Cuối năm lại ồ ạt đào đường

06/12/2019 04:56 GMT+7

Năm nào cũng vậy, cứ đến giáp tết là các quận, huyện tại TP.HCM lại thi nhau đào đường, gây xáo trộn đời sống và khiến người dân bức xúc.

“Cày xới” toàn thành phố

Từ giữa tháng 9 đến nay, người dân sống tại tuyến đường Vĩnh Hội (Q.4) vô cùng mệt mỏi khi đồng loạt vỉa hè bị cào xới lên để sửa chữa, lát lại gạch. Việc thi công phục vụ công trình “Sửa chữa đường Vĩnh Hội, Q.4” (từ đường Tôn Đản đến đường Khánh Hội) do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.4 làm chủ đầu tư dự kiến thực hiện từ ngày 18.9 - 31.12.
Dọc tuyến đường số 40, bụi bay mù mịt từ sáng tới tối, vỉa hè bị xới tung khiến nhiều gia đình phải đóng cửa cả ngày mà vẫn không thoát khỏi bụi bẩn. Cô Lê Thành Hòa, sống tại khu vực này, cho biết nhà cô ở mặt đường bên kia, chưa biết có trong kế hoạch sửa chữa hay không, nếu có thì bao giờ tới lượt.

Lô cốt trên đường Võ Văn Kiệt, Q.5

Thế nhưng nhiều tuần qua kể từ ngày sửa tới đường số 40, nhà cô dù đóng cửa từ sáng tới tối mà lúc nào cũng sạn chân vì bụi, có ngày phải lau nhà 3 - 4 lần. “Bên này đã thế rồi, nhà bên kia vỉa hè sửa sát tới tận cửa thì khỏi phải nói. Mọi người kêu ca suốt. Chưa kể đi lại cũng khó khăn, muốn vào nhà cũng khổ”, cô Hòa nói.
Đáng nói, hai bên đường số 40 hầu hết là các hộ kinh doanh. Công trình ngổn ngang kéo theo bụi mù mịt ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của những hộ này cũng như việc đi lại của người dân. Có những quán cà phê bị sỏi cát bao quanh, khách mất chỗ để xe, khu ngoài trời thường ngày rất đông nay không ai dám ngồi.
“Ai cũng biết làm cho đường đẹp hơn, vỉa hè đẹp hơn nhưng quanh năm suốt tháng không làm, sao cứ “nhè” dịp cuối năm mới làm. Mùa người ta làm ăn, chuẩn bị nhà cửa sạch đẹp đón tết thì lại cày xới bụi mù mịt từ sáng tới tối. Vào nhà còn khó chứ nói gì đến buôn bán, kinh doanh”, một chủ tiệm tóc lắc đầu ngao ngán.
Ngay gần đó, đường Tôn Thất Thuyết được mệnh danh là “con đường lô cốt” từ năm ngoái đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh này. Lô cốt đóng chỗ này lại chuyển về chỗ khác. Người dân ngụ tuyến đường này thường đùa rằng: Ở Tôn Thất Thuyết, cứ đi là tới... lô cốt. Ngay đoạn Tôn Thất Thuyết giao với Tôn Đản, lô cốt chiếm tới gần nửa diện tích mặt đường khiến xe cộ chen nhau, ùn tắc dù chưa phải giờ cao điểm.
Không chỉ cản trở giao thông, trong khoảng hơn 1 năm nay, loạt công trình dang dở chạy dọc tuyến đường này còn đẩy người dân vào cảnh khốn khổ vì đường hỏng, nhà cũng hỏng. Chỉ vào vết nứt trên tường, ông Nguyễn Thanh Tùng, bảo vệ Kho điện lực Tân Thuận (số 22 Tôn Thất Thuyết, P.18, Q.4) bức xúc: Lô cốt trước mặt thi công được vài tháng không chỉ nứt đường, nứt nhà mà còn giật cả vỉa hè, tạo thành rãnh sâu ngăn giữa nhà dân và vỉa hè.
Lô cốt giờ đã “chạy” đi chỗ khác nhưng dọc cả tuyến đường trước kia mặt đường bằng phẳng, sạch sẽ nay đã biến thành “bãi chiến trường” bẩn thỉu, bụi bặm. Xe chở đất hằng ngày qua lại kéo theo sình, bùn rải khắp đường, lô cốt chạy đến đâu thì bùn trải tới đó.
Tương tự, đường Bến Vân Đồn (Q.4), đường Phạm Thế Hiển (Q.8) bao năm qua người dân khốn khổ vì rào chắn thi công, vừa được tháo gỡ thì đến cuối năm lại tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa.

“Bó tay” với chạy giải ngân?

Theo số liệu từ Thanh tra Sở GTVT TP, tính đến ngày 20.11, có tổng số 123 vị trí rào chắn (giảm 12 vị trí so với tháng 10) trên 54 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn TP. Trong đó, có rất nhiều dự án được cấp phép thi công từ ngày 25.9, tức trong giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4.
Trả lời câu hỏi tại sao tới cuối năm còn cấp phép ồ ạt cho các công trình, đại diện Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông (Sở GTVT TP.HCM) cho biết do công tác phân bổ vốn, công tác lập thẩm định phê duyệt dự án và đấu thầu… thường cuối năm mới xong nên lúc này dự án mới triển khai thi công được. “Mặt khác, thời gian trình dự án để được phê duyệt phụ thuộc vào chủ đầu tư, cơ quan quản lý dù biết phiền cho người dân nhưng cũng không làm khác được”, vị này thừa nhận.
Trước đó, Sở GTVT cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý, giám sát xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị thi công không đảm bảo các yêu cầu về tái lập mặt đường, tiến độ thi công không đúng giấy phép thi công. Dự án nào bầy hầy, chủ đầu tư không làm hết trách nhiệm gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị sẽ bị phạt nặng, thậm chí rút giấy phép và không cấp giấy phép các dự án mới.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc UBMTTQ VN TP.HCM, đánh giá các biện pháp này chỉ có tác dụng hậu kiểm, góp phần giảm tình trạng lô cốt chây ì, chưa giải quyết được câu chuyện “cuối năm lại cấp tập đào đường”.
Theo ông Ninh, nguyên nhân chính là các quận, huyện “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân, gom số ngân sách còn dư đổ vào các dự án làm dịp cuối năm vì không muốn phải trả lại cho TP. Các dự án đào đường thì dễ làm, đào lên lấp lại lúc nào cũng được. Không ngoại trừ trường hợp giữa năm, tiền dự án này lại được huy động làm dự án khác, cuối năm mới cân đối được để triển khai.
Chạy giải ngân cuối năm là căn bệnh cố hữu đã diễn ra hàng thập niên nay. Để chữa căn bệnh này, không có cách nào ngoài việc UBND TP phải siết chặt quản lý.
Đối với kế hoạch các dự án mà quận, huyện trình lên từ đầu năm, phân bổ vốn phải đi kèm với yêu cầu thời gian thực hiện. Sau đó giám sát thật kỹ, nếu quận, huyện không làm đúng kế hoạch thì thu lại vốn, thậm chí yêu cầu bồi thường.
Chỉ có xử phạt thật nghiêm, công khai, minh bạch mới mong giảm tình trạng này”.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.