'Đất vàng' Thủ Thiêm được đấu giá như thế nào?

02/05/2018 15:14 GMT+7

Toàn bộ 9 lô đất khu chức năng số 1 - vùng lõi trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 78.000m2 với giá trị đầu tư tạm tính 27.000 tỉ đồng. Những điều kiện nào được đặt ra để đấu giá các lô ‘đất vàng’ này?

Như Thanh Niên đã thông tin, UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất toàn bộ 9 lô đất khu chức năng số 1 - vùng lõi trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).
9 lô “đất vàng” rộng 78.000m2 lần đầu được mang ra đấu giá này, có 6 lô được quy hoạch là khu dân cư đa chức năng, còn lại là đất thương mại, dịch vụ đa chức năng; đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối; ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư khu chức năng số 1 khoảng 27.000 tỉ đồng, bao gồm chi phí đầu tư, tiền sử dụng đất, chi phí hạ tầng kỹ thuật…
Ngày 2.5, ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM) cho biết việc đấu giá sẽ tổ chức công khai, minh bạch tại Trung tâm đấu giá thuộc Sở Tư pháp TP.HCM. Quy trình TP.HCM thực hiện đấu giá căn cứ theo Thông tư 14 liên Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tư pháp. Trình tự thủ tục trải qua các bước cơ bản: thứ nhất là đo đạt, xác định diện tích chính xác các lô đất, rà soát quy hoạch chức năng sử dụng đất. Tiếp đến là định giá trên cơ sở giá thị trường với sự thẩm định của tư vấn độc lập. Tiếp đến nữa là trình UBND TP.HCM duyệt giá khởi điểm để xây dựng phương án đấu giá với khung giá cụ thể của từng lô đất. Dự kiến việc đấu giá sẽ được tổ chức trong năm 2018.
Ông Võ Văn Hoan: "Đấu giá 9 lô đất vàng Thủ Thiêm rộng 78.000m2 nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án" ẢNH: ĐÌNH PHÚ
Đề cập rõ hơn mục tiêu của việc đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM khẳng định việc đấu giá 9 lô đất rộng 78.000m2 nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án và góp phần trang trải chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ban đầu của toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo phương án được UBND TP.HCM duyệt bước đầu, nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất 9 lô này phải tự bỏ vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối giữa các lô đất, kết nối với đại lộ Vòng cung và đường ven hồ trung tâm của Thủ Thiêm; đặc biệt là phải có lộ trình thực hiện dự án, có cam kết và triển khai đúng tiến độ.
Để thực hiện mục tiêu “không để trống đất vàng”, UBND TP.HCM đề ra hàng loạt tiêu chí đánh giá năng lực của các tổ chức tham gia đấu giá. Cụ thể, nhà đầu tư có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không vi phạm quy định pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Về năng lực tài chính, UBND TP.HCM quy định tổ chức tham gia đấu giá có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư tạm tính (khoảng 27.000 tỉ đồng), tương đương vốn phải có sẵn hơn 5.400 tỉ đồng; có khả năng huy động 80% phần vốn còn lại (tương đương khoảng 21.600 tỉ đồng). Đặc biệt, không lỗ lũy kế tính đến năm 2017; đã, đang làm chủ đầu tư hoặc đã, đang thực hiện đầu tư ít nhất 1 dự án có cùng quy mô tương đương trở lên; có cam kết và nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định; cam kết hoàn thành dự án trong thời hạn không quá 60 tháng (5 năm) kể từ ngày trúng đấu giá. Tổ chức tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước 20% giá khởi điểm.
“TP.HCM quy định như thế để xây dựng, hình thành diện mạo đô thị Thủ Thiêm đúng như quy hoạch, chứ không phải đấu giá rồi mà đất thì vẫn bỏ không”, ông Võ Văn Hoan nói.
Để đầu tư xây dựng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi Thủ tướng phê duyệt từ năm 1996, tính đến nay tổng nguồn vốn chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chi trả các khoản lãi vay hơn 29.000 tỉ đồng. TP đã mất hơn 10 năm giải phóng mặt bằng với khoảng 15.000 hộ dân thuộc diện di dời, tái định cư.
Với việc đấu giá toàn bộ 9 lô đất khu chức năng số 1 - vùng lõi trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức đấu giá đất ở Thủ Thiêm (trước đây chủ yếu là giao chỉ định).
Chỉ tính từ năm 2011 đến tháng 3.2017, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỉ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỉ đồng, chênh lệch tăng thêm 1.256 tỉ đồng, tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm. Chỉ riêng cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn (Q.1) đã có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá, và phải qua 16 vòng đấu thì mới xác định đơn vị trúng đấu giá là Công ty Tân Hoàng Minh. Giá khởi điểm mặt bằng 23 Lê Duẩn 550 tỉ đồng, giá trúng đấu giá 1.460 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng đến 32,68% tổng giá trúng đấu giá của 215 cuộc đấu giá), chênh lệch tăng thêm 910 tỉ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá.
Ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM cho biết thêm, thực tế đấu giá có tình trạng giá trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm, nhưng cũng có tình trạng đấu giá không thành công vì không có nhà đầu tư tham gia. Ông Võ Công Lực đơn cử vừa rồi thành phố tổ chức đấu giá 584 nền đất ở Q.2 với giá khởi điểm 1.351 tỉ đồng, giá trúng đấu giá là 2.062 tỉ đồng. Đây là cuộc đấu giá có thể nói là kỷ lục, kéo dài từ sáng đến 11 giờ đêm mới xong. Tuy nhiên, cuộc đấu giá tổ chức trước tết Nguyên đán 2018 với 3.700 căn hộ chung cư ở Q.2, giá khởi điểm 9.000 tỉ đồng nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia cả.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giao dịch "ngầm" trên thị trường nhà đất còn khá phổ biến. Do đó cần cơ chế kiểm soát đấu giá đất để không xảy ra tình trạng đấu giá "cuội", "quân xanh, quân đỏ" làm sai lệch kết quả đấu giá, có thể gây thất thoát tài sản nhà nước. Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.