Dầu tràm Huế đã có 'áo giáp' chống nhái, giả

Nguyên Nga
Nguyên Nga
19/06/2018 09:05 GMT+7

Sau nón lá, dầu tràm Huế là đặc sản thứ hai đang được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Thông tin này tạo hy vọng cho những người sản xuất dầu tràm chân chính. Bởi dầu tràm được coi như đặc sản của địa phương này. Tuy nhiên, đây cũng là sản phẩm bị làm nhái, giả nhiều nhất.
Theo một số người bán dầu tràm dọc quốc lộ huyện Phú Lộc, dầu tràm thật phải được lấy từ lá cây tràm gió mọc vùng cát trắng hoặc là tràm trên núi Bạch Mã, nguồn nguyên liệu khá thất thường nhất là vào mùa mưa. Để có 1 lít dầu tinh chất tràm phải mất cả tấn lá. Chi phí để mua lá và nấu, chưng cất một mẻ dầu tràm không hề rẻ, trong khi dầu tràm được bán tại Huế có thể nói là "thượng vàng hạ cám" và danh "dầu tràm nguyên chất" bị lạm dụng nhiều năm nay.
Tác dụng của dầu tràm Huế đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Giữ ấm cơ thể trời mùa lạnh, trị sổ mũi, cảm cúm, ho đặc biệt là ho có đờm, chữa đau bụng vặt, dầu tràm xua đuổi kiến và muỗi rất tốt.
Tác dụng của dầu tràm Huế đối với phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh: Chữa cảm lạnh, ho, sổ mũi, giúp giảm đau nhức xương khớp, trị các vết cắn côn trùng, dị ứng.
Bà Thảo, bán dầu tràm khu vực Lăng Cô khẳng định: “Không biết cơ sở nấu tràm nguyên chất thì chỉ toàn mua dầu giả hoặc dầu nấu từ cây chổi xuể là chủ yếu. 90% dầu tràm bán trôi nổi trên thị trường là không phải chiết xuất từ tràm”. Những người dân địa phương khi được hỏi mua dầu tràm nguyên chất tại “thủ phủ” dầu tràm ở huyện Phú Lộc  cũng có chung nhận xét như vậy và cảnh báo dầu tràm giá rẻ toàn dầu làm từ hương liệu công nghiệp được chuyển từ Lào sang cửa khẩu Lao Bảo đang bán tràn lan trên chợ.
Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi ngày 11.5 vừa qua, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thu giữ hơn 1.000 chai dầu tràm của cơ sở Phước Quý dán nhãn Phước Quý và Thiên An được coi là không đảm bảo tiêu chuẩn quy định.
Toàn bộ số dầu tràm có tại cơ sở này sau khi được giám định chất lượng và chủ cơ sở khai nhận, là dầu chiết xuất từ cây chổi xuể. Kiểm ra hàm lượng Cineol trong chai dầu chỉ đạt 5-10%, trong khi quy định hàm lượng Cineol của dầu tràm phải đạt 40-60%.
Theo thống kê, huyện Phú Lộc hiện có khoảng 80 cơ sở sản xuất dầu, sử dụng 600 tấn là tràm nguyên liệu, cung ứng hơn 2.000 lít ra thị trường mỗi tháng.
Thừa Thiên-Huế cũng có kế hoạch phát triển đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm dầu tràm. Tuy nhiên, nguyên liệu là thách thức lớn của ngành nghề này. Việc nhanh chóng xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp hơn, song song với việc xây dựng thương hiệu và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm dầu tràm Huế là những hoạt động nên được thực hiện đồng loạt và càng sớm càng tốt. Không nên để thương hiệu dầu tràm Huế mai một và mang tiếng nhiều hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.