Đã là doanh nhân phải nghĩ lớn

29/10/2018 07:00 GMT+7

Đó là triết lý kinh doanh của doanh nhân Phạm Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn điện tử Asanzo. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho mọi chiến lược đầu tư táo bạo của ông từ ngày khởi nghiệp.

Phạm Văn Tam là một trong số những doanh nhân khá chịu khó trau chuốt bề ngoài ngay cả khi làm việc trực tiếp tại nhà máy. Ông đến buổi hẹn phỏng vấn trước 10 phút với chiếc áo vest tự giới thiệu là hàng Việt 100%. “Nhân hiệu và thương hiệu phải đi đôi với nhau. Tôi không coi trọng chiếc áo bạn mặc trên người là hàng hiệu gì, nhưng tôi đánh giá cao những đường kim mũi chỉ tinh xảo trên sản phẩm. Điều này chứng tỏ người tạo ra sản phẩm đó đã đặt tâm huyết, tình cảm và tính chuyên nghiệp cao vào “đứa con” tinh thần của mình. Khi làm hàng điện tử cũng vậy, chất lượng là vấn đề được chú trọng, nhưng hình thức mẫu mã, độ an toàn tiện ích đến mức hoàn hảo của sản phẩm là điều tôi đặc biệt chú ý”, ông Tam bộc bạch.
Không muốn bỏ lỡ miếng bánh tỉ đô
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong kinh doanh thương mại hàng điện tử, khởi đầu bằng chiếc ti vi và sau đó là loạt sản phẩm điện tử gia dụng, điện lạnh, điện thoại, năm 2017, doanh thu của tập đoàn Asanzo đã đạt trên 4.600 tỉ đồng. Kế hoạch doanh thu năm nay dự tính gần 8.000 tỉ đồng. Ông chủ Tập đoàn điện tử Asanzo đang “nuôi mộng” đưa doanh nghiệp lên sàn (IPO) trong năm 2021 để xây dựng “đế chế” điện tử hùng mạnh mang thương hiệu quốc gia Việt Nam.Ông Phạm Văn Tam trong cuộc họp với các nhân sự cao cấp của công ty
Ông Phạm Văn Tam trong cuộc họp với các nhân sự cao cấp của công ty
Ông từng khẳng định đầu tư xây dựng các nhà máy không cần vay ngân hàng và tự tin với nguồn vốn tự có. Kế hoạch IPO có phải để huy động vốn mà không phải phụ thuộc vốn ngân hàng như ông từng chia sẻ?
Đúng thế. IPO để có dòng tiền ổn định, dài hạn không phải chạy theo việc cứ làm và trả lãi ngân hàng hằng năm. Tại Việt Nam, riêng về mảng đầu tư làm hàng điện tử, Asanzo chỉ đứng sau Samsung về quy mô đầu tư nhà máy. Chúng tôi đã có 7 nhà máy với 2.000 công nhân viên không chỉ sản xuất phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu mà làm hàng OEM (sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác - PV) cho nhiều khách hàng lớn. Các hãng điện tử của Nhật, Hồng Kông trước đây là khách hàng lớn của các đối tác ở Trung Quốc nay muốn chuyển hợp đồng sang Việt Nam. Thực tế, xu hướng này đã có từ năm trước, khi hàng điện tử được sản xuất từ Trung Quốc xuất sang thị trường Nga, Nhật gặp khó khăn. Tuy nhiên, đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới xảy ra, khó khăn cho hàng “made in China” lên đỉnh điểm. Nhiều đơn hàng của các hãng điện tử lớn từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật đang gõ cửa chúng tôi, nhưng lớn quá, chúng tôi không dám nhận ngay. Đó là sự thật mà ai đang làm trong ngành này cũng hiểu rõ. Các nhà cung cấp linh kiện cho chúng tôi nói thẳng họ muốn chia sẻ những đơn hàng của họ về Việt Nam, Thái Lan... vì làm ở Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ gặp khó. Tôi nghĩ đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp điện tử Việt. Chiếc bánh này rất lớn, trong tương lai gần, nếu kịp có nhà máy, mỗi năm thu về từ 5 - 7 tỉ USD là trong tầm tay.
