Dân số già: Quả bom nợ nổ chậm của kinh tế Trung Quốc

Thu Thảo
Thu Thảo
06/02/2018 14:07 GMT+7

Thâm hụt lương hưu là thách thức lớn kế tiếp của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc giữa lúc họ tăng cường chiến dịch kéo dài nhiều năm để giữ núi nợ chất cao không làm nền kinh tế trật đường ray.

Theo Bloomberg, việc già hóa dân số ở đất nước đông dân nhất thế giới đồng nghĩa với việc khoản tiền mà người lao động đóng góp vào lương hưu không còn đủ để chi trả cho các khoản trợ cấp hưu trí. Chính phủ Trung Quốc buộc phải lấp đầy khoảng trống nói trên ít nhất là từ năm 2014.
Chi tiêu hưu trí tăng 11,6% lên 2.580 tỉ nhân dân tệ, tương đương 410 tỉ USD, trong năm 2016, khiến chính phủ phải bơm thêm 429,1 tỉ USD để bù vào khoản thâm hụt, theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Trung Quốc.
Thâm hụt sẽ đạt 800 tỉ nhân dân tệ trong năm nay và 890 tỉ nhân dân tệ năm 2020 nếu hệ thống không được cải cách. Đây là ý kiến của nhà nghiên cứu Wang Dehua thuộc Học viện Chiến lược Kinh tế Quốc gia ở Bắc Kinh. Năm ngoái, học viện này dự báo thâm hụt sẽ đạt 1.200 tỉ nhân dân tệ vào năm 2019. Bộ Tài chính Trung Quốc không công bố ước tính. “Nguy cơ tài khóa lớn nhất của Trung Quốc là rủi ro hưu trí. Có nhiều vấn đề lớn trong hệ thống hưu trí nếu nó tiếp tục hoạt động bằng các khoản trợ cấp tài chính không nhỏ”, ông Wang nói.
Thâm hụt tiền hưu trí càng gây áp lực lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc tìm cách ngăn chặn tình hình nợ doanh nghiệp tăng nhanh. Chính phủ Trung Quốc cần phải tự trang trải cho các khoản thâm hụt gia tăng trong vài năm tới. Lãnh đạo Đại lục có thể đưa ra bản cập nhật về triển vọng lương hưu vào ngày 5.3 trong kỳ họp thường niên.
Dù nguồn thu chính phủ tăng 7,4% năm ngoái, mức tăng đầu tiên kể từ năm 2011, nguồn thu dường như không thể tăng thêm lần nữa trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Điều này hạn chế khả năng trang trải thâm hụt của Bắc Kinh, vốn có thể khiến giới hoạch định chính sách phát hành thêm nợ để thu hẹp khoảng cách thu - chi.
Dân Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh cho biết khoảng 1/4 dân số nước này sẽ trên 60 tuổi vào năm 2030, tăng từ mức 13,3% trong năm 2010. Việc loại bỏ chính sách một con không làm tỷ lệ sinh đi lên vì chi phí sinh hoạt khiến các gia đình e ngại. Năm ngoái, Trung Quốc có 17,2 triệu trẻ em chào đời, thấp hơn con số 18,5 triệu trẻ trong năm 2016.
Dù vậy, xu hướng nhân khẩu học và việc làm không cân bằng có thể giúp ích cho nền kinh tế và tái cân bằng chi tiêu tiêu dùng. “Dân số già của Trung Quốc thường được phân tích trong bối cảnh tỷ lệ phụ thuộc tuổi già tăng lên và mức độ ảnh hưởng của tỷ lệ này với tình hình tài chính công. Song điều đáng nói là tỷ lệ người về hưu, những người tiêu dùng nhưng không sản xuất, tăng lên cũng dẫn đến sự gia tăng về mặt cấu trúc trong miếng bánh của chi tiêu tiêu dùng trong GDP”, chuyên gia Diana Choyleva thuộc hãng Enodo nhận định.
Bỏ qua lợi ích như trên, dấu hiệu căng thẳng đã xuất hiện trong hệ thống lương hưu Trung Quốc, và thâm hụt thu - chi hưu trí sẽ tăng lên nhanh chóng sau năm 2020, chuyên gia Liu Shangxi, giám đốc Học viện Khoa học Tài chính Trung Quốc cho hay. Bộ Tài chính và Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này hôm 5.2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.