'Vua hàng hiệu' vào cuộc, vận tải hàng hóa hàng không bắt đầu nóng ?

05/06/2021 06:46 GMT+7

Một điểm đáng chú ý là tới nay Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên nghiệp.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vừa có văn bản xin thành lập hãng bay riêng chuyên chở hàng hóa (cargo), đánh dấu mốc mới cho “cuộc đua” thị trường vận tải hàng hóa bằng đường không, vốn phần lớn đang nằm trong tay hãng bay ngoại.

Giành lại thị phần từ tay hãng bay ngoại

Công ty cổ phần IPP Air Cargo - thành viên của Tập đoàn IPPG, vừa có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT cùng một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập Hãng vận tải hàng không IPP Air Cargo, tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên. Doanh nghiệp (DN) này cũng đưa ra mục tiêu nếu được phê duyệt dự án đầu tư, lấy được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý 3/2021; lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý 4/2021, sẽ thực hiện chuyến bay thương mại vào quý 2/2022.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết việc thành lập hãng hàng không sẽ được thực hiện theo luật Đầu tư. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là tới nay Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên nghiệp.
Trước đó, năm 2008 Hãng hàng không Trãi Thiên Air Cargo từng được cấp giấy phép chuyên chở hàng hóa nội địa và quốc tế. Hãng cũng đưa ra mục tiêu hướng đến thị trường nội địa và Đông Nam Á, Đông Bắc Á, khai thác bằng máy bay Boeing 737-300 Freighter được chuyển đổi từ máy bay chở khách. Tuy nhiên sau 3 năm đăng ký nhưng không hoạt động, năm 2011, Trãi Thiên Air Cargo đã bị rút giấy phép.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT IPPG, khẳng định nếu được cấp phép, trong quá trình hoạt động hãng sẽ không thay đổi sang vận tải hành khách, mà đúng mục tiêu ban đầu là cargo. Tham vọng của IPPG giành lại thị phần vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam vốn đang nằm trong tay các hãng bay cargo quốc tế.
Hiện, đa số hàng hóa về Việt Nam bằng đường không chủ yếu gồm hàng phát chuyển nhanh (hàng đặt online trên các trang thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba, hàng gửi từ kiều bào nước ngoài...), hàng nhập khẩu tổng hợp (General cargo) như hàng hóa tiêu dùng, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Các hãng bay cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo… rất mạnh nên các DN Việt Nam không cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ đi chậm hơn so với thế giới 20 năm. Chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh vì các kho hàng, bến bãi, vận chuyển chưa được đầu tư những hệ thống tự động để giải phóng hàng hóa nhanh cho DN. Hàng về phải chuyển vòng qua nhiều cảng, thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí lên cao và giảm chất lượng hàng hóa và chấp nhận bị các hãng bay ngoại “siết” giá. Theo ông Hạnh, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường mua sắm online tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vì không có chuỗi hệ thống logistics chuyên nghiệp nên Việt Nam đã đánh mất nhiều cơ hội.

Cơ hội từ thị trường bỏ ngỏ

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết một trong những định hướng lớn của hãng là thành lập đội máy bay chuyên dụng chở hàng hóa. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng nổ đã đẩy nhanh xu hướng này, khi vận tải khách suy thoái do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hãng phải nhanh chóng xoay hướng tăng cường vận chuyển hàng hóa để có doanh thu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Theo đúng Hiệp định Hàng không quốc tế, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa trong nước bay ra nhiều thì số chuyến bay vào cũng sẽ được tăng lên. Các hãng Air cargo nước ngoài tuy giảm tỷ lệ thị phần khoảng 38% nhưng sản lượng hàng hóa của các hãng sẽ tăng khoảng 50% nhờ được tăng chuyến và còn có thể mở rộng mạng lưới vận chuyển tới nhiều tỉnh, thành khác. Dự kiến cũng trong giai đoạn này IPP giành lại 38% thị trường logistics cho VN.
Cũng theo ông Tuấn, từ đầu năm 2020 khi gần như toàn bộ đội bay chở khách phải nằm sân tạm dừng khai thác, hãng đã đưa 12 máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 vào chuyên chở hàng hóa trên khoang khách (cabin) và khoang bụng, đồng thời tháo ghế trên khoang khách của máy bay thân hẹp Airbus A321 để chở hàng.
Một hãng bay khác nuôi tham vọng phát triển chuyên biệt mảng vận chuyển hàng hóa là Bamboo với kế hoạch phát triển Bamboo Airways Cargo. Hãng này trước đó cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, việc tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hóa khó hiệu quả về lâu dài. Lý do không có thiết kế phù hợp, không đúng quy định bảo hiểm nên chỉ có thể vận chuyển ở mức rất hạn chế. Đại diện một hãng hàng không chia sẻ, việc bỏ bớt ghế trên khoang hành khách để chở hàng chỉ phù hợp với bối cảnh đại dịch khi chở các hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác chống dịch, hàng viện trợ… Nếu chỉ chở hàng dưới khoang bụng thì khối lượng lại không lớn, chỉ từ 2 - 10 tấn hàng hóa mỗi chuyến, khó hiệu quả. Một bất cập với vận tải hàng không là mới chỉ có 2 cảng hàng không quốc tế có trung tâm kho hàng hóa quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Vì thế, để vận tải hàng hóa hàng không phát triển phải hội đủ 2 yếu tố là các hãng có đội bay cargo chuyên dụng và xây dựng được mạng lưới logistics hàng không đủ lớn.

Hàng Việt sẽ không còn phải lòng vòng

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: “Hiện các hãng cargo nước ngoài đang bị giới hạn chỉ được phép vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. IPP Air Cargo đang đàm phán hợp tác với các hãng bay ngoại, nối tiếp vận chuyển hàng hóa tới 16 sân bay tại 16 địa phương khác ở Việt Nam để mở rộng mạng lưới. Sau 2022, IPP Air Cargo sẽ đầu tư hệ thống máy bay sức chứa lớn hơn, cùng các hãng air cargo quốc tế khác bay vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài và hợp tác chở hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Khi đó, xuất khẩu hàng hóa từ rau quả, thực phẩm tươi sống và những mặt hàng xuất khẩu có giá trị khác sẽ được vận chuyển đường hàng không, không chuyển lòng vòng qua nhiều cảng với chi phí cao như hiện nay”.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng tiết lộ, đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực hơn 1 năm qua, không chỉ phục vụ việc thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics bao gồm Công ty Bellazio Logistics - cung cấp giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại nhất để quản lý kho hàng. Hệ thống này quản lý chặt, kiểm soát và minh bạch các nguồn thu, không để thất thoát thuế cho ngành hải quan. Các DN logistics sẽ được giải phóng hàng nhanh với các thủ tục đơn giản... Đề xuất áp dụng phần mềm quản lý hoạt động hàng hóa xuất nhập khẩu online này đã được Tổng cục Hải quan ủng hộ, và đang nghiên cứu triển khai.
“Dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng lớn và khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra ngày càng rõ nét. Vì vậy, IPP Air Cargo hình thành với mục tiêu lớn nhất là góp phần làm ngành logistics Việt Nam vươn vai lớn mạnh, mở rộng thị trường logistics, mang đến lợi ích chung cho tất cả các bên. IPP Air Cargo không cạnh tranh với các DN logistics Việt Nam và không lấn sân cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không hiện nay”, vị này nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.