Cuộc cách mạng thanh toán ở Thái Lan

23/12/2015 05:57 GMT+7

Thái Lan đang triển khai những thay đổi lớn trong phương thức thanh toán và giao dịch, đón đầu cho thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử và kết nối kinh tế khu vực.

Thái Lan đang triển khai những thay đổi lớn trong phương thức thanh toán và giao dịch, đón đầu cho thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử và kết nối kinh tế khu vực.

Trong tương lai gần, người Thái không cần đến các cây ATM để rút tiền nữa - Ảnh: Lam YênTrong tương lai gần, người Thái không cần đến các cây ATM để rút tiền nữa - Ảnh: Lam Yên
Không còn cần đến thẻ ATM rút tiền hay lỉnh kỉnh tiền mặt trong ví, từ năm 2016, người dân Thái có thể dùng căn cước, số điện thoại di động, hoặc địa chỉ email là có thể chuyển tiền hoặc thanh toán khi mua hàng.
Dùng giấy tờ tùy thân để mua hàng
Theo kế hoạch, trong năm 2016, Thái Lan sẽ từng bước áp dụng rộng rãi hình thức thanh toán điện tử kiểu mới (TTKM) dựa trên mô hình “Mọi thông tin cá nhân (Any ID)” và hệ thống “Đọc thẻ tự động (EDC)”. Mô hình Any ID là giải pháp cho phép mọi người có thể dùng bất kỳ loại giấy tờ tùy thân và thông tin cá nhân như số căn cước, số điện thoại hoặc địa chỉ email để chuyển tiền, thanh toán khi mua hàng. Trước mắt, căn cước sẽ được sử dụng chủ yếu. Song song đó, EDC là hệ thống dùng phần mềm chuyên dụng để thu thập, lưu trữ dữ liệu giao dịch của khách hàng.
Để hình thức TTKM được áp dụng rộng rãi, chính phủ Thái sẽ phát triển một hệ thống thanh toán duy nhất đồng bộ hóa với dữ liệu của tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng trên toàn quốc. “Vì vậy, các doanh nghiệp và công ty phải đăng ký với Bộ Thương mại để có thể truy cập vào hệ thống TTKM của chính phủ, đồng thời được trang bị EDC để sử dụng các dữ liệu số hóa của khách hàng”, Bộ trưởng Tài chính Apisak Tantivorawong cho biết.
Một ưu điểm khác của TTKM là một khi được liên kết với Kho bạc Nhà nước sẽ giúp việc thu thuế hiệu quả hơn nhờ chính quyền dễ dàng kiểm soát được dữ liệu của các cuộc giao dịch. “Khi hệ thống nhận được dữ liệu, nó sẽ ngay lập tức tính được công ty đó bị đánh thuế hay được giảm thuế bao nhiêu. Hoặc khi một người mua hàng bằng căn cước, Cục Thuế sẽ biết ngay người đó mua gì, ở đâu và giá bao nhiêu. Ngoài ra, việc các tiểu thương gia nhập TTKM giúp chính phủ kiểm tra được thu chi thực tế của họ”, Thư ký thường trực Bộ Tài chính Somchai Sujjapongse giải thích.
Không những thế, TTKM sẽ hỗ trợ chính phủ trợ cấp trực tiếp cho những người có thu nhập thấp mà không cần có tài khoản ngân hàng thông qua đăng ký bằng giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, họ còn có thể dùng căn cước để sử dụng các phương tiện và dịch vụ công cộng miễn phí.
Tiết kiệm 2,8 tỉ USD/năm
Để khởi động hệ thống TTKM trên toàn quốc, Bộ trưởng Apisak cho biết cần phải sửa đổi một số điều luật để mở đường cho sử dụng ngân sách quốc gia phát triển cơ sở hạ tầng cũng như phần mềm tương thích. “Dự thảo chi tiết về TTKM sẽ được chuyển cho nội các phê duyệt ngay trong tháng 12. Hy vọng sẽ hoàn thành trong năm sau”, ông phấn khởi nói và bổ sung: “Sắp tới, Thái Lan sẽ tung ra chiến dịch ưu đãi khi thực hiện TTKM để phổ biến hình thức này đến người dân. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là bước tiến lớn của Thái Lan. Đất nước chúng tôi sẽ có một hệ thống giao dịch tiên tiến hơn nhiều nước khác”.
Cũng ngay từ tháng 12, ba nhà mạng hàng đầu của Thái Lan là AIS, True Move và DTAC đã hợp tác và cho phép người dùng chuyển tiền trực tiếp qua lại giữa các mạng chỉ bằng số điện thoại, không cần tài khoản ngân hàng. Động thái này được xem là cú hích mới hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội “không tiền mặt”.
Dù đến nay, chính phủ chưa công bố chi tiết lộ trình và thời điểm Thái Lan sẽ chuyển hoàn toàn từ sử dụng tiền mặt sang TTKM nhưng theo Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Veerathai Santiprabhob, hệ thống này còn đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của Thái Lan lên một tầm mới do giảm chi phí vận hành doanh nghiệp.
Hiện tại ở Thái Lan khoảng 7.000 tỉ baht được rút ra từ máy ATM hằng năm, nhưng có đến 10 tỉ baht phải chi cho chi phí xe bọc thép vận chuyển tiền đến các máy và các chi phí liên quan khác. Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan Boontuck Wungcharoen ước tính bằng cách hạn chế việc sử dụng tiền mặt và chi phiếu, hệ thống này sẽ giúp đất nước tiết kiệm được 100 tỉ baht/năm (khoảng 2,8 tỉ USD), tương đương gần 1% GDP.
Thanh toán hóa đơn tại cửa hàng tiện lợi
Trong khi chờ TTKM áp dụng trên toàn quốc thì từ lâu việc chi trả hóa đơn tại Thái Lan đã được tiện dụng hóa gần như tối đa. 
Công dân lẫn người nước ngoài có thể đến bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào (tại Bangkok, cách vài trăm mét là có một cửa hàng) để đóng tiền điện, nước, thẻ tín dụng... với một khoản phí nhỏ chừng 25 - 30 baht (dưới 20.000 đồng). 
Thậm chí mua vé máy bay của các hãng như Air Asia, Nok Air... cũng có thể trả tại cửa hàng tiện lợi, phí còn thấp hơn trả bằng thẻ tín dụng. Hình thức thanh toán này cũng đã xuất hiện tại VN nhưng chưa thật sự phổ biến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.