Cư dân núi Cấm làm ăn thuận lợi nhờ có điện

20/03/2015 08:27 GMT+7

Sau 5 năm điện lưới quốc gia được kéo về vùng núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang), cuộc sống của cư dân nơi đây đã thay đổi rõ rệt.

Sau 5 năm điện lưới quốc gia được kéo về vùng núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang), cuộc sống của cư dân nơi đây đã thay đổi rõ rệt.

Cách TP.Long Xuyên 90 km, núi Cấm (còn gọi là Thiên Cấm Sơn) cao khoảng 710 m so với mực nước biển, là một vùng sơn địa độc đáo không chỉ của tỉnh An Giang mà của cả vùng đồng bằng Nam bộ. Núi Cấm có hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, khí hậu quanh năm dịu mát. Với lối kiến trúc tôn giáo hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên đặc sắc, vùng núi Cấm trở thành khu du lịch hành hương hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chú thích ảnh: Một góc núi Cấm - Ảnh Hồng Nhung
Trồng trọt bớt cực
Năm 2009, Công ty Điện lực An Giang thực hiện đầu tư lưới điện cho vùng núi Cấm gồm các hạng mục: 1,64 km đường dây trung thế 1 pha, 7,8 km đường dây trung thế 3 pha, gần 10 km đường dây hạ thế 1 pha và 3,3 km đường dây hạ thế 3 pha, 10 trạm biến áp dung lượng 675 kVA để cung cấp điện cho 476 hộ dân của 4 ấp Rau Tần, Vồ Đầu, Vồ Bà, Thiên Tuế.
Ngày đóng điện, niềm vui của người dân núi Cấm thật khó tả. Điện lưới quốc gia đã tạo thuận lợi cho sinh hoạt gia đình, phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt… đặc biệt là góp phần thúc đẩy hoạt động Trung tâm du lịch hành hương ngày càng đông đúc, nhộn nhịp.
Dọc theo những con đường trải dài qua các xóm ấp, đâu đâu cũng thấy màu xanh của những giàn su su, đậu, vườn quýt, vườn cam... Gia đình thầy giáo Trần Hoàng Anh (ngụ ấp Vồ Đầu) có một vườn quýt, thầy khoe: “Ở vùng này, người dân tưới tiêu chủ yếu bằng nguồn nước dưới suối, trước đây phải bơm tưới bằng máy dầu tốn kém lắm. Đến khi có điện, chúng tôi chuyển qua sử dụng máy bơm điện, vừa nhẹ chi phí, ít tốn công. Nhờ vậy vườn quýt được chăm sóc tốt hơn, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, trở thành đặc sản xứ núi”.
Anh Trịnh Văn Thắng, ở ấp Vồ Đầu, cho biết gia đình anh có 7 công đất vườn, trước đây trồng cây gì cũng phải gánh nước tưới, còn không phải đợi trời mưa mới dám xuống giống, công việc làm vườn rất vất vả. “Mấy năm nay có điện lưới, không còn phải gánh nước nữa mà tưới bằng máy. Nhờ có điện, dân trồng rẫy chủ động công việc, đỡ cực hơn so với trước”, anh Thắng nói.
Sau khi có điện, khu vực Rau Tần, Vồ Bà, Vồ Đầu… nhanh chóng trở thành nơi có thế mạnh trồng trọt ở đỉnh núi Cấm; các khu vực khác cũng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn tốt, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, chăm sóc con cái ăn học để sánh vai với vùng đồng bằng.
Thúc đẩy sản xuất, dịch vụ
Cách TP.Long Xuyên 90 km, núi Cấm (còn gọi là Thiên Cấm Sơn) cao khoảng 710 m so với mực nước biển, là một vùng sơn địa độc đáo không chỉ của tỉnh An Giang mà của cả vùng đồng bằng Nam bộ. Núi Cấm có hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, khí hậu quanh năm dịu mát. Với lối kiến trúc tôn giáo hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên đặc sắc, vùng núi Cấm trở thành khu du lịch hành hương hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Anh Phạm Ngọc Giang, chủ lò bánh bánh mì điện - một trong những cơ sở chế biến thực phẩm hiếm hoi trên núi Cấm, cho biết một lần anh lên núi vãn cảnh chùa, để ý thấy ở đây không có lò bánh mì, phải vận chuyển bánh dưới đồng bằng lên bán. Cùng thời điểm ấy, khu vực núi Cấm được kéo điện, anh Giang không ngần ngại đi học nghề rồi chuyển cả gia đình lên núi Cấm mở cơ sở sản xuất bánh mì. “Mình cố gắng làm bánh chất lượng cao, bán bánh nóng nên du khách rất thích. Bánh mì bán tại chỗ với giá phải chăng, đỡ tốn công đi lên xuống núi nên đông khách mua”, anh Giang tâm sự. Tương tự, chị Nguyễn Thị Tâm, ở điện Tam Thanh, cho biết từ khi có điện, quán giải khát của chị trở nên hút khách vì họ được ngồi quạt mát, xem tivi giải trí sau đoạn đường leo núi.
Anh Nguyễn Văn Hai, ngụ ấp Rau Tần, chia sẻ ở khu vực núi Cấm, 3 ấp Rau Tần, Thiên Tuế và Vồ Đầu có mô hình Tổ hợp tác vót đũa, trước kia toàn làm thủ công. Đến khi có điện, sẵn có nghề thợ hàn, anh Hai được bà còn cử đi Bến Tre học nghề vót đũa bằng máy. Sau đó, anh Hai về chuyển giao lại cho thành viên tổ hợp tác cách sử dụng mô tơ điện chuốt đũa. Nhờ đó, việc sản xuất đũa của tổ hợp tác rút ngắn thời gian so với làm tay, sản phẩm lại đều, đẹp hơn. Anh Hai phấn khởi nói: “Bà con ai cũng vui vì năng suất tăng đáng kể, thu nhập cũng tăng theo. Đặc biệt, sản phẩm lúc nào cũng kịp thời phục vụ mùa hành hương, bù đắp lại những tháng mưa gió, ít người đi núi”.
Có thể thấy, với sự trợ giúp của dòng điện quốc gia, vùng núi Cấm đã có những thay đổi rõ rệt. Cuộc sống người dân được cải thiện, hạ tầng, đường sá khang trang, sạch sẽ, nhộn nhịp hơn, góp phần thu hút du khách đến tham quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.