Đàm phán NAFTA bế tắc

23/11/2017 08:48 GMT+7

Không có tiến bộ đáng kể nào trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể rút nước ông khỏi thỏa thuận tồn tại 23 năm.

Theo CNN, sau vòng đàm phán NAFTA thứ 5 vốn kết thúc vào ngày 22.11, hoạt động tái đàm phán thỏa thuận này chỉ còn hai vòng nữa. Dù vậy, hiện chưa có tiến bộ nào về các vấn đề gây chia rẽ trên bàn đàm phán.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay: “Dù chúng tôi đã có vài tiến bộ trong nỗ lực hiện đại hóa NAFTA, tôi vẫn lo về việc thiếu sự thay đổi. Chúng tôi chưa có bằng chứng nào cho thấy Canada và Mexico sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc vào các điều khoản sẽ dẫn đến thỏa thuận cân bằng hơn”.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland thì cho biết Mỹ đã đưa ra “nhiều đề xuất cực đoan” mà họ không thể chấp nhận. “Một số đề xuất mà chúng tôi đã nghe không chỉ có hại cho Canada mà còn bất lợi cho Mỹ”, bà Freeland nói, trích dẫn quan ngại về các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ và Canada.
Bộ Kinh tế Mexico thì chưa trả lời yêu cầu bình luận sau khi cuộc đàm phán NAFTA vòng 5 kết thúc, dù quan chức nước này có chỉ trích đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump đổ lỗi NAFTA khiến người Mỹ mất hàng trăm ngàn việc làm, chủ yếu là việc làm ngành sản xuất. Ngoài ra, NAFTA còn là nguyên nhân khiến Mỹ có thâm hụt thương mại gia tăng với Mexico, đạt 60 tỉ USD hồi năm ngoái. Với Canada, Mỹ thặng dư thương mại một chút.
Dù vậy, có nghiên cứu chỉ ra rằng NAFTA không khiến công việc “di cư” khỏi Mỹ. Giới kinh tế học thương mại cho hay tự động hóa và công nghệ tiên tiến mới là lý do “giết chết” hàng triệu việc làm.
Phòng Thương mại Mỹ cho biết 14 triệu việc làm nước này phụ thuộc vào thương mại với Canada và Mexico, vốn bùng nổ từ khi NAFTA trở thành luật vào năm 1994. Hiện tại, cả ba nước đều không thể đồng thuận trong vài vấn đề chính, nhất là hoạt động sản xuất ô tô.
Ô tô chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Trump muốn viết lại quy tắc về cách thức và nơi sản xuất ô tô ở Bắc Mỹ. Canada và Mexico thì cho rằng đề xuất về xuất xứ hàng hóa từ phía Mỹ là không thể chấp nhận.
Một vấn đề gây tranh cãi khác là sự tồn tại của thỏa thuận. Phía Mỹ đề xuất một điều khoản “đóng thỏa thuận”, có nghĩa là thỏa thuận sẽ kết thúc 5 năm một lần, trừ trường hợp cả ba bên đều đồng ý gia hạn thêm 5 năm nữa.
Hiện tại, Mỹ và Canada cũng căng thẳng về vấn đề gỗ xuất khẩu vốn kéo dài nhiều thập niên. Chính quyền ông Trump vừa áp thuế cao đến 18% lên gỗ Canada. Hai nước cũng có tranh chấp hàng không giữa hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing và đối thủ Canada Bombardier. Cả ba bên Mỹ, Canada và Mexico sẽ gặp gỡ lần nữa vào tháng 12, song vòng đàm phán kế tiếp sẽ không diễn ra đến ngày 23-28.1 ở Montreal (Canada).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.