Cuối năm bùng nổ lừa đảo qua mạng

27/01/2018 07:41 GMT+7

Giả danh bạn bè nhờ nộp thẻ cào điện thoại, mua hàng, mượn tiền không trả... là những thủ đoạn lừa đảo qua mạng đã xuất hiện lâu nay. Tuy nhiên càng gần Tết âm lịch hoạt động này càng gia tăng.

Thủ đoạn đa dạng
Bà Hà, chuyên bán thực phẩm chế biến qua mạng, kể mới đây có một khách mua hàng gọi điện thoại hỏi có nhờ mua card điện thoại không? Người này cho biết một Facebook có ảnh của Hà nhắn tin nhờ mua thẻ điện thoại 200.000 đồng. “Tôi vào Facebook này xem thì phát hiện ai đó đã lấy trộm hình trong kho ảnh của tôi để tạo một tài khoản giả mạo. Dù rằng chiêu thức này đã cũ nhưng nếu người khách không cẩn thận gọi điện lại thì chắc chắn sẽ bị mất tiền”, bà Hà nói.
Chị Hồng, ngụ Hà Nội và chuyên bán hàng online, cũng nhận được đề nghị mua hàng qua Facebook lạ có tên Thúy Phượng. Chị Hồng yêu cầu Thúy Phượng chuyển khoản tiền đặt cọc mua hàng 8,5 triệu đồng. Chỉ vài phút sau, người này chuyển lại ảnh chụp màn hình lệnh chuyển khoản đã được thực hiện với số tiền 8,5 triệu đồng. Cùng lúc, chị Hồng nhận được một tin nhắn từ đầu số 6788 với nội dung “tài khoản VIETCOMBANK của... đã nhận được số tiền 8,5 triệu đồng” và yêu cầu chị Hồng vào đường dẫn một trang web đính kèm để xác nhận giao dịch tiền về tài khoản.
Nghi ngờ, chị Hồng liên lạc lại với Thúy Phượng để hỏi thì người này kiếm bài “chuồn”. Sau khi chị Hồng chia sẻ thông tin này trên mạng, một số người từng là nạn nhân của Thúy Phượng cũng lên tiếng xác nhận.
Không may mắn như vậy, chị Phương, ngụ TP.HCM, cũng bán hàng qua mạng, đã nhận được đơn đặt hàng từ một người lạ thông qua Facebook. Khách hàng cho biết đang ở nước ngoài, mua hàng biếu người thân tại VN nên sẽ chuyển tiền thông qua dịch vụ Western Union và xin số tài khoản và cả điện thoại chị Phương để chuyển khoản. Không bao lâu sau, có một tin nhắn đến số điện thoại chị Phương với nội dung “Western Union thông báo: số dư TK VCB 00071xxxx thay đổi xx.000.000 VND nhận 85 USD...”.
Tiếp đó, chị nhận thêm được tin nhắn với yêu cầu làm thủ tục xác nhận để hoàn tất giao dịch tại website: http://western-union-quocte.wixsite.com/ibanking (đây là một trang web lừa đảo).
Chị Phương truy cập vào trang web này và làm theo hướng dẫn. Từ trang web giả cũng hiện lên dòng chữ “Thủ tục nhận tiền: Quý khách vui lòng xác thực mã OTP cá nhân để nhận tiền”. Chị Phương đã nhập ngay mã số OTP mà ngân hàng (NH) nhắn vào trang web giả và ngay lập tức, những kẻ lừa đảo lấy mã số OTP nhập vào tài khoản NH của chị Phương để chuyển 10 triệu đồng qua tài khoản khác.
Tin nhắn giả mạo Western Union lừa đảo

Không thể tin mù quáng
Liên tiếp trong tuần qua, một số NH đã lên tiếng cảnh báo về các đối tượng lừa đảo trên mạng. Trong thông báo của mình, NH VIB thông tin đối tượng lừa đảo thường tạo Facebook giả mạo của người thân, bạn bè và nhờ khách hàng nhận hộ tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền từ nước ngoài. Đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp cho khách hàng đường link vào trang giả mạo của các website chuyển tiền quốc tế. Khi khách hàng đăng nhập trên đường link giả mạo này thì đã vô tình cung cấp thông tin cho đối tượng lừa đảo khởi tạo giao dịch chuyển tiền trên website các NH. NH VPBank cũng cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu hỗ trợ của khách hàng bị lừa đảo qua mạng. Có trường hợp khách hàng được bạn liên hệ qua Facebook đề nghị vay tiền và ngay lập tức chuyển khoản mà không kiểm tra lại thông tin. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Dịch vụ ngân hàng điện tử Vietcombank, khẳng định đầu số tổng đài gửi tin nhắn 6788 cho khách hàng không phải của Vietcombank. Các tin nhắn mà NH chủ động gửi đến khách hàng đều mang thương hiệu “Vietcombank”. Đồng thời, khi tài khoản của khách hàng nhận được tiền, Vietcombank sẽ không gửi tin nhắn yêu cầu xác nhận thông tin như trường hợp giả mạo trên.
Theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, khi gặp tình huống như trên, người dùng phải xác minh lại như gọi điện thoại trực tiếp, thậm chí nhờ NH xác minh có đúng tiền đã chuyển vào tài khoản hay chưa nếu bán hàng để không bị mất tiền oan.
Theo các NH, phổ biến nhất là tấn công và chiếm tài khoản Facebook của một người, sau đó giả dạng người này để liên lạc với bạn bè, gia đình và đề nghị trợ giúp khẩn cấp như mua thẻ điện thoại, cho mượn tiền... Mặc dù hiện tượng này đã được cảnh báo rộng rãi nhưng một số người dùng chủ quan nên vẫn sập bẫy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.