Cư dân căng băng rôn phản đối bị cắt nước

Đình Sơn
Đình Sơn
05/07/2021 19:00 GMT+7

Hàng chục hộ dân tại chung cư New City (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã treo băng rôn phản đối Ban quản lý cắt nước, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của họ.

Phản đối phí quá cao

Theo bà T.V.K, một cư dân tại chung cư New City do Công ty TNHH xây dựng - thương mại Thuận Việt (Công ty Thuận Việt) làm chủ đầu tư, khi ký hợp đồng chủ đầu tư cam kết có trên 20 dịch vụ, tiện ích phục vụ cư dân như: hồ bơi, sân tennis, tiệc nướng ngoài trời, sân bóng đá, phố đi bộ… nhưng chủ đầu tư liên tục tự ý cắt giảm các dịch vụ mà không có sự trao đổi, đồng ý của cư dân và hiện nay chỉ còn duy nhất hồ bơi hoạt động. Không những vậy, vấn đề an ninh không tốt, mất tài sản trong căn hộ, bảo vệ không hỗ trợ cư dân…
“Như vậy giá dịch vụ 16.000 đồng/m2 là không tương xứng với chất lượng dịch vụ nên chúng tôi chỉ đóng 50% phí quản lý cho đến khi có đối thoại và hướng giải quyết. Nếu chủ đầu tư, Ban quản lý không mở nước cho cư dân thì cư dân sẽ tiến hành treo băng rôn để phản đối”, bà T.V.K nói.

Các cư dân cho rằng căn hộ của Công ty Thuận Việt dù nợ phí quản lý nhưng không bị cắt nước

Ảnh: Đình Sơn

Bà A.H, chủ một căn hộ tại đây, cho biết, 3 năm qua tình trạng mất nước dù vẫn thi thoảng diễn ra theo lịch nhưng đỉnh điểm từ đầu tháng 3.2021, 800 hộ dân liên tục bị mất nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của cư dân, đặc biệt là những hộ dân có người già và con nhỏ. Ngoài ra, nguồn nước liên tục xuất hiện cặn bẩn, màu dù tại dự án có hệ thống lọc nước RO được chủ đầu tư quảng cáo là siêu sạch. Dù cư dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Đáng nói, các cư dân phản ánh, căn hộ BB3.16 thuộc sở hữu của chủ đầu tư là Công ty Thuận Việt cũng nợ tiền nước và nợ tiền phí quản lý từ tháng 12.2019 đến tháng 6.2021 mà không bị cắt nước.
 
Cắt nước do “chây ì” không đóng phí
Theo ông Hoàng Việt Hùng, Trưởng ban quản lý chung cư New City, dự án hiện có hơn 5.000 cư dân đang sinh sống nhưng chưa có Ban quản trị và Công ty TNHH Anabuki NL Housing Service đang quản lý vận hành với mức phí là 16.000 đồng/m2, mức phí này có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ và mức phí vẫn được duy trì đến nay chưa thay đổi tính từ năm 2018.
Ngày 2.7.2021 Ban quản lý đã tiến hành ngưng cung cấp nước lên một số căn hộ chưa thanh toán phí quản lý tính từ thời điểm 2019 đến nay, thậm chí có một số ít các căn chưa thanh toán tiền giữ xe sau rất nhiều văn bản thông báo nhắc phí cũng như các văn bản thông báo ngừng cung cấp dịch vụ nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho quỹ vận hành chung cư. Cũng trong ngày 2.7, Ban quản lý cũng có buổi làm việc với 5 cư dân và lãnh đạo UBND P.An Khánh để tìm hướng giải quyết.
Tính tới thời điểm hiện nay Ban quản lý đã tái lập dịch vụ cung cấp nước lại cho các căn hộ đã hoàn tất thanh toán đầy đủ công nợ phí quản lý, phí gửi xe, một số trường hợp đang có hoàn cảnh khó khăn và có cam kết sẽ thanh toán công nợ phí quản lý, phí gửi xe, tiền nước trong thời gian sớm nhất. Còn các căn chưa hoàn tất thanh toán 100% phần công nợ, Ban quản lý vẫn chưa tái lập việc cung ứng nước để đảm bảo sự công bằng quyền lợi cho hơn 1.200 căn hộ khác đã và đang thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản phí dịch vụ quản lý phát sinh tại tòa nhà.

Cư dân yêu cầu chủ đầu tư đối thoại

Ảnh: Đình Sơn

“Phí quản lý đóng để vận hành, trả lương nhân viên, bảo dưỡng bảo trì tòa nhà và vận hành. Tài khoản này hoạch toán đầy đủ, minh bạch khi có Ban quản trị. Chúng tôi sẵn sàng báo cáo đầy đủ thu chi cho cư dân”, ông Hùng cho hay.
UBND thành phố Thủ Đức sau khi làm việc với chủ đầu tư và các bên liên quan đã yêu cầu chủ đầu tư đã thỏa thuận với Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức lắp đặt tạm đồng hồ cấp nước bổ sung (100 mm) từ tuyến ống nước trục đường Mai Chí Thọ để cấp thêm cho hai bể nước ngầm nhằm đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân tại chung cư. Điều này sau đó đã được thực hiện nhưng theo cư dân nước vẫn bị “hụt” và bị cặn bẩn.

Công ty Thuận Việt vẫn chưa được giao đất

Được biết, dự án New City Thủ Thiêm được chuyển đổi từ nhà tái định cư sang nhà thương mại tại khu tái định cư 38 ha Thủ Thiêm. Công ty Thuận Việt là một trong số các nhà thầu xây dựng 1.330 căn hộ tái định cư tại dự án. Khi nhu cầu tái định cư tại dự án không còn, số căn hộ xây dựng bị dôi dư, Công ty Thuận Việt đã xin UBND TP.HCM cho cấn trừ tiền xây dựng bằng số căn hộ tái định cư trên và xin chuyển sang nhà thương mại.
Từ tháng 1.2018 khi chưa được phê duyệt giá đất, chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng Công ty Thuận Việt trên pháp lý chỉ là nhà thầu xây dựng đã ký hợp đồng bán số căn hộ này cho khách hàng. Sự việc đã bị Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM phát hiện và ra Quyết định xử phạt vào ngày 11.1.2018. Dự án này còn thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại.

Dự án đến nay trên pháp lý vẫn là nhà tái định cư và đất vẫn thuộc quản lý của nhà nước

Ảnh: Đình Sơn

Đến nay chưa có một quyết định nào của cơ quan chức năng cho phép chuyển dự án này từ tái định cư sang nhà ở thương mại mà mới chỉ được UBND TP.HCM cho Công ty Thuận Việt tạm nộp số tiền sử dụng đất hơn 700 tỉ đồng. Con số này tương ứng đơn giá quyền sử dụng đất tạm nộp 26 triệu đồng/m2, được cho là quá “bèo” so với đất “vàng” Thủ Thiêm. Đến nay dự án này vẫn “lơ lửng” về pháp lý, vì phần nhà đã xây thì thuộc sở hữu của nhà thầu, còn phần đất vẫn là đất công, thuộc quản lý của nhà nước.
Thanh tra Chính phủ cũng đã có Thông báo số 1041/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết TP.HCM đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng dự án 1.330 căn hộ khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất là trái quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 118, luật Đất đai năm 2013.
Ông Hoàng Việt Hùng cũng khẳng định, hiện nay dự án do liên quan đến khu tái định cư 38 ha Thủ Thiêm nên chủ đầu tư chưa được giao đất, từ đó chưa có pháp lý để thành lập Ban quản trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.