Công trình sử dụng vốn ngân sách chê hàng Việt

17/07/2015 06:12 GMT+7

5 năm sau Chỉ thị 494 của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên sử dụng hàng Việt trong các dự án có vốn ngân sách, nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn bị phân biệt, không thể chen chân vào những dự án quan trọng.

5 năm sau Chỉ thị 494 của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên sử dụng hàng Việt trong các dự án có vốn ngân sách, nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn bị phân biệt, không thể chen chân vào những dự án quan trọng.
 
Thang máy Thiên Nam dù đã xuất sang Nhật nhưng không lọt qua vòng mời thầu ở nhiều dự án sử dụng ngân sách - Ảnh: Q.T
Thang máy Thiên Nam dù đã xuất sang Nhật nhưng không lọt qua vòng mời thầu ở nhiều dự án sử dụng ngân sách - Ảnh: Q.T
Thực tế này được phản ánh tại hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị 494 tổ chức ngày 16.7, do lãnh đạo Bộ Công thương chủ trì.
Xuất sang Nhật nhưng bị “hắt hủi” ở VN
Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP thang máy Thiên Nam (TNE), bức xúc cho rằng hầu hết các dự án xây dựng có vốn đầu tư từ ngân sách đều cố tình loại doanh nghiệp (DN) Việt ra khỏi “cuộc chơi”. Ví dụ, dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh, hồ sơ mời thầu trong hạng mục thang máy đã nêu rõ yêu cầu “thương hiệu thang máy nổi tiếng thuộc các nước công nghiệp phát triển; toàn bộ thiết bị phải được nhập khẩu đồng bộ từ nhà máy chính hãng đặt tại các nước G7 hoặc các nước ASEAN”. Hay như hồ sơ mời thầu dự án Bệnh viện chuyên khoa sản nhi tỉnh Long An, dự án lắp đặt thang máy tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, dự án xây dựng Trung tâm ung bướu của Bệnh viện Trung ương Huế... chủ đầu tư cũng yêu cầu “thương hiệu và xuất xứ thiết bị phải được nhập khẩu đồng bộ từ châu Âu”. “Đây là nội dung mời thầu trái với Chỉ thị 494 và có dấu hiệu vi phạm luật Đấu thầu”, ông Trần Thọ Huy nhận định và cho biết: “Nếu cung cấp theo đúng nội dung này, giá gói thầu phải lên đến 35 tỉ đồng, còn dùng sản phẩm của VN thì chi phí tiết kiệm được hơn một nửa, trong khi đối với công trình cao dưới 10 tầng thì các loại thang máy trong nước hoàn toàn đáp ứng được”.
Chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế, chế tạo và sản xuất, xuất khẩu thang máy sang Nhật, chuẩn bị xuất sang Tây Ban Nha, Nga... Thế nhưng, ngay tại sân nhà lại bị chính những chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước hắt hủi
Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP thang máy Thiên Nam
Nhiều lần bức xúc vì bị loại khỏi “cuộc chơi” ngay từ vòng mời thầu, lãnh đạo TNE đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT để kiến nghị. “Thang máy chúng tôi đã nội địa hóa đến 60%. Chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế, chế tạo và sản xuất, xuất khẩu thang máy sang Nhật, chuẩn bị xuất sang Tây Ban Nha, Nga... Thế nhưng, ngay tại sân nhà lại bị chính những chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước hắt hủi, đi ngược chủ trương ủng hộ hàng Việt. Đó là điều hết sức đau lòng và bức xúc”, ông Huy trăn trở. Trước các kiến nghị này, Bộ KH-ĐT đã “tuýt còi” nhắc nhở chủ đầu tư 2 dự án xây dựng bệnh viện ở Tây Ninh và Huế.
Cần có chế tài cụ thể
Không riêng TNE bị phân biệt đối xử, hàng loạt DN Việt cũng lên tiếng phản ứng vì sự kỳ thị này. Nguyên nhân, theo ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đấu thầu có tâm lý sính ngoại, coi thiết bị ngoại nhập luôn tốt hơn hàng sản xuất trong nước, bởi vậy họ chấp nhận mua với mức giá cao hơn nhiều mà không quan tâm so sánh các chỉ tiêu kỹ thuật sản phẩm trong nước có thể đáp ứng tương đương. Thậm chí, không loại trừ nguyên nhân cố tình hướng đến một sản phẩm ngoại nhập nào đó với giá cao để trục lợi. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện việc chế tài đối với các chủ đầu tư.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công thương, những bức xúc của DN nội địa là hoàn toàn xác đáng. Thực tế nhiều hồ sơ mời thầu hiện nay đặt điều kiện tiên quyết vẫn ưu tiên cho hàng nhập khẩu, loại bỏ hàng sản xuất trong nước ngay cả khi sản phẩm này đã được Bộ Công thương phê duyệt nằm trong danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được. Ông Lee Sung Hoon, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan VN (trụ sở tại KCN Dung Quất, Quảng Ngãi), kiến nghị: “Việc Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi sử dụng hàng hóa nội địa là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn, có những hình phạt cụ thể, mạnh tay hơn đối với các chủ đầu tư không tuân theo quy định của Chính phủ. Ví dụ nhiều trường hợp mà chúng tôi được biết một số công ty đầu tư lĩnh vực cảng biển vẫn tiếp tục mua các loại cẩu trục của Trung Quốc hoặc nước khác thông qua đấu thầu quốc tế, trong khi các nhà cung cấp trong nước có đủ khả năng đáp ứng”.
Sẽ cấm quy định xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu
Tại hội thảo, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, tiếp thu những ý kiến phản ảnh của DN Việt, đồng thời cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, UBND tỉnh, thành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị 494; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng trong hồ sơ thầu không được quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa, không được đưa yêu cầu hàng hóa phải nhập khẩu nguyên chiếc nhằm “loại bỏ” sự tham gia của các nhà sản xuất, cung ứng trong nước. Tuy nhiên, bà Thoa cũng cho rằng các DN nội địa phải không ngừng đa dạng mẫu mã hàng hóa, đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.