Tôm càng đỏ, tôm hùm đất đào hang sâu tới 2 m, phá vỡ hệ sinh thái

24/05/2019 05:35 GMT+7

Nếu không cấm mà cho nuôi những loài tôm càng đỏ, tôm hùm đất, thì từ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái cho đến các ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo nguy cơ cao gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn, hậu họa để lại lâu dài.

Thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết qua kiểm tra thực tế trong các ngày 18 - 19.5 với 25 cơ sở kinh doanh thủy sản tại 19 chợ cho thấy không phát hiện cơ sở nào kinh doanh sản phẩm là loài tôm càng đỏ và tôm hùm đất (tôm hùm nước ngọt). Nhưng thực tế, tôm càng đỏ và tôm hùm đất được rao bán qua mạng xã hội nên việc phát hiện xử lý gặp khó khăn.
[VIDEO] Tôm hùm đất, tôm càng đỏ là gì, vì sao gây nên nỗi lo ngại đến thế?
Còn tại Lào Cai từ ngày 1 - 22.5, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 945 kg tôm càng đỏ, trong đó chỉ có một lô hàng 75 kg là xử phạt được chủ hàng, còn lại đều là người vận chuyển thuê vứt lại hàng, bỏ trốn khỏi hiện trường.
Trả lời Thanh Niên ngày 23.5, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, đặc biệt nhấn mạnh về tác hại nguy hiểm nhất của tôm càng đỏ và tôm hùm nước. Cả hai loài này đều có sức “phá vỡ hệ sinh thái ở mức khủng khiếp”, có khả năng sinh sống trong nhiều môi trường khác nhau, ăn tạp và tốc độ phát triển nhanh. Chúng đi đến sẽ tiêu diệt toàn bộ các loài thủy khác khiến hệ sinh thái bị phá hủy, tiêu diệt. Loài tôm càng đỏ còn có hiện tượng ăn thịt lẫn nhau và chúng được xếp vào loại 100 loài thủy sinh nguy hiểm nhất thế giới. Cả tôm càng đỏ và tôm hùm đất có chung tập tính sống ẩn nấp trong các rễ cây ven bờ ao, hồ, sông và với đặc tính ưa đào hang sâu đến 1 - 2 m nên có khả năng phá hủy các công trình đê điều, thủy lợi. Tôm càng đỏ và tôm hùm đất đều là những vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường nơi chúng trú ngụ, sinh sống.
Ông Hùng cũng cho biết nhiều nước cấm nuôi tôm càng đỏ và tôm hùm đất, một số nước cho phép nuôi ở khu vực nhất định nhưng kiểm soát chặt chẽ. Ở quốc gia cho phép nuôi, phần lớn là có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, họ buộc phải cho phép nuôi giống tôm này vì lợi ích kinh tế nhưng đi kèm với biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng ở VN sản xuất nông nghiệp manh mún với hàng triệu mảnh ruộng, hàng triệu ao hồ, sông suối thì rất khó kiểm soát, nguy cơ thất thoát ra môi trường tự nhiên sẽ rất nguy hại.
“Tôm càng đỏ và tôm hùm đất chỉ có 30% thịt và 70% vỏ, hàm lượng thịt và dinh dưỡng không cao hơn hay ngon hơn tôm sú, tôm thẻ chân trắng của VN đang có. Chúng ta có nhiều giống tôm tốt hơn để lựa chọn thì tại sao phải cho phép nuôi tôm càng đỏ, tôm hùm đất với nhiều mầm họa. Nếu không cấm mà cho nuôi những loài này thì từ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái cho đến các ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo nguy cơ cao gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn, hậu họa để lại lâu dài”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, hiện tại rất khó đánh giá được loài thủy sinh này đã phát tán ra môi trường hay chưa. “Lào Cai được xác định là đầu nguồn kiểm soát, Bộ NN-PTNT đã đề nghị tỉnh Lào Cai tăng cường lực lượng kiểm soát từ đầu nguồn biên giới và tới đây Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai tiến hành khảo sát để đánh giá khả năng phát tán ra môi trường”, ông Hùng thông tin.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.