Đầu tư cho thế mạnh rau quả

25/12/2017 07:23 GMT+7

Với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,5 tỉ USD, rau quả đang nằm trong top 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của VN. Nhưng để rau quả thành "mũi nhọn", còn rất nhiều việc cần phải làm.

Nhiều nước muốn nhập rau quả VN
Có mặt tại diễn đàn phát triển thị trường cho ngành rau củ quả mới đây tại Đồng Tháp, đại diện Tập đoàn Global Food Importers (Mỹ) cho biết: Thị trường Mỹ rất chào đón sản phẩm rau quả nhiệt đới của VN như xoài, chôm chôm, vú sữa...
Theo đại diện các nhà nhập khẩu Hàn Quốc, hiện tại tỷ lệ lao động trong nông nghiệp của Hàn Quốc đang giảm. Nguồn rau quả nói riêng và thực phẩm nói chung phụ thuộc vào nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mỹ và các nước Nam Mỹ. Các nhà nhập khẩu muốn chuyển hướng và mở rộng thị trường nhập khẩu rau quả VN.
Hiện tại, 75% rau quả VN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mới đây, Công ty Greenland Business Group, một nhà nhập khẩu rau quả của Trung Quốc, đã ký hợp đồng nhập khẩu với các nhà cung cấp rau quả VN với giá trị lên đến 500 triệu USD trong 2 năm. Lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn mong muốn có nhiều cơ hội tăng nhập khẩu rau quả VN để giúp người tiêu dùng Trung Quốc có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm với chất lượng tốt. Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thay vì nhập chủ yếu từ Colombia, Malaysia như hiện nay. Do tác động của tự nhiên, nguồn cung từ các thị trường này đang suy giảm nên Nhật muốn mở rộng sang thị trường VN.
Hoàn thiện cơ chế, thu hút doanh nghiệp
Đồ họa: Phúc Hải
Các nhà nhập khẩu cho rằng, vấn đề quan trọng nhất với người tiêu dùng là an toàn thực phẩm. Rau quả tươi phải có các chứng nhận quốc tế, phải truy xuất nguồn gốc. Chia sẻ bài học kinh nghiệm của Hà Lan, một quốc gia rất nhỏ nhưng chiếm tới 20% thị phần rau quả và hoa của thế giới, TS Arjo Rothuis, Đại học Wageningen University and Research Center (Hà Lan), cho biết: Điều quan trọng là khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đóng gói bao bì sản phẩm. Ở Hà Lan đây là khâu rất quan trọng và không ngừng nghiên cứu cải tiến để mang đến hiện quả tối ưu nhất. Hệ thống logistics đã được tối ưu hóa để tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng nông sản. Ở VN, đây là lĩnh vực còn yếu cần phải tiếp tục đầu tư phát triển.
“Vấn đề của VN là phải thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân. Không chỉ đầu tư trực tiếp vào sản xuất chế biến mà cả đầu tư hạ tầng kỹ thuật, logistics; phải tạo cơ chế chính sách tích tụ đất đai để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn. Một yếu tố quan trọng khác là phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc vì người tiêu dùng thế giới cũng có nhu cầu theo dõi việc trái “xoài” của VN sinh trưởng và phát triển như thế nào”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, nói.
Tại diễn đàn phát triển thị trường cho ngành rau củ quả ở Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Để ngành rau quả tiếp tục phát triển cần quy hoạch lại sản xuất gắn với thị trường. Bên cạnh đó, cần quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics. Phải thay đổi tư duy không tập trung cho cây lúa như trước đây nữa. Ở cấp Chính phủ, sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn là xu hướng nhưng chúng ta không bó buộc trong một mô hình nào cả; đó có thể là các tổ hợp tác, hợp tác xã... Trong đó, doanh nghiệp phải là trung tâm của sự phát triển, hướng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến để làm sao sản phẩm nông sản của VN phải tốt và giá cạnh tranh. Hiện nay là thời cơ của ngành rau quả VN, chúng ta phải tích cực hành động để nắm bắt cơ hội đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.