Đầu tư công có thực sự vướng ở luật?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/09/2018 06:17 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vướng mắc của thực hiện đầu tư công vừa qua phần lớn nằm ở khâu thực hiện chứ không nằm ở quy định của luật.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý với đề xuất mở rộng phạm vi để sửa toàn diện luật Đầu tư công.
Theo báo cáo dự án luật Đầu tư công sửa đổi do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 20.9, có 18 chính sách được sửa đổi trong dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, nhiều đề xuất như nâng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia lên 35.000 tỉ đồng, quy định kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm, mở rộng các dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư… không nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra cũng như nhiều thành viên của UBTVQH.
Quy định mức vốn dự án quan trọng quốc gia hiện đã phù hợp
Về đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia lên 35.000 tỉ đồng, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Nguyễn Đức Hải trình bày cho rằng quy định hiện hành về xác định mức vốn của dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỉ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của VN. Số dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng vốn đầu tư công thời gian qua là rất ít, việc triển khai quy định này không phát sinh vướng mắc về mức trần vốn của dự án. Bên cạnh đó, việc quy định mức 35.000 tỉ đồng khá lớn so với số vốn đầu tư hằng năm của ngân sách nhà nước (khoảng 10%). Từ đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH đề nghị giữ nguyên quy định như hiện hành.
Báo cáo thẩm tra cũng không đồng tình với dự thảo luật khi sửa đổi theo hướng bỏ quy định hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, giao Chính phủ thẩm quyền này. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng dự thảo luật bỏ thẩm quyền của UBTVQH là không phù hợp với luật Ngân sách, ngược lại có thể khiến dư luận hiểu nhầm là quy định giao thẩm quyền này cho UBTVQH như luật hiện hành đang gây khó khăn cho việc thực hiện đầu tư công, nên cần hết sức cân nhắc.
Vướng mắc phần lớn ở khâu thực hiện
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH Nguyễn Văn Giàu cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế mấy năm gần đây tốt có một phần đóng góp lớn của đầu tư công nên không có lý gì lại phải sửa luật. Theo ông Giàu, nếu như đặt mục tiêu sửa luật này mà nâng tốc độ tăng trưởng lên thêm 2 - 3% hoặc để tăng tổng mức đầu tư công lên khoảng 200.000 tỉ đồng nữa thì nên sửa, nhưng hiện ngân sách không có tiền mà tốc độ tăng trưởng cũng không tăng thêm được. Từ đó, ông Giàu cho rằng vấn đề hiện nay là nên xem lại và cải cách sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như nội bộ từng bộ, ngành, địa phương.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng những gì vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư công thì phải sửa luật, nhưng những hạn chế, vướng mắc mà báo cáo của Chính phủ đưa ra như khả năng cân đối nguồn vốn, bố trí vốn không phù hợp tiêu chí, bất cập trong điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần, giao chậm, kéo dài thời gian giao vốn… thì không phải là do luật. Chủ tịch QH cũng cho rằng những bất cập, vướng mắc trong luật Đầu tư công chỉ một phần, phần nhiều hơn là do tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm.
“Tính ra, từ lúc QH ban hành quyết định đầu tư dự án đường cao tốc bắc - nam, sân bay Long Thành cũng đã 8 tháng rồi nhưng chưa giao được vốn. Giờ sắp hết năm 2018 mà dự án đường cao tốc mới mở ra để đấu thầu thì tôi nghĩ lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT trước QH là đến cuối nhiệm kỳ dự án đường cao tốc sẽ triển khai đến điểm này, điểm kia sẽ khó mà khả thi”, Chủ tịch QH dẫn chứng và nhấn mạnh việc thiếu vốn, chậm giao vốn thì không phải do luật. Bên cạnh đó, bà Ngân cũng đề nghị rà soát lại các nghị định, thông tư của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Đầu tư công, vì có dư luận nói rằng các quy định tại các nghị định này đang khiến cho thủ tục nhiều hơn, gây ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư công. “Không phủ nhận việc luật Đầu tư công còn một số vấn đề bất cập cần sửa, nhưng nếu đổ thừa hết do luật thì không đúng”, bà Ngân chốt lại.
Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức trần 4.000 đồng/lít
Chiều 20.9, UBTVQH đã thông qua nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức trần là 4.000 đồng/lít thay vì mức 3.000 đồng/lít như hiện nay. Các loại sản phẩm xăng dầu khác như dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn cũng được đề nghị tăng lên mức trần là 2.000 đồng, tăng từ 500 - 1.700 đồng/lít tùy loại.
Ngoài ra, mức thuế bảo vệ môi trường đối với than antraxit từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn. Riêng đối với dầu hỏa, mức tăng được điều chỉnh từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng lít thay vì 2.000 đồng như đề xuất trước đây của Chính phủ. Mức thuế môi trường mới với các mặt hàng nêu trên sẽ có hiệu lực từ 1.1.2019.
Không đồng tình trao quyền điều tra, khởi tố cho cơ quan thuế
Chiều 20.9, cho ý kiến về dự án luật Quản lý thuế sửa đổi, nhiều đại biểu bày tỏ không đồng tình với đề nghị bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế như cơ quan hải quan được nêu trong tờ trình của Chính phủ. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho biết chức năng điều tra được giao cho một số cơ quan như hải quan, kiểm lâm, biên phòng là vì tại những địa bàn hoạt động của lực lượng này, các cơ quan điều tra chuyên trách của công an, quân đội chưa thể đến kịp ngay. Còn đối với ngành thuế thì với phân cấp hành chính hiện nay, cơ quan điều tra chuyên trách hoàn toàn có thể xử lý. Bà Nga cũng cho rằng, thời gian qua không phải vì cơ quan thuế không có chức năng này mà dẫn đến thất thu thuế hay những tồn tại khác của ngành thuế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.