Đã đến lúc 'thắt lưng buộc bụng'

04/11/2015 05:18 GMT+7

Lo lắng về tình trạng mất cân đối ngân sách nhà nước: thu không đủ chi, phải vay để chi, vay đảo nợ, nợ công tăng nhanh , nhiều ĐBQH đã kêu gọi thắt chặt chi tiêu công khi thảo luận về tình hình ngân sách nhà nước, dự toán năm 2016 chiều qua.

Lo lắng về tình trạng mất cân đối ngân sách nhà nước: thu không đủ chi, phải vay để chi, vay đảo nợ, nợ công tăng nhanh, nhiều ĐBQH đã kêu gọi thắt chặt chi tiêu công khi thảo luận về tình hình ngân sách nhà nước, dự toán năm 2016 chiều qua.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phát biểu về tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI - Ảnh: Ngọc ThắngĐại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phát biểu về tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI - Ảnh: Ngọc Thắng
Luôn trong tình trạng giật gấu vá vai
“Bộ trưởng Tài chính của chúng ta rất khổ vì ngân sách nhà nước (NSNN) luôn trong tình trạng giật gấu vá vai. Tôi cầm tập báo cáo về phân bổ NSNN 2016 này lên mà không biết như thế này nên cắt ai, thêm ai, tăng lương thì lấy đâu ra?”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, ĐBQH đoàn TP.HCM mở đầu. “Vấn đề là chúng ta phải giảm được chi thường xuyên để có phần trả nợ và đầu tư lớn hơn”, ông nói tiếp và đề xuất: “Theo tôi, nên giữ mức chi thường xuyên của năm 2016 như hiện nay, các năm sau, tổng thu ngân sách lớn lên thì lấy phần dư để trả nợ và đầu tư, thì tỷ trọng chi thường xuyên sẽ giảm”. Cụ thể hơn, ĐB Lịch đề nghị tách tổng chi thường xuyên thành 3 nhóm: nhóm chi cho bộ máy hành chính, Chính phủ muốn tăng lương thì phải giảm người. Nhóm thứ 2 các khoản chi hội họp, khánh tiết... “Đây là các khoản chi kiểu chưa phú quý đã sinh lễ nghĩa. Chúng ta chưa phú quý nên chưa thể sinh lễ nghĩa nên chúng ta phải cắt giảm những khoản lãng phí” - ĐB Lịch nhấn mạnh. Còn chi trợ cấp sẽ giữ nguyên. Đáng chú ý, theo ĐB Lịch, xây trụ sở không phải là xây dựng cơ bản mà thực chất cũng là loại chi tiêu dùng. “Chi tiêu dùng cũng có chi dùng một lần và chi dùng nhiều lần, ta không nên ghép chi tiêu dùng xây dựng với chi xây dựng cơ bản bởi chỗ này còn quá vung tay, gây thâm hụt nên phải tách ra để giải quyết căn cơ hơn”, ông kiến nghị.
Ngoài ra, ĐB Trần Du Lịch còn đề nghị thay đổi cách thức chi cho y tế, giáo dục. “Như y tế ở ta, người có tiền cũng không thỏa mãn về dịch vụ, người không có tiền cũng không hài lòng. Theo tôi, nhà nước chỉ bao cấp về y tế dự phòng và trợ cấp đầu ra thông qua bảo hiểm. Bệnh viện chuyển thành định chế công phi lợi nhuận. Giáo dục đại học cũng đi theo con đường đó thì ngân sách sẽ giảm được chi thường xuyên mà nâng cao được chất lượng”, ĐB Lịch tâm huyết.
Chúng ta nên tự giác thắt lưng buộc bụng trước khi bị buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu các định chế tài chính nước ngoài
ĐB Trần Văn
ĐB Trần Văn (Cà Mau) lo lắng: NSNN đã mất cân đối, kéo dài, liên tục nhiều năm, năm nào cũng trên 5% và tính số tuyệt đối thì tăng mạnh, đã đến trên 200.000 tỉ đồng năm 2015, chưa kể nguồn trái phiếu chính phủ và vốn vay ODA nên nợ công tăng nhanh. “Chính vì ta không cân đối đủ nguồn để trả lãi và gốc nên mới phải vay nợ mới trả nợ cũ, số năm sau lớn hơn năm trước. Thật khó suôn sẻ nếu phải cơ cấu lại, kéo dài thời gian trả nợ. Vay đầu tư phát triển là cần nhưng tăng vốn vay đầu tư khi chi thường xuyên không giảm, năng lực bộ máy chậm được cải thiện thì là điều rất đáng lo”, ĐB này nói và đề xuất: “Nên tạm đóng băng mức bội chi NSNN để giảm dần bội chi trong các năm tới. Tổ chức lại bộ máy để xác định vị trí việc làm, giảm biên chế trong 3 năm tới. Dừng tuyệt đối các công trình không cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội”. Ông nói thêm: “Chúng ta nên tự giác thắt lưng buộc bụng trước khi bị buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu các định chế tài chính nước ngoài”.
