Đấu giá đất Thủ Thiêm lấy tiền đầu tư, trả nợ

24/07/2020 05:36 GMT+7

Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có 61 lô được đem bán đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Theo dự kiến, trong tuần sau Hội đồng Thẩm định giá đất sẽ nghe báo cáo giá khởi điểm một số lô đất trước khi đưa ra đấu giá.
Sáng 23.7, UBND TP.HCM họp về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và đề ra giải pháp khôi phục kinh tế trong 6 tháng còn lại. Tại buổi họp báo diễn ra sau đó, đại diện các sở, ngành TP đã trả lời nhiều vấn đề liên quan kinh tế - xã hội.

Đấu giá đất “sạch”

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội diễn ra sau đó, PV Thanh Niên đặt câu hỏi về tiến độ đấu giá các lô đất còn lại trong Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm và phương án sử dụng nguồn thu. Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Quản lý (BQL) KĐTM Thủ Thiêm, cho biết theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có 55 lô đất còn lại phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, TP.HCM cho rà soát các dự án đã giao đất cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với các dự án thuộc khu chức năng số 2c gồm 6 lô đất. Như vậy, KĐTM Thủ Thiêm sẽ có 61 lô được đem bán đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Tiếp tục hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Trong phiên họp kinh tế - xã hội buổi sáng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết những năm qua, mức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đều trên 8%, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm do tác động bởi cú sốc dịch Covid-19 nên kinh tế TP chỉ tăng trưởng 2%.
Ông Phong chỉ ra 2 lý do khiến kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp: Thứ nhất, dịch vụ chiếm hơn 60% trong cơ cấu tổng sản phẩm kinh tế và đây là nhóm bị dịch Covid-19 tác động mạnh; thứ hai, số doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM chiếm hơn 50% số DN của cả nước, nhưng hơn 90% là DN vừa và nhỏ, là nhóm dễ bị “gãy đổ” do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 của TP.HCM lần lượt là 3, 4 và 5%. Để đạt mức tăng trưởng cao nhất là 5%, ông Phong cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đến ngày 15.10 đạt trên 80%. “Đây là trách nhiệm của chủ tịch UBND 24 quận, huyện và thủ trưởng các sở ban ngành”, ông Phong nhấn mạnh và yêu cầu điều chuyển vốn đầu tư của các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang các dự án có tỷ lệ giải ngân nhiều.
Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết với ngành du lịch các tỉnh, phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt tạo nền tảng phát triển kinh tế số.
Để nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết sẽ đẩy mạnh công tác sắp xếp nhà đất thuộc TP.HCM quản lý, tổ chức đấu giá các địa chỉ nhà đất đã được phê duyệt phương án đấu giá. Bên cạnh đó, Cục Thuế và Sở TN-MT rà soát lại các dự án đủ điều kiện mà còn chưa nộp tiền sử dụng đất để tập trung thu trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tiết kiệm nguồn chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết...
TP.HCM đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở TN-MT triển khai đấu giá trước 4 lô đất đã giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở khu chức năng số 3 (có ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12) rộng hơn 30.000 m2. Hiện Sở TN-MT đang thẩm định giá khởi điểm; UBND TP chỉ đạo trong tuần sau sẽ báo cáo Hội đồng Thẩm định giá đất để xác định giá khởi điểm trước khi tổ chức đấu giá.
Ông Minh cho biết thêm, sắp tới TP.HCM sẽ tổ chức đấu giá thêm 9 lô đất ở khu chức năng số 1. Các khu đất này đang được BQL đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM xây dựng hạ tầng; Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM đã báo cáo phương án đấu giá chờ UBND TP phê duyệt. Ngoài ra, TP cũng tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 lô đất xây dựng trung tâm hội nghị triển lãm và khách sạn có ký hiệu 1-12 và 1-20 (rộng 168.000 m2). “Sở dĩ dự án này phải tổ chức đấu thầu vì cần chọn nhà đầu tư có năng lực chuyên môn vận hành công trình sau khi hoàn thành để tổ chức sự kiện mang tính chất quốc tế”, ông Minh nói.
Đối với các lô đất còn lại, BQL KĐTM Thủ Thiêm tiếp tục giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật trước khi đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với 3.970 căn hộ ở khu 38,4 ha (P.Bình Khánh, Q.2), ông Minh cho hay Trung tâm phát triển quỹ đất cho biết UBND TP.HCM đã phê duyệt phương án đấu giá, đến giữa tháng 8.2020 có giá khởi điểm và tổ chức đấu giá công khai.
Trả lời câu hỏi tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sẽ sử dụng ra sao, ông Minh cho biết TP đã xin ý kiến Thủ tướng về việc mở tài khoản để nhận các nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, quỹ nhà dôi dư và nguồn thu khác. TP cũng đang xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng quỹ tiền khai thác từ Thủ Thiêm để hoàn trả nợ vay (khoảng 2.873 tỉ đồng), chi đầu tư (bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội); hoàn trả khoản tiền đã tạm ứng ngân sách và lãi vay (theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là 26.316 tỉ đồng).

Vì sao không phát hiện vi phạm của phó giám đốc Sở quy hoạch - kiến trúc ?

Trả lời về quy trình bổ nhiệm ông Phan Trường Sơn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, có sơ hở gì mà TP mới bổ nhiệm thời gian ngắn thì đương sự bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết sai phạm của ông Sơn tại thời điểm công tác ở Sở Xây dựng TP.HCM (giữ chức Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản). Theo ông Lắm, trong quy trình bổ nhiệm cán bộ ở TP.HCM không có quy định lấy ý kiến cơ quan chức năng của Bộ Công an. Do vậy, khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra và sau đó bắt giữ như thế nào thì Sở Nội vụ không nắm được. Còn quá trình lấy ý kiến của các cơ quan chức năng của TP.HCM, kể cả Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, để làm quy trình công tác cán bộ, đều không phát hiện vi phạm. Ông Lắm cho biết Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND và Thành ủy TP.HCM biện pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.