Củ Chi trên đường thành di sản văn hóa thế giới

12/09/2020 06:49 GMT+7

Củ Chi sở hữu những yếu tố văn hoá, lịch sử... không đâu có được.

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xin ý kiến chủ trương lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi vào danh mục di sản thế giới.

Một “thiên la địa võng” không nơi nào có

Theo UBND TP, địa đạo Củ Chi có hệ thống đường hầm hơn 200 km, được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12.2015 với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo. Nơi đây được đánh giá là chứng tích lịch sử tiêu biểu cho sức mạnh chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân Việt Nam; đồng thời ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật như ứng xử quan hệ giữa người với người, với người dân và kẻ địch từng đối đầu, những câu chuyện tình yêu, tình quân dân... Đây còn là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước của Việt Nam. Trong suốt thời gian chiến tranh, nhiều thế hệ lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng... đã sống và làm việc tại đây, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Sài Gòn - Gia Định.
Nhận thấy địa đạo Củ Chi đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới UNESCO, từ năm 2019, UBND TP đã chuẩn bị hồ sơ đề nghị tổ chức này công nhận Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới. Tuy nhiên do đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng về quân sự, Bộ VH-TT-DL đã đề nghị TP xin ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về chủ trương này. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo.

Du khách khám phá địa đạo

ảnh: Gia Khiêm

Theo tư liệu từ Cục Di sản văn hóa, địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, tên gọi địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Lúc đầu, địa đạo chỉ có những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, trú ém cán bộ trong vùng địch hậu. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng. Từ năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm địa bàn hoạt động, thì hệ thống địa đạo ở đây phát huy tối đa tác dụng, đặc biệt từ năm 1966, trước những hành động của quân xâm lược Mỹ sau khi vào miền Nam tham chiến. Với sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, dài hơn 200 km xuyên trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500 km chiến hào, công sự trên mặt đất, tựa như “thiên la địa võng” chỉ có tại Việt Nam, khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Khi được hỏi về trải nghiệm thú vị trong 3 tuần qua Việt Nam tham gia chương trình trao đổi sinh viên, Ken (đến từ Melbourne - Úc) hào hứng khoe với tôi tấm ảnh chụp cậu trong địa đạo Củ Chi. “Cảm giác chui xuống dưới đường hầm thật sự là trải nghiệm khó quên của tôi. Thật không hiểu nổi tại sao các bạn có thể đào được đường hầm to, dài và sinh hoạt bình thường được trong môi trường này. Thật sự kỳ diệu, điều này chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam” - chàng trai người Úc bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

Biểu tượng của sức mạnh, trí tuệ và tinh thần dân tộc

GS-TS Nguyễn Khắc Thuần, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục Việt Nam, khẳng định địa đạo Củ Chi hoàn toàn xứng đáng trở thành di sản văn hóa thế giới. Địa đạo là loại hình căn cứ chiến đấu đặc biệt được xây dựng ngay dưới lòng đất, trong thời kỳ kháng chiến. Tại Việt Nam có rất nhiều địa đạo, ngay tại Q.Tân Phú (TP.HCM) cũng có địa đạo Phú Thọ Hòa, nhưng dài nhất, lớn nhất và độc đáo nhất thì không đâu bằng được Củ Chi. Trong lịch sử, nhiều trận càn quét của địch có những lúc biến cả vùng đất này trở thành “vùng đất trắng” theo đúng nghĩa đen, nhưng người dân vẫn kiên cường tồn tại chiến đấu. Chỉ với 2 bàn tay và công cụ thô sơ, người dân nơi đây miệt mài đào tới hơn 200 km địa đạo, để lại cho đời sau một di sản to lớn. Đào hầm đã khó, làm sao để giữ bí mật, đi không lạc đường, ở dưới lòng đất vẫn sống an toàn, vẫn có thể hội họp, sinh hoạt tập thể, đi lại dễ dàng từ nơi này sang nơi khác, lại càng khó hơn.

 Mở cơ hội mới phát triển du lịch

Củ Chi nổi tiếng nhất là điểm tham quan địa đạo, đã được các công ty du lịch khai thác đưa vào các tour phổ biến dành cho khách nước ngoài hoặc các tour ngắn ngày cho du khách nội địa tham quan các tuyến gần TP.HCM.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour, đánh giá Củ Chi còn nhiều điểm tham quan khá thú vị khác nhưng chưa được khai thác thành tuyến du lịch thường xuyên. Với cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch và các đặc sản văn hóa, ẩm thực, tôn giáo… vùng đất này còn nhiều tiềm năng để có thể khai thác và phát triển thành những dòng sản phẩm chuyên đề phục vụ du khách ở các thị trường nội địa và quốc tế, thay vì chỉ được biết nhiều nhất là điểm đến địa đạo Củ Chi như hiện nay…
Do đó, nếu được công nhận là di sản văn hóa thế giới, cùng với kế hoạch phát triển điểm đến toàn diện hơn về khai thác tuyến điểm, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng sản phẩm đặc trưng cùng kế hoạch truyền thông dài hạn… Củ Chi sẽ mở ra cho TP.HCM thêm một cơ hội phát triển du lịch mới, đa dạng hơn các tuyến điểm, trung tâm và kết nối du lịch giữa các vùng nội ngoại thành tốt hơn.
“Các sản phẩm phù hợp với tiềm năng của du lịch Củ Chi hiện nay, đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu của du khách, có thể tập trung khai thác là du lịch sinh thái, cộng đồng, phát triển các làng nghề truyền thống và đặc sản địa phương với các đặc sản vùng miền được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, phát triển và quảng bá bài bản, sẽ là một trong những hướng phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng của Củ Chi”, Bà Thu gợi ý.
Đồng tình, PGS-TS Phan An - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, nhấn mạnh trên thế giới, không đâu có một di tích độc đáo như địa đạo Củ Chi. Việc đề xuất công nhận di sản văn hóa thế giới không chỉ nhằm giới thiệu tới bạn bè thế giới mà còn là cơ hội để người dân TP, người Việt Nam có dịp nhìn lại, trân trọng hơn đối với di tích này. Theo ông An, thực tế địa đạo Củ Chi trong nhiều năm qua vẫn chưa được đánh giá đúng về tầm quan trọng. Mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử rất lớn nhưng nhiều người sinh ra và lớn lên tại TP.HCM thậm chí cũng chưa từng 1 lần đặt chân đến vùng đất thép thành đồng. Về tuyên truyền, truyền thông còn yếu dẫn đến sự quan tâm về bảo tồn, bảo vệ đối với di sản này còn nhiều hạn chế. Chỉ một phần rất nhỏ được bảo tồn phục vụ cho mục đích tham quan, du lịch. Mặt khác, khả năng bị xâm hại từ tác động tự nhiên và con người của địa đạo là rất lớn. Do đó, nếu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, chính quyền địa phương và người dân sẽ có trách nhiệm, đồng thuận quan tâm bảo tồn toàn vẹn địa đạo, đồng thời đánh thức suy nghĩ của người Việt về những di sản như thế này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.