Cửa hàng nông dân Huế của cô gái Nhật

31/05/2015 06:08 GMT+7

Dù mới hoạt động được hơn 5 tháng, nhưng Cửa hàng nông dân Huế (số 44 Hai Bà Trưng, TP.Huế) đã trở thành lựa chọn của nhiều bà nội trợ, bởi ở đây họ có thể yên tâm với những loại rau, củ, quả… an toàn cho sức khỏe gia đình.

Dù mới hoạt động được hơn 5 tháng, nhưng Cửa hàng nông dân Huế (số 44 Hai Bà Trưng, TP.Huế) đã trở thành lựa chọn của nhiều bà nội trợ, bởi ở đây họ có thể yên tâm với những loại rau, củ, quả… an toàn cho sức khỏe gia đình.

Emiko tại gian hàng rau xanh của Cửa hàng nông dân Huế Emiko tại gian hàng rau xanh của Cửa hàng nông dân Huế - Ảnh: B.N.L

Cửa hàng có bán đầy đủ các loại nông sản từ gạo, đậu xanh, mè, ớt, tiêu, rau, củ, quả cho đến thịt heo, trứng gà, trứng vịt… với giá không chênh lệch bao nhiêu so với sản phẩm cùng loại ở các chợ. Điểm đặc biệt là tất cả các sản phẩm đặt trên kệ đều có bảng ghi tên của chủ vườn, người làm ra sản phẩm và một “lý lịch” ngắn gọn giới thiệu sơ lược quy trình nuôi, trồng hoặc chế biến… Việc ghi xuất xứ sản phẩm trên từng mặt hàng này khiến cho người mua có thể yên tâm, trong khi người sản xuất cũng thấy vui và tự hào vì tên mình được tôn trọng.

Khi tên mình ghi lên đó, có cả số điện thoại, địa chỉ rõ ràng, ai mà dám làm ẩu. Rau, quả mang tới đây phải là rau vườn sạch 100%, không phun bất kỳ một loại thuốc hay hóa chất gì


Chị Nguyễn Thị Thanh (ở P.Hương Long, TP.Huế)

Chị Nguyễn Thị Thanh, ở P.Hương Long (TP.Huế) cũng là một hộ có sản phẩm ký gửi tại cửa hàng này, chia sẻ: “Khi tên mình ghi lên đó, có cả số điện thoại, địa chỉ rõ ràng, ai mà dám làm ẩu. Rau, quả mang tới đây phải là rau vườn sạch 100%, không phun bất kỳ một loại thuốc hay hóa chất gì”.

“Cô chủ” người Nhật vui tính

Người có công kết nối, đưa mô hình cửa hàng nông dân đến Huế mà nhiều người vẫn quen gọi “cô chủ cửa hàng” là Katayama Emiko, cô gái Nhật Bản đã làm dâu VN hơn chục năm nay. Emiko là giám đốc của dự án Nhịp cầu châu Á Nhật Bản (Bridge Asia Japan - BAJ) tại Huế. BAJ là một tổ chức phi chính phủ tại Nhật Bản, đối tác của JICA triển khai các dự án cộng đồng và phát triển bền vững tại VN và Myanmar.

Gia đình Emiko ở quận Shibuya-ku, một trong những quận trung tâm của thủ đô Tokyo, nhưng cô lại có duyên gắn bó với VN. Emiko sang VN cách đây hơn 10 năm khi dự án BAJ triển khai tại TP.HCM. Làm việc ở VN, học, nói tiếng Việt sành sỏi và lấy chồng Việt, giờ đây Emiko cũng xem VN là quê hương thứ hai của mình. Sống ở VN hơn 10 năm, Emiko cho biết, cô cảm thấy dễ chịu, người Việt vui tính, hay trò chuyện và cười nhiều... chỉ có điều “Huế mùa này nóng quá” mà thôi.

Tại Huế, dự án BAJ đã được triển khai hơn 3 năm nay. Ban đầu dự án kết hợp với Phòng Kinh tế của UBND TP.Huế triển khai hỗ trợ hầm khí sinh học biogas cho người dân P.Thủy Xuân. Đến nay, dự án đã triển khai ở 3 phường Thủy Biều, Thủy Xuân và Hương Long. Cùng với việc hỗ trợ hầm biogas, dự án kết hợp hướng dẫn các quy trình sử dụng và phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Các sản phẩm do người dân nuôi, trồng đều sử dụng phân bón hữu cơ, thức ăn truyền thống có nguồn gốc thiên nhiên, tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp và phun thuốc trừ sâu…

Vừa là giám đốc của dự án nhưng đồng thời Emiko cũng là người thường xuất hiện, coi sóc cửa hàng cùng với những cộng tác viên của mình. Chia sẻ về ý tưởng mở cửa hàng để bán sản phẩm cho nông dân Huế, Emiko nói: “Đây là mô hình mà ở Nhật có rất nhiều. Khi xây dựng mô hình này ở VN, chúng tôi đã đưa một số cộng tác viên của dự án cùng với người nông dân sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm”.

Mong muốn của Emiko cũng như dự án BAJ là đến một ngày nào đó tại Huế cũng như các thành phố khác của VN sẽ có các chuỗi cửa hàng bán sản phẩm sạch, an toàn của nông dân, do chính người nông dân mở ra để tiêu thụ sản phẩm của mình. “Lúc đó, chính người nông dân sẽ quản lý cửa hàng của mình, tự hạch toán để trả mặt bằng, mọi chi phí liên quan như bao bì, giới thiệu sản phẩm... và quan trọng nhất là chịu trách nhiệm uy tín cho sản phẩm do chính mình làm ra”, Emiko chia sẻ.               

Kết nối người mua với nhà vườn

Với Cửa hàng nông dân Huế, hiện tại dự án đang hỗ trợ mặt bằng, giới thiệu sản phẩm cho 9 thành viên tham gia dự án. Những thành viên này, hằng ngày làm ra được sản phẩm gì đều có thể đem đến ký gửi để bán. Hằng tuần, tại cửa hàng còn có tổ chức nấu món ăn Nhật, bán món ăn Huế... được làm từ chính sản phẩm của nông dân để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Dự án cũng thường xuyên tổ chức các tour kết nối người mua sản phẩm đến với những nhà vườn để tiếp cận quy trình nuôi, trồng, chế biến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.