Cuối năm 2018, giữ VND vẫn có lợi

07/08/2018 08:09 GMT+7

Cơn sốt USD vừa qua khiến nhiều người lo ngại VND ngày càng mất giá, gửi tiết kiệm không có lời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2018, giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn USD.

Ngày 6.8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.676 VND/USD. Đây là mức cao nhất kể từ khi tỷ giá trung tâm ra đời. Trên thị trường tự do, giá USD vẫn đứng ở mức khá cao 23.500 - 23.510 đồng (mua vào) và 23.530 -23.540 đồng (bán ra). Tại các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Vietcombank báo giá USD mua vào 23.270 đồng, bán ra 23.350 đồng, cao hơn 20 đồng so với giá áp dụng của cuối tuần trước.
Qua tổng hợp số liệu từ các tổ chức tín dụng, NHNN cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND tăng tối đa khoảng 2,6% so với thời điểm cuối năm 2017.
Trước tình trạng này, nhiều người lo ngại tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát, giữ VND sẽ không còn có lãi. Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định USD có thể sẽ tăng nhưng so với VND sẽ không tăng mạnh. Trong thời gian qua, nguyên nhân chính khiến USD leo dốc là kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất sau 30 năm, kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất. Cùng với đó, động thái tăng lãi suất của FED dự kiến sẽ diễn ra lần thứ 3 trong năm 2018 vào tháng 9 tới càng làm cho đồng tiền này trở nên mạnh hơn.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng với nguồn dự trữ ngoại hối lên tới hơn 60 tỉ USD, NHNN đang có trong tay nguồn lực khá lớn có thể sẵn sàng bán ra can thiệp để ổn định cung cầu USD trên thị trường (vừa qua NHNN đã bán ra khoảng 2 tỉ USD - PV). Song, điều quan trọng là hiện nay cán cân tổng thể, cán cân tài chính, thương mại của VN vẫn đang thặng dư. Cụ thể, nguồn vốn FDI giải ngân tăng mạnh giúp cán cân tài chính thặng dư cỡ 6 tỉ USD, trên thị trường chứng khoán nguồn vốn đầu tư gián tiếp FII cũng thặng dư 1 tỉ USD. Như vậy, những áp lực về việc thiếu hụt USD không đáng ngại. Ngoài ra, theo ông Thành, với tỷ giá trung tâm có thể điều chỉnh lên xuống hằng ngày, chính sách hối đoái của NHNN rất linh hoạt để có thể ứng biến được với những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Tỷ giá tăng không quá 2%, giữ VND lợi hơn
Thực tế với mục tiêu chống đô la hóa, trong những năm qua, NHNN đã đưa ra nhiều chính sách, công cụ để ngăn ngừa tình trạng này. Trong đó, nổi bật là việc áp dụng lãi suất gửi USD tại các tổ chức tín dụng đối với cả khách hàng cá nhân và tổ chức là 0%/năm. Đồng thời, chuyển mạnh việc vay - mượn USD sang quan hệ mua - bán; siết chặt đối tượng được vay USD (hiện chỉ có 5 đối tượng được vay theo quy định); chống đầu cơ trên thị trường chợ đen... Những biện pháp như vậy cùng với việc giữ lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND ở mức hợp lý (hiện bình quân 5 - 8%/năm tùy theo kỳ hạn) và việc cam kết giữ lạm phát năm nay tăng không quá 4% của Chính phủ, rõ ràng việc gửi tiết kiệm VND vẫn có lãi.
Đối với kỳ vọng giữ USD để chờ tăng giá, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), đánh giá khó khả thi. Bởi tại kỳ họp vừa qua, Chính phủ đã cam kết ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017; không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Như vậy, người gửi tiền VND hiện được hưởng lãi suất bình quân khoảng 7%/năm trong khi đó lãi suất USD là 0%, lạm phát ở mức 4%, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 2% thì rõ ràng giữ VND đến cuối năm vẫn có lợi hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.