Nghĩa là IPO để có thể "ăn" miếng bánh lớn này...?
Quả thật tôi hơi sốt ruột vì đây là cơ hội mà chúng tôi đã “sờ” thấy được. Các đối tác Nhật, Hàn, Trung Quốc đã tự tìm đến mình chứ không cần phải đấu tranh để giành đơn hàng. Nhưng nếu không nắm lấy, những đơn hàng này sẽ chảy sang thị trường Thái, Malaysia mất. Thế nên, mở rộng nhà máy, tăng quy mô, IPO của Asanzo với mục đích muốn chia sẻ bớt các mảng, giao quyền điều hành các mảng riêng cho nhà đầu tư có năng lực như cách làm của các tập đoàn điện tử Hàn Quốc trước đây. Tăng vốn, đầu tư nhà máy lớn hơn để thực hiện các đơn hàng lớn cho khách hàng lớn là mục tiêu sắp tới của Asanzo.
Theo ông cần một nhà máy quy mô cỡ nào để đón các hợp đồng tỉ USD như ông vừa nói?
Không chỉ thêm nhà máy, tôi muốn đầu tư xây dựng hẳn khu công nghiệp riêng cho ngành điện tử, điện lạnh. Hiện tại, một số địa phương đã ngỏ ý mời chào với một số chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, nơi có đất rộng lại gặp khó trong tìm nhân lực, nơi có sẵn nguồn nhân lực dồi dào lại không đủ đất để làm các nhà máy. Chẳng hạn trong Khu công nghệ cao TP.HCM chỉ có thể cho chúng tôi thuê được diện tích quá nhỏ, không đủ để làm một nhà máy, trong khi không ít nhà đầu tư ngoại đang “xí phần” ở đây từ trước nhưng không triển khai đã nhiều năm rồi. Hiện cũng có khu công nghiệp của nhà đầu tư tư nhân trong nước đã hoàn thành hạ tầng, muốn cho thuê nhưng giá thuê cao quá đến 128 USD/m2. Doanh nghiệp không thể đầu tư phát triển sản phẩm trên nền tảng tiền thuê mặt bằng cao đến vậy. Mở rộng nhà máy thì cần 10 ha nhưng khu công nghiệp phải 100 ha. Nên nhớ Samsung xây dựng nhà máy tại Thái Nguyên hơn 200 ha nên quy mô chúng tôi mong muốn thực hiện cũng chưa phải là lớn.
Ông Phạm Văn Tam tại nhà máy
Ông Phạm Văn Tam tại nhà máy Quang Định
Ông có thể nói thêm một chút về dự án khu công nghiệp điện tử Asanzo?
Theo kế hoạch của tập đoàn, năm 2021, Asanzo sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng, khoảng 30 - 40% tổng lượng cổ phần doanh nghiệp, chiếm khoảng 1.500-2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Mỗi lần huy động vốn chỉ đặt mục tiêu thu về tầm 300 - 500 tỉ đồng để mở rộng sản xuất. Song song đó, lập khu công nghiệp dành riêng cho ngành điện tử để thu hút các doanh nghiệp sản xuất linh kiện nước ngoài vào đầu tư sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và tạo đà giúp ngành sản xuất điện tử trong nước đi lên.
Liệu mục tiêu đó có quá lớn với một ngành điện tử còn quá non trẻ của VN không thưa ông?
Tôi vẫn trung thành với triết lý đã là doanh nhân, phải nghĩ lớn, làm lớn. Không làm lớn ngay được cũng phải nghĩ lớn. Bất luận thế nào cũng phải nghĩ lớn. Tôi không ngại thất bại bởi ý tưởng làm giàu, thay đổi, cải tiến... tôi có mỗi ngày.
Chúng tôi thừa sức làm hàng tốt cho người Việt
Phát triển đến một quy mô nào đó, các công ty lớn sẽ chuyển sang mô hình đa ngành, ông có ý định lấn sân sang một lĩnh vực nào khác không, bất động sản chẳng hạn?
Đầu tư bất động sản thì dễ mà. Tôi có vài cơ hội và nếu làm tôi đã làm từ lâu. Tôi vẫn tâm niệm thế này, phải có sản xuất, có sản phẩm cụ thể, tạo công ăn việc làm, mang lại hiệu ứng xã hội tốt cho dù không giàu nhanh bằng đầu tư bất động sản nhưng nó bền vững. Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, tôi chỉ đặt ra mục tiêu làm cái gì mà khi nói đến cái tên đó, người ta biết ngay là thương hiệu Việt Nam. Tôi khát khao xây dựng một thương hiệu Việt, cho dù thời gian đầu không sản xuất toàn bộ như mong muốn, nhưng phải có sản phẩm riêng của người Việt mới nói chuyện với người ta được. Sau 5 năm gầy dựng thương hiệu, tôi có thể tự tin mà nói rằng, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng vào sản phẩm điện tử “made in Vietnam”.
Có một thực tế là rất nhiều công ty trong nước là đối tác uy tín của các hàng nước ngoài nhưng tại thị trường nội địa, cạnh tranh với hàng Thái, hàng Trung Quốc cũng khó khăn, ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của hàng hóa "made in Vietnam”?
Tôi kể bạn nghe câu chuyện này. Một đối tác của chúng tôi ở Hồng Kông nói họ biết người Việt thích hàng điện tử của Thái Lan. Họ có thể xuất linh kiện sang Thái Lan để lắp ráp gắn mác “made in Thailand” xuất về Việt Nam cho tôi kinh doanh lấy lãi được không. Tôi nói thẳng ngay, chúng tôi không cần vậy. Ở Việt Nam chúng tôi đang có nhiều cơ hội để phát triển, chúng tôi có khách hàng, có thương hiệu, có hạ tầng máy móc thừa để làm chiếc máy lạnh “made in Vietnam” không thua gì hàng lắp ráp ở Thái. Cùng nhà cung cấp linh kiện, cùng thương hiệu, nếu sản xuất ở Thái Lan, người tiêu dùng Việt phải trả thêm tiền vận chuyển 20 USD/bộ máy lạnh, thêm 5% thuế nhập khẩu thay vì mua “made in Vietnam” chất lượng hoàn toàn như nhau. Người Việt chuộng hàng “made in Thailand” nhưng phải hiểu thực chất của sản phẩm được làm từ linh kiện nào.
Chúng tôi đang sản xuất máy lạnh, ti vi thương hiệu Nhật Bản, Hồng Kông để xuất sang Indonesia, tại sao không làm được máy lạnh tốt cho người Việt xài được? Qua làm việc với các đối tác nước ngoài, tôi hiểu họ thay đổi đáng kể về cách nhìn nhận hàng “made in Vietnam”. Họ thừa biết hơn 30 tỉ USD Samsung xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại được làm bởi bàn tay và khối óc người Việt. Đến nay, ngay cả các tập đoàn điện tử Hồng Kông, Nhật tìm đến mình đặt hàng OEM để xuất khẩu và bán về nước họ, tại sao chúng tôi phải nhập về nguyên thùng chỉ để bán thôi. Các hãng nói thẳng muốn đưa những đơn hàng xuất khẩu lớn vào Việt Nam, nhưng tôi buộc phải từ chối hoặc chưa dám nhận vì nếu tập trung làm hàng OEM với hạ tầng nhà máy hiện tại, hàng phục vụ thị trường trong nước sẽ không làm kịp.
Tôi không thích chữ "bầu Tam"
Ông đang là giám khảo chương trình gọi vốn cho các nhà khởi nghiệp và hứa chi 5 triệu USD cho các startup có ý tưởng thực tiễn. Ông có kế hoạch trở thành một trong các shark của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỉ?
Shark Tank là chương trình thú vị mà tôi dự định cũng có thể tham gia vào mùa tới. 5 triệu USD dành cho các start-up vẫn còn đó, chắc chắn là vậy. Quan trọng là chúng tôi muốn tìm những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp phụ trợ, những sản phẩm có giá trị gia tăng thêm cho các sản phẩm điện tử sử dụng trong gia đình, công nghệ có thể khiến con người “làm biếng” thêm nhưng cần thiết trong xu hướng công nghệ 4.0 Việt Nam đang theo đuổi. Chẳng hạn, Asanzo đang có remote dùng cho ti vi mà có thể điều khiển bằng giọng nói, nhận diện giọng 3 miền rõ ràng, thêm phần mềm đó chi phí không cao nhưng tiện dụng cho người sử dụng rất lớn.
Từ khi trở thành nhà tài trợ chính cho Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng, người ta đã gọi ông là "bầu Tam", ông thích cái biệt danh mới này chứ?
Ôi, tôi không thích chữ “bầu Tam” bởi nó mang tính chất kinh doanh. Việc chúng tôi tham gia tài trợ cho câu lạc bộ bóng đá hay thưởng nóng cho đội bóng đá U.23 Việt Nam chỉ là niềm đam mê bóng đá và muốn đóng góp cho xã hội trong khả năng của mình. Đó cũng là một trong những hoạt động xã hội của doanh nghiệp sau các hoạt động tài trợ giải đua xe đạp, xây dựng phòng lab cho sinh viên đại học, trao học bổng, giúp người nghèo... Tôi vẫn là doanh nhân luôn có tham vọng nghĩ lớn, làm lớn và chia sẻ đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng chung của xã hội, chứ không có “bầu” nào cả.
Từ nay đến cuối năm, Asanzo có kế hoạch gì lớn có thể tiết lộ không thưa ông?
Đã đến lúc phải thay đổi nhận diện thương hiệu rồi. Chúng tôi sẽ công bố vào tháng 11 hoặc cuối năm về logo và nhận diện thương hiệu mới của công ty… Một dấu hiệu hay biểu tượng nào đó mà nếu đứng từ rất xa, chỉ nhìn thấy biểu tượng đó, người tiêu dùng biết ngay ở đó có bán sản phẩm của Asanzo. Như lúc này, nhìn vào trái táo bị khuyết một miếng, bạn biết ngay là sản phẩm của Apple.
THÔNG TIN TẬP ĐOÀN ĐIỆN TỪ ASANZO
Ra đời cuối năm 2013, Asanzo nhanh chóng chinh phục thị trường vùng xa, nông thôn với sản phẩm tivi tốt có giá bình dân. Sau 5 năm liên tục phát triển thị trường và đầu tư mở rộng, Asanzo đã trở thành một tập đoàn điện tử hàng đầu VN với doanh thu trên 4.600 tỉ đồng sau 5 năm. Riêng mảng tivi, Asanzo chiếm 17% thị phần và là 1 trong 4 cái tên đứng đầu thị trường.
Ưu điểm lớn nhất của Asanzo lược bỏ những tính năng thừa không cần thiết trên sả phẩm, giúp giảm giá thành 20-30% so với sản phẩm cùng loại. Tương tự, các sản phẩm khác như điện lạnh, gia dụng và smartphone cũng ghi dấu ấn với công thức nói trên. Ngoài ra, tập đoàn hiện có 7 nhà máy lớn đặt tại TP.HCM (5 cái) và 2 cái đặt tại tỉnh Long An và thành phố Hải Dương với 2.000 công nhân có chuyên môn cao.
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
Năm 2017: chuyển đổi mô hình từ công ty lên hình thức tập đoàn, tạo bước đệm để mở rộng đa dạng sản phẩm và ngành hàng, đưa thêm nhiều sản phẩm công nghệ cao, giá tốt đến với người dùng.
Tháng 7.2018, Asanzo công bố kế hoạch tái cấu trúc toàn diện và hướng tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2021, mục tiêu trở thành tập đoàn điện tử và công nghệ hàng đầu, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.