Đặt nhầm tên cho Grab?

24/08/2018 06:54 GMT+7

Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi yêu cầu định danh các ứng dụng cung cấp phần mềm kết nối như Grab , Aber là doanh nghiệp vận tải vấp phải sự phản đối của hầu hết các chuyên gia.

Chỉ là đơn vị “môi giới”

Không thể lấy cái cũ chỉnh sửa lại vì bản chất hoàn toàn khác nhau, họ không phải taxi, kinh doanh vận tải. Thời đại công nghệ, chỉ công nghệ mới quản được công nghệ

Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa

Theo định nghĩa của Bộ GTVT tại dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, doanh nghiệp (DN) thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa, trong đó có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải sẽ được coi là DN vận tải. Đây là quy định mới nhằm định danh các loại hình như Grab, Aber trở thành DN vận tải.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Nói đến các công đoạn của hoạt động vận tải là nói về các công đoạn thực hiện cung cấp dịch vụ. Loại hình của Aber, Grab chỉ là sử dụng công nghệ thông tin, kết nối người sử dụng và người cung cấp dịch vụ, không phải đơn vị trực tiếp cung cấp dịch vụ. Grab cũng không cung cấp xe, không cung cấp tài xế, không trực tiếp điều hành hoạt động của tài xế, chỉ là đơn vị ở giữa kết nối. “Nói cách khác, đây là đơn vị môi giới. Môi giới không phải hoạt động cung ứng dịch vụ vận tải, vì thế Grab, Aber hay các đơn vị công nghệ khác không phải DN vận tải, áp theo đúng định nghĩa của Bộ GTVT”, ông Hiếu nói.
Góp ý Nghị định 86, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cũng cho rằng định nghĩa trên của Bộ GTVT không gắn được với chủ thể đang cần quản lý là loại hình như Aber, Grab. Bản chất việc sử dụng phần mềm của Grab là để kết nối các đơn vị vận chuyển với khách hàng có nhu cầu, môi giới và làm trung gian giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ vận chuyển. Grab không ký bất kỳ hợp đồng vận chuyển nào, cũng không phải là chủ thể trong hợp đồng vận chuyển. Hợp đồng điện tử trong trường hợp này được ký giữa bên vận chuyển với hành khách - trong hợp đồng này chỉ có ý chí thống nhất của bên vận chuyển và hành khách mà không có ý chí của Grab. “Grab đưa ra gợi ý về giá, nêu thông tin về nhu cầu của khách và khả năng đáp ứng của các bên vận chuyển nhưng quyết định có chấp nhận gợi ý của Grab không và có ký hợp đồng vận chuyển không hoàn toàn thuộc quyền tự do ý chí của bên vận chuyển và khách hàng mà Grab không thể can thiệp”, văn bản nêu rõ.
VCCI cũng cho rằng Grab không thể quyết định điều xe hay giá cước mà chỉ có thể kết nối, cung cấp thông tin hành khách cho bên vận chuyển có vị trí gần nhất và đề xuất giá cước. Ngoài ra, bên cung cấp dịch vụ vận chuyển không phải người lao động của Grab, không nhận lương thường xuyên từ Grab, cũng không chịu bất kỳ ràng buộc về việc phân/giao việc, do đó không chịu sự “điều hành” nào của Grab theo nghĩa này.
Thiệt hại lớn nhất là người tiêu dùng
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm: Trong thời đại công nghệ chi phối mọi hoạt động của con người như hiện nay, hầu hết các DN đều đầu tư vào phân khúc tiếp ứng vận tải mà không trực tiếp tham gia vào vận tải kinh doanh. Những công cụ này có thế mạnh là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại, xử lý hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp trí tuệ nhân tạo để đưa ra đề xuất kết nối giữa hành khách với phương tiện gần nhất, hoặc đề xuất hiệu quả với mức giá. Điều này giúp hành khách và người lái xe tiết kiệm thời gian trong các cuộc trao đổi về giá cả, đồng thời góp phần tiết kiệm điều tiết giao thông vận tải trong giờ cao điểm.
“Định danh họ là công ty vận tải, yêu cầu DN công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một DN vận tải sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi, tăng chi phí, triệt tiêu lợi ích của họ. Đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ và chịu thiệt cuối cùng chính là người tiêu dùng”, ông Long nhấn mạnh.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cho rằng nếu “ép” Grab vào mô hình của một DN vận tải, họ sẽ trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống. Khi đó, buộc Grab phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên… Tất cả chi phí sẽ được DN sẽ áp vào giá thành, người dân hết thời đi xe giá rẻ. Bao nhiêu cái mới, cái hay, cái tiến bộ sẽ trở nên vô nghĩa.
“Cần thiết phải có luật riêng để quản lý Grab, theo kịp, thậm chí đón đầu những thay đổi liên tục về công nghệ. Trong đó, phân định trách nhiệm của từng đơn vị về quản lý thuế, cơ sở hạ tầng… Không thể lấy cái cũ chỉnh sửa lại vì bản chất hoàn toàn khác nhau, họ không phải taxi, kinh doanh vận tải. Thời đại công nghệ, chỉ công nghệ mới quản được công nghệ”, ông Hòa đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.