Đà Nẵng thu hút đầu tư: 'Cởi trói' cho du lịch

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
20/08/2019 11:00 GMT+7

Doanh nghiệp cũng như chuyên gia nhìn nhận, để du lịch (DL) Đà Nẵng “cất cánh” phát triển theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW, TP.Đà Nẵng cần có cơ chế đặc thù.

Phải hút nhà đầu tư chiến lược

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Nghị quyết số 43-NQ/TW (gọi tắt là NQ 43) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nghị quyết hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Ông Bình đánh giá, với những điều kiện tự nhiên hết sức ưu đãi, với vị trí quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế, Đà Nẵng sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây nguyên. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo động lực và sự lan tỏa cho cả vùng. Có 3 trụ cột lớn được xác định cho phát triển TP trong thời gian tới, trong đó, về DL, trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm DL của quốc tế.
Ông Ngô Quang Vinh, nguyên Giám đốc Sở DL Đà Nẵng (vừa nghỉ hưu 1 tháng), khi trả lời về những vấn đề phát triển DL trong NQ 43 đã cho biết: Trong 15 năm vừa qua, DL TP phát triển khá tốt, trung bình tăng 20% khách quốc tế/năm. Để làm nên thành công này, TP đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng… thuận lợi. Đà Nẵng đã thu hút được nhà đầu tư chiến lược, xây dựng được các khu DL mới, các sản phẩm…
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng cho rằng trong khoảng 10 năm qua Đà Nẵng thu hút những nhà đầu tư chiến lược có năng lực, có tầm cỡ. “Tuy chưa phải là cái gì nó đột phá ghê gớm, nhưng những nhà đầu tư lớn giúp định hình một chân dung tốt, đẩy sức cạnh tranh cho Đà Nẵng”, ông Thiên nhận định.
Tại hội nghị Tăng cường thu hút khách DL quốc tế đến VN do Tổng cục DL vừa tổ chức hôm 16.8, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định để tiếp tục đà tăng trưởng khách DL, cần có những cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Hiện Đà Nẵng đã xác định DL là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nên TP hướng đến phát triển DL theo hướng thân thiện với môi trường, DL xanh và tăng trưởng bền vững.

Ưu đãi doanh nghiệp lữ hành

Cũng tại hội nghị này, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty VN Du lịch VN (Vitour), cho hay công ty đã dừng khách DL Inbound (du lịch được tổ chức cho đối tượng khách từ những quốc gia khác đi DL đến quốc gia sở tại) ở một số thị trường lớn vì cơ chế, chính sách chưa ủng hộ cho lữ hành VN. “Tôi đề xuất, Tổng cục DL nên định hướng một số đơn vị lữ hành lớn, từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ, ưu ái cho doanh nghiệp. Chính phủ đã có việc giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi DL là ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều cơ chế đặc thù nhưng chưa đề xuất về ưu đãi như: thuế thu nhập DN hoặc thuế VAT…”, ông Tùng nói và đặt câu hỏi: “Một vài địa phương có chính sách mời các DN nước ngoài đến có thuế suất bằng 0%. Tại sao chúng ta không nghiên cứu để áp dụng đối với du lịch, lữ hành?”.
Đề cập cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng, cách tiếp cận NQ 43 là giao cho Đà Nẵng những giải pháp chủ động, một số quyền, một số cơ chế đặc thù mà Bộ Chính trị đã nêu. “Loại cơ chế, loại chính sách gì, giao luôn cho Quốc hội, giao luôn cho Chính phủ triển khai để thể chế hóa NQ của Bộ Chính trị”, ông Thiên phân tích. Ông hình dung quá trình vượt thoát cái cũ là cơ hội cho Đà Nẵng “bay lên trên tinh thần chủ động sáng tạo”, vươn tầm thế giới và thể hiện bản sắc.

Mở rộng liên kết và tái cơ cấu

Theo ông Ngô Quang Vinh, nguyên Giám đốc Sở DL Đà Nẵng, trong giai đoạn sau NQ 43 sẽ tạo ra động lực, điều kiện mới cho Đà Nẵng phát triển và ngành DL sẽ phát triển theo một hướng khác. TP sẽ phải cơ cấu lại ngành DL và thiên hướng nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng.
Đặc biệt, tiếp tục xây dựng Đà Nẵng là “thiên đường nghỉ dưỡng”. NQ 43 xác định Đà Nẵng là một cực tăng trưởng, hạt nhân của cả vùng Nam trung bộ và Tây nguyên, những năm qua Đà Nẵng đã liên kết khá tốt với Hội An (Quảng Nam) và Thừa Thiên - Huế nên sắp tới sẽ làm mạnh hơn nữa với các tỉnh miền Trung. Nhưng ngành DL cần cơ cấu lại, xác định ngưỡng phát triển trong thời kỳ mới để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, giải quyết những vấn đề môi trường, hạ tầng, nguồn nhân lực…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.