Dán nhãn năng lượng, tới giờ G vẫn rối

26/06/2013 03:15 GMT+7

Hơn 100 nước trên thế giới đã thực hiện việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm đồ điện gia dụng, điện tử nhưng Việt Nam hiện nay vẫn còn loay hoay, triển khai ì ạch trong khi theo quy định, một số mặt hàng bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1.7.

Tại hội thảo “Chương trình dán nhãn năng lượng và quản lý, giám sát thực hiện dán nhãn năng lượng” do Bộ Công thương gần đây, đại diện Công ty CP Tập đoàn Intemex bức xúc: "Tôi đã nộp hồ sơ đăng ký bóng đèn nhập khẩu từ tháng 11.2012 nhưng 5 tháng sau vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức. Bộ Công thương phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), đừng để một lô hàng nhập về nằm ở cảng đến mức độ trả tiền cho hãng tàu khiến DN bỏ nghề đi buôn luôn”.

 
Từ 1.7 máy lạnh phải dán NNL - Ảnh: Hoàng Việt

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải - đại diện Công ty TNHH Tatung Việt Nam - chia sẻ: “Về hướng dẫn dán nhãn năng lượng (NNL), Bộ Công thương nói là nhà sản xuất thiết kế tem sai bị phạt. Tuy nhiên, đơn vị tiếp nhận ở tận Hà Nội, còn chúng tôi ở tỉnh Bình Dương mà Bộ chỉ có một phòng tiếp nhận thông tin này. Khi tôi gọi ra thì các anh chị nói bận, không tiếp được. Chính cái này mất rất nhiều thời gian”. Ông Phí Ích Trực, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty sản phẩm tiêu dùng Toshiba Việt Nam, cho biết theo quy định thời gian xem xét hồ sơ là 10 ngày. Tuy nhiên, thời gian thực tế xem hồ sơ, kiểm tra thực tế, dán NNL… lại không có trong quy định. Những thủ tục này phải mất hơn 1 tháng, thậm chí vài tháng. Thời gian xét duyệt hồ sơ, cấp, dán tem năng lượng cho sản phẩm quá lâu sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai sản phẩm mới của nhà sản xuất ra thị trường. Dù Bộ Công thương đưa ra lý do gì thì DN cũng bị ảnh hưởng rất lớn vì sự chậm trễ này.

 
 Trước đây các DN cũng thực hiện dán một số tem khác và đều phải điêu đứng. Để có được cái tem NNL DN phải mất mấy tháng trời, điều chỉnh thời gian tới lui, chi phí kiểm tra của một sản phẩm phải mất 5 triệu đồng

Đại diện Công ty Việt Thái Á

Ông Trực đặt vấn đề, theo lộ trình trước đây, từ ngày 1.1.2013 nhiều sản phẩm điện gia dụng, điện tử bắt buộc dán NNL trước khi đưa ra thị trường. Nhưng đến thời điểm đó không có doanh nghiệp (DN) thực hiện kịp nên phải gia hạn thêm thời gian thực hiện. Lộ trình mới là ngày 1.7 tới sản phẩm máy giặt bắt buộc phải dán NNL. Còn các sản phẩm như tủ lạnh, ti vi… thì áp dụng từ ngày 1.1.2014. Tuy nhiên, với cách triển khai như hiện nay, liệu đến thời điểm đó có bị hoãn thêm lần nữa không?

Đại diện Công ty Việt Thái Á thì cho rằng hàng công ty nhập thuộc diện phải kiểm tra chất lượng thông qua Bộ KH-CN, tại sao không chỉ định đăng ký chứng nhận NNL tại cơ quan kiểm định chất lượng thuộc Bộ KH-CN vì như vậy "một cửa" sẽ nhanh hơn. “Trước đây các DN cũng thực hiện dán một số tem khác và đều phải điêu đứng. Để có được cái tem NNL, DN phải mất mấy tháng trời, điều chỉnh thời gian tới lui, chi phí kiểm tra của một sản phẩm phải mất 5 triệu đồng. Mỗi DN có từ 10 - 15 sản phẩm, như vậy chi phí cho việc kiểm tra, cấp NNL đội chi phí giá thành sản phẩm lên rất khủng khiếp”, đại diện Công ty Việt Thái Á bất bình.

Theo các DN, khúc mắc lớn nhất hiện nay là đến nay Bộ Công thương mới chỉ định có duy nhất một điểm kiểm định năng lượng ở phía bắc, cũng chỉ có một đầu mối tiếp nhận hồ sơ của DN trong khi hầu hết các nhà sản xuất nằm ở TP.HCM. Vì vậy, khi DN cần, không biết hỏi ai và hỏi được, cũng mất rất nhiều thời gian.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới hạn phải dán NNL nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề còn phải tranh cãi.

Hoàng Việt

>> Tiêu dùng xanh
>> Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
>> Khởi động chương trình "Tiêu dùng xanh
>> Chỉ số giá tiêu dùng đẩy chứng khoán tăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.