Công thức phát huy tối đa năng lực nhân viên

25/12/2018 09:00 GMT+7

Thực tế cho thấy, mