Dân Nhật Bản chọn tiền mặt, ‘chê’ kim cương

25/06/2015 12:14 GMT+7

(TNO) Với dân số già và nền kinh tế uể oải, người Nhật Bản đang bán số trang sức kim cương với tốc độ kỷ lục để đổi lấy tiền mặt. Phần lớn số đá quý này vào tay khách mua ở Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ.

(TNO) Với dân số già và nền kinh tế uể oải, người Nhật Bản đang bán số trang sức kim cương với tốc độ kỷ lục để đổi lấy tiền mặt. Phần lớn số đá quý này vào tay khách mua ở Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ.

Người Nhật Bản đang bán kim cương với tốc độ kỷ lục - Ảnh: Reuters

Sự hấp dẫn của những chiếc nhẫn hay hoa tai nạm đá quý là một phần của thời trang xa xỉ vào những năm 1980 và 1990 ở Nhật Bản.

Hiện tại, xu hướng này đã "già" đi cùng độ tuổi dân số và sức khỏe nền kinh tế của đất nước không có bất kỳ mỏ khai thác nào và đã từng là nước mua vào kim cương nhiều thứ hai thế giới cách đây gần một thập niên. Năm 2013, Nhật Bản có 25% dân số trên 65 tuổi.

Bloomberg hôm nay 25.6 cho hay người Nhật Bản đang bán số trang sức kim cương họ có với tốc độ kỷ lục.

Số liệu từ Bộ Tài chính Nhật cho thấy mức xuất khẩu kim cương đã qua sử dụng tăng đến 77% trong năm nay. Phần lớn trong tổng số 38.032 carrat kim cương được vận chuyển đến người mua ở Hồng Kông, Trung Quốc và Ấn Độ.

“Tôi muốn tiêu tiền cho những chuyến du lịch hay bữa ăn tối, thay vì cứ giữ khư khư viên kim cương trong tủ áo”, một bà nội trợ họ Mitsuko, 64 tuổi, cho biết. Bà Mitsuko vừa bán viên kim cương 2 carrat của mình tại cửa hàng Komehyo ở Tokyo với giá thấp hơn số tiền bà đã bỏ ra khi mua nó cách nay 30 năm.

Đối với nhiều người, chẳng hạn như bà Mitsuko, dùng tiền mặt đồng nghĩa với việc loại bỏ những thứ không cần thiết để cuộc sống đơn giản hơn. 
Đổi đá quý, lấy đồng yen cũng trùng khớp với kế hoạch mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra nhằm khuyến khích tiêu dùng, hạn chế tiết kiệm. 

Vaibhav Bhandari, người kinh doanh kim cương gốc Ấn Độ ở Nhật Bản, cho biết anh mua loại đá quý này mỗi tháng 4 lần ở Okachimachi, trung tâm bán sỉ đồ trang sức ở Tokyo, và bán lại cho các thợ kim hoàn ở Mumbai (Ấn Độ) và Hồng Kông (Trung Quốc). “Kim cương đã qua sử dụng ở Nhật Bản rẻ hơn 15% so với kim cương mới hoàn toàn và cùng chất lượng ở Ấn Độ”, anh nói.  

Theo Naoto Owaki, nhà quản lý cao cấp bộ phận tiếp thị và bán hàng tại chuỗi cửa hàng Komehyo cho hay, đồng yen Nhật yếu hơn giúp kim cương và trang sức đắt tiền xuất xứ từ Nhật Bản trở nên hấp dẫn trong mắt khách hàng nước ngoài. Yen Nhật đã sụt 18% giá trị so với đồng đô la Mỹ trong 12 tháng qua.

Trong bối cảnh trên, thị trường hàng cũ, hàng đã qua sử dụng ở Nhật Bản cũng phát triển khi tăng 10% kể từ năm 2009, lên đến 12,1 tỉ USD. Ngày càng có nhiều người buôn bán đá quý, quần áo hay các sản phẩm khác đã qua sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.