Hay Công ty tư vấn I. đang giới thiệu chương trình đầu tư lấy quốc tịch Montenegro - là quốc gia Balkan thuộc đông nam châu Âu. Nhà đầu tư được tư vấn thực hiện khoản đầu tư trị giá 100.000 euro (khoảng 2,8 tỉ đồng) cho chính phủ dưới hình thức trao tặng kèm đầu tư dự án BĐS do chính phủ chỉ định với hai lựa chọn, gồm đầu tư 250.000 euro vào một dự án BĐS được phê duyệt trong một khu vực chưa phát triển nằm ở phía bắc hoặc đầu tư 450.000 euro vào dự án ở phía nam; Không yêu cầu trình độ ngoại ngữ hay quản lý... Đặc biệt, nhân viên tư vấn khẳng định sau khi có quốc tịch này vào năm 2025, và đủ điều kiện để tham gia lấy visa Mỹ với đầy đủ đặc quyền của công dân Mỹ.
Cyprus hay Montenegro, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là vài quốc gia trong hàng loạt nơi đang có chương trình thu hút đầu tư nước ngoài cho phép định cư. Vợ chồng anh Thanh (ngụ Q.7, TP.HCM) sau một năm thực hiện các thủ tục đã hoàn tất bộ hồ sơ đầu tư BĐS định cư tại Bồ Đào Nha. Vợ chồng anh Thanh đã chi 280.000 euro để mua một căn hộ chung cư tại Lisbon. Đồng thời, anh chị phải trả một loạt chi phí khác gồm phí công ty tư vấn tại Việt Nam là 10.000 euro; phí luật sư và môi giới phía Bồ Đào Nha là 21.000 euro; phí cấp visa cho người đứng tên hồ sơ là 5.000 euro/người và người phụ thuộc đi kèm là 4.500 euro/người… Trong đó riêng phí cấp lại visa trong thời gian 5 năm sau đó để thi lấy quốc tịch là phải đóng 3 lần.
Ước tính, tổng số tiền vợ chồng anh Thanh phải chi lên khoảng 380.000 euro. Nhưng phí tối thiểu đầu tư 280.000 euro như trên hiện rất hiếm và thông thường các công ty đều môi giới suất đầu tư phổ thông hơn khoảng 350.000 - 360.000 euro. Như vậy tổng cộng người đầu tư sẽ bỏ ra gần 500.000 euro (khoảng 11,6 tỉ đồng). Bồ Đào Nha cũng cho phép 3 thế hệ đi kèm mỗi suất đầu tư mà không hạn chế số người (bao gồm cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, vợ chồng người đầu tư và con, kể cả con nuôi)…

Mỹ, Úc… vẫn hút người tham gia

Trước khi chương trình định cư tại nhiều quốc gia ở châu Âu được biết đến, nhiều người Việt đã âm thầm thực hiện chương trình đầu tư định cư (EB-5) tại Mỹ. Từ tháng 11.2019 vừa qua, Mỹ đã tăng hạn mức đầu tư EB-5 từ 500.000 USD lên 900.000 USD (gần 21 tỉ đồng). Đồng thời quốc gia này cũng siết chặt phạm vi vùng khuyến khích đầu tư (TEA) theo hướng các trung tâm tại thành phố lớn sẽ không còn được xem là vùng khuyến khích đầu tư; thay đổi về quy trình và cách thức xin xóa điều kiện để lấy thẻ xanh vĩnh viễn… Trên thực tế, ngoài số tiền đầu tư chính thức nêu trên, người làm hồ sơ xin EB-5 còn phải trả hàng loạt chi phí khác như phí quản lý dự án, phí tư vấn làm hồ sơ, phí luật sư, phí môi giới, phí chuyển tiền từ Việt Nam sang Mỹ… Ước tính các khoản phí tổng cộng có thể lên tới 100.000 USD. Như vậy để hoàn tất một bộ hồ sơ EB-5 thì một cá nhân phải chi ra tối thiểu 1 triệu USD (gần 23,3 tỉ đồng).
Tương tự, nhiều cá nhân có thể tìm kiếm con đường đầu tư tại Úc, Canada… Cuối năm 2019, chị Thu (ngụ Q.1, TP.HCM) chia sẻ chị đã quyết định làm hồ sơ xin visa đầu tư trái phiếu định cư Úc với mức đầu tư 1,5 triệu AUD, tương đương 25,5 tỉ đồng. Tuy nhiên kèm theo các chi phí xung quanh khác, chưa bao gồm những lần chị phải qua Úc để tìm hiểu thêm… thì phí tổn cũng suýt soát lên gần 30 tỉ đồng. Theo chị Thu, việc lựa chọn đầu tư vào trái phiếu vì chị thấy an toàn hơn dù số tiền bỏ ra nhiều nhưng khả năng lấy lại được. Hơn nữa trong thời gian 4 năm được cấp visa, chính phủ Úc cũng sẽ trả lãi cho số trái phiếu đầu tư, đủ cho gia đình chị sinh sống để chuẩn bị các điều kiện thi lấy quốc tịch…
Trên thực tế, số người thành công có nhưng những rủi ro trong quá trình thực hiện hồ sơ khiến nhà đầu tư hoàn toàn mất hết tiền cũng có rất nhiều...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.