Tăng thu bằng chống chuyển giá, nợ thuế
Theo nhiều ĐBQH, một giải pháp cơ bản để giảm bội chi, bên cạnh giảm chi là phải tăng thu. Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, nếu ngành tài chính tích cực xử lý nợ đọng thuế, ngân sách cũng đỡ phần căng thẳng. “Theo báo cáo hiện nay, nợ đọng thuế còn tới 76.000 tỉ đồng, đó là con số rất lớn. Nếu trừ đi các khoản nợ thuế do yếu tố bất khả kháng, do khách quan thì vẫn còn tới trên 30.000 tỉ đồng có thể thu như liên doanh Vietsovpetro chây ì nợ trên 2.000 tỉ đồng thì cần phải có biện pháp thu quyết liệt. Điều này không chỉ giúp tăng thu mà còn đảm bảo kỷ cương, kỷ luật ngân sách”, ĐB Hùng kiên quyết.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho rằng, tình trạng chuyển giá ở khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang diễn ra phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. “Nhiều DN FDI chuyển giá, trốn thuế bằng cách nâng giá trị tài sản vốn góp, bán sản phẩm với giá thấp cho công ty mẹ... để trốn thuế, chiếm lĩnh thị phần ở VN. Tôi được biết, Tổng cục Thuế qua kiểm tra, đánh giá trong 9 tháng đầu năm xác định có khoảng 1.600 DN FDI có dấu hiệu chuyển giá. Con số này rất lớn, nếu không xử lý tốt, sẽ gây thất thu lớn”, ông Tiến đề nghị. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng đây là nguồn để khai thác tăng thu. "Khu vực này ngày càng mở rộng và chúng ta có dư địa tăng thu ở đây. Nhưng cần phải quyết liệt chống trốn thuế, chuyển giá ở các DN này", ông nói.
Cũng trong phiên họp chiều, một số ĐBQH cho rằng, việc vốn đầu tư cho 2 dự án (DA) nâng cấp, cải tạo QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên dư ra tới trên 14.200 tỉ đồng có những vấn đề chưa hợp lý do có việc cắt giảm quy mô xây dựng ở một số tuyến và dự toán chưa sát. Giải thích về điều này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong tổng số dư hơn 14.000 tỉ đồng có giảm 4.485 tỉ do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các DA và tổng mức đầu tư DA đã được phê duyệt. Một số khoản giảm đáng kể như giảm 1.070 tỉ đồng do thực hiện hình thức chỉ định thầu mà Chính phủ cho phép; giảm 686 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng do công tác này được trực tiếp lãnh đạo các địa phương và nhân dân vùng DA vào cuộc; giảm 1.728 tỉ đồng khác do kiểm soát chặt chẽ các khâu thiết kế, dự toán biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tế...
Giải trình về lý do đội vốn DA đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Bộ GTVT phê duyệt DA từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 8.769 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay sau khi tính toán điều chỉnh lại cũng như trượt giá và rất nhiều nguyên nhân thì tăng thêm 315 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. “Nguyên nhân chính là việc thay đổi nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng vì không giải phóng được mặt bằng nên phải tăng chiều cao, bớt chiều rộng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu đề pô; bổ sung hạng mục đường tránh QL6, điều chỉnh vật liệu vỏ tàu thành vỏ thép inox bởi nếu không điều chỉnh thì lại phải làm một nhà máy chỉ để chuyên sơn vỏ tàu, bổ sung chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ, thay đổi vị trí bãi đúc dầm, công tác nghiệm thu thiết bị vận hành đoàn tàu, chi phí giải phóng mặt bằng, trượt giá vật liệu...”, ông giải trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.