Công trình thủy lợi ngàn tỉ chờ vùng tưới

26/09/2019 06:37 GMT+7

Dự án đại thủy nông Ia Mơr, H.Chư Prông (Gia Lai) đã hoàn thành một số hợp phần quan trọng nhưng đang thiếu vùng tưới hàng ngàn héc ta, dẫn đến nguy cơ lãng phí .

Dự án hồ chứa nước Ia Mơr được Bộ NN-PTNT phê duyệt từ năm 2005 và phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr, với tổng mức đầu tư trên dưới 3.000 tỉ đồng. Dự kiến khi hoàn thành sẽ tạo nguồn, cấp tưới cho hơn 14.000 ha đất nông nghiệp, trong đó địa bàn H.Ia Súp (Đắk Lắk) là 4.000 ha.

Nhiều hạng mục chờ… sử dụng

Hàng ngàn héc ta rừng nghèo chuyển sang trồng cao su kém hiệu quả


Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng báo cáo về việc nhiều diện tích đất rừng nghèo chuyển sang trồng cao su của tỉnh này không hiệu quả, do cây kém phát triển hoặc bị chết vì không phù hợp với tầng đất và việc chăm sóc kém. “Hơn 12.000 ha đất rừng tự nhiên nghèo kiệt trồng cao su kém hiệu quả này giờ là đồng cỏ chứ không phải rừng nữa nên rất lãng phí trong sử dụng đất đai. Gia Lai mong Chính phủ tháo gỡ vì đây là trường hợp đặc thù”, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang kiến nghị.
Trong khi hợp phần thứ nhất đã hoàn thành, phục vụ tưới cho trên dưới 2.000 ha đất nông nghiệp hai xã biên giới Ia Lâu và Ia Piơr, H.Chư Prông (Gia Lai) thì hợp phần thứ hai, chính thức thi công từ năm 2010, đến nay cũng đã và đang hoàn thành nhiều hạng mục chính như đập dâng, kênh chính... Tuy nhiên, quan trọng nhất là vùng tưới vẫn chưa được hình thành.
Theo thiết kế, công trình hồ chứa nước Ia Mơr (xã Ia Mơr, H.Chư Prông) với diện tích mặt nước hơn 2.800 ha, có nhiệm vụ chính là tưới, cấp nước cho 12.500 ha đất canh tác thuộc hai huyện Chư Prông (Gia Lai), Ea Súp (Đắk Lắk); cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân; giảm lũ cho hạ lưu, nuôi trồng thủy sản và du lịch… Ông Đỗ Hữu Thu, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Đến nay, cụm công trình đầu mối đã hoàn thành. Hệ thống kênh gồm kênh chính, kênh chính Đông và kênh chính Tây đã triển khai thi công đồng loạt các gói thầu (chiều dài 13,5/35 km); đã thi công 4/4 cầu máng; diện tích còn lại đang chờ giải phóng mặt bằng. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 18 km kênh, chúng tôi mới nhận bàn giao mặt bằng đợt 1 (8 km) chuẩn bị triển khai thi công, còn lại 10 km đang chờ giải phóng mặt bằng. Trong năm 2019 chúng tôi tập trung thi công, hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng cụm công trình đầu mối hồ Ia Mơr; triển khai đẩy nhanh thi công hệ thống kênh chính, kênh Bơm, kênh chính Tây và kênh chính Đông. Dự kiến toàn bộ dự án hoàn thành vào quý 4/2020”.
Công trình thủy lợi ngàn tỉ chờ vùng tưới

Hệ thống kênh chính đang được thi công, nhiều đoạn đã có thể đưa vào sử dụng

Trước đó, công trình này đã bị ảnh hưởng do cắt giảm đầu tư công năm 2011 nhưng những hợp phần của dự án đến nay vẫn đang được hoàn tất. Song vấn đề lớn là vùng tưới vẫn chưa được hình thành. Nguyên do 7.500 ha rừng và đất rừng thuộc địa bàn xã Ia Mơr cần chuyển đổi nhưng theo quy định việc chuyển đổi này phải được đưa ra xin ý kiến Quốc hội. Theo rà soát, đây là rừng sản xuất theo quy hoạch 3 loại rừng của Chính phủ.

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn

Vì nóng lòng khi dự án đang về đích nhưng vẫn chưa hình thành được vùng tưới, H.Chư Prông đã có kiến nghị gửi Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, trong đó nêu: “Để phát huy hiệu quả công trình, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có ý kiến với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành T.Ư cho chuyển mục đích sử dụng 8.500 ha đất rừng và đất khác thuộc vùng tưới sang đất nông nghiệp. Xin phép UBND tỉnh Gia Lai cho kêu gọi thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đưa vào sản xuất một số cây trồng có giá trị kinh tế cao…”.
Ông Phạm Vũ Tú, Phó chủ tịch UBND H.Chư Prông, nói: “Công trình này thực sự là cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như an ninh quốc phòng vùng biên giới. Chúng tôi mong chủ đầu tư, Chính phủ và Quốc hội giải quyết sớm vấn đề vùng tưới (liên quan đến diện tích rừng cần chuyển đổi - PV), để người dân nơi đây được hưởng lợi”.
Trong chuyến công tác mới đây tại Gia Lai, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác cũng đã nghe lãnh đạo tỉnh Gia Lai báo cáo rõ vấn đề này. Diện tích vùng tưới của Gia Lai, nơi có 3 xã biên giới với gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn khó khăn đang trông chờ đất sản xuất (vùng tưới) của đại thủy nông này, trong khi đất khu vực vùng tưới lại đang vướng những thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Phó thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ báo cáo chi tiết việc chuyển đổi cây trồng, xử lý vùng tưới tiêu cho công trình thủy lợi Ia Mơr để giúp người dân các xã biên giới sớm được hưởng lợi từ công trình này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.