Đà Nẵng “rập rình” tăng giá đất: Nên giảm giá đất để thu hút đầu tư

25/02/2021 06:20 GMT+7

Năm 2021, Đà Nẵng xác định chiến lược thu hút đầu tư là phương án để vực dậy nền kinh tế. Thế nhưng, nếu tăng giá đất cũng trong năm nay, chiến lược này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Khó cạnh tranh với các nơi khác

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, năm 2020, thu hút đầu tư của Đà Nẵng thể hiện bức tranh trái chiều, đầu tư khu vực nhà nước và nước ngoài tăng trong khi khu vực tư nhân trong nước giảm mạnh. Cụ thể, về vốn đầu tư, khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước tăng 11%, khu vực ngoài nhà nước giảm 28%, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 38%. Thế nên, trong hội nghị tổng kết về thu hút đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) này vào cuối năm 2020, chính Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong giai đoạn vừa qua đã khiến TP đáng sống này có dấu hiệu tụt hậu dần về thu hút đầu tư. Đầu tư vào TP chưa xứng với tiềm năng, lợi thế mà địa phương có sẵn cũng như vị thế đầu tàu của khu vực miền Trung.

“Nhiệm vụ của Đà Nẵng bây giờ không phải là tìm cách tận thu từ đất mà phải mạnh dạn chịu thiệt thòi, thiếu thốn một chút, quyết tâm sửa sai; đến khi nào môi trường, hệ sinh thái trở lại lành mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh trở lại thì TP sẽ gặt hái được hơn rất nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội BĐS VN

Trong đại dịch Covid-19 năm qua, DN tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng hơn nhiều tỉnh thành khác do bị tái dịch Covid-19, phải cách ly toàn TP hơn 2 tháng. Báo cáo của Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng năm 2020 cho thấy số DN gia nhập thị trường giảm; số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao. Cụ thể, số DN đăng ký mới giảm hơn 26% và vốn đầu tư giảm gần 20% so với năm 2019. Đặc biệt, DN thành lập mới trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh chính của TP đều giảm mạnh. Chẳng hạn, kinh doanh dịch vụ du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, dịch vụ việc làm giảm 45%; kinh doanh bất động sản (BĐS) giảm 45%, các hoạt động dịch vụ khác giảm gần 50%... Đặc biệt, ngành công nghiệp không khói là mũi nhọn phát triển kinh tế tại đây, song Covid-19 khiến nhiều DN chật vật, khốn đốn vì kinh doanh ngưng trệ, không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả khoản tiền lớn thuê đất...
Hay tin Đà Nẵng “rục rịch” tăng giá đất, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty tư vấn IME Vietnam, nhận xét đặt trong bối cảnh các địa phương đang tăng tốc cạnh tranh thu hút đầu tư sau đại dịch, Đà Nẵng lại tăng giá đất lúc này rõ ràng là “điểm trừ” trong thu hút đầu tư. Giai đoạn này, DN đang cố vực dậy sản xuất, du lịch quá khó khăn, bị động chờ vắc xin nên sẽ chọn nơi nào ưu đãi tốt về thuế, đất, tiền thuê mặt bằng, thủ tục nhanh gọn... Ngay cả những yếu tố DN quan tâm nhất là hệ thống logistics, nguồn nhân lực tay nghề cao..., Đà Nẵng cũng chưa cạnh tranh nổi với các tỉnh phía nam, đặc biệt TP.HCM hay các tỉnh lân cận Hà Nội.
“Trong bối cảnh kinh doanh dịch vụ khó khăn, thu hút đầu tư nước ngoài khó khăn, Đà Nẵng phải nghĩ đến việc lập tổ đón “đại bàng” trong nước. Muốn vậy, phải tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn nữa”, ông Đỗ Hòa nói và nhấn mạnh thêm, ngoài thu hút nhà đầu tư lớn trong nước, Đà Nẵng phải có những nhà sản xuất nhỏ, tạo nơi đây thành khu vực sầm uất về du lịch và thương mại. Phải biến người dân thành những hộ sản xuất hỗ trợ cho những “đại bàng”. Trong tương lai, người ta du lịch đến Đà Nẵng ở lâu hay không nhờ sản vật tại đây phong phú, khách có thể lưu lại lâu hơn để mua sắm. Phát triển sản xuất thương mại song song dịch vụ mới khiến Đà Nẵng cất cánh được.

Đã qua thời kỳ phụ thuộc nguồn thu từ đất

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội BĐS VN, bổ sung về nguyên tắc khung giá đất tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của địa phương. Đối với những nhà đầu tư muốn phát triển sản xuất, kinh doanh, việc phải thuê hoặc mua đất với giá cao là cản trở rất lớn. Trong khi với những nhà đầu tư thật sự muốn phát triển những khu đô thị thì cũng sẽ khó khăn do gánh nặng chi phí đền bù giải tỏa tăng.
Ông Đính đánh giá Đà Nẵng hiện đang trong “thời kỳ buồn”. Các nhà đầu tư lớn đang dần rời khỏi Đà Nẵng, nhóm còn quan tâm đến thị trường này hiện rất ít do các dự án bị đình trệ thời gian dài, trong đó có yếu tố rất lớn là thuế đất cùng nhiều sai phạm dẫn đến sự không ổn định về môi trường đầu tư. Tình trạng trên đã kéo dài trong vài năm, kìm hãm kinh tế Đà Nẵng phát triển. Đáng lẽ trong giai đoạn này, chính quyền TP phải tìm cách giải quyết triệt để, đề ra phương pháp cải thiện, sửa chữa những cái sai cũ, tạo điều kiện cho những cái mới có cơ hội phát triển xứng với tiềm năng và nhu cầu của thị trường. Thế nhưng có vẻ những người làm chính sách lại đang nghiên cứu theo hướng lâu rồi không có nhà đầu tư, không có DN mặn mà dẫn đến thất thu nên phải tăng giá đất để bù lại.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright, đánh giá Đà Nẵng thật sự tụt hậu nếu so sánh một cách tương đối với các tỉnh thành cạnh tranh trong nước. Trong giai đoạn 2004 - 2016, thành phố này được ưu ái lớn nhất trong phân bổ ngân sách, thể hiện trong việc giữ lại nguồn thu ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, lên đến 32% so với GDP, cao gấp 4 lần so với Bình Dương. Sau 20 năm, Đà Nẵng thu hút được nhiều người đến ở, tốc độ tăng dân số chỉ sau TP.HCM và Bình Dương. Tuy được tăng thu, chi ngân sách nhưng Đà Nẵng lại đứng thấp nhất trong nhóm thặng dư ngân sách. Trong 15 năm, GDP bình quân đầu người của Đà Nẵng từ vị trí thứ 4 đã tụt xuống thứ 10, cho thấy Đà Nẵng đang bị tụt lại.
Theo TS Du, vấn đề của Đà Nẵng là do một thời gian dài quá phụ thuộc vào nguồn thu từ đất. Ngân sách giai đoạn 2005 - 2010 thu từ đất chiếm đến 40%, nay còn khoảng 10%. Đến khi không còn dư địa phát triển quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, Đà Nẵng bắt đầu tụt lại. Nếu tiếp tục phát triển chính sách theo hướng tận thu từ thuế, phí BĐS, Đà Nẵng có nguy cơ tiếp tục đối mặt giai đoạn đình trệ, tụt hậu, đánh mất rất nhiều cơ hội thu hút đầu tư để phát triển du lịch cũng như các ngành dịch vụ tiềm năng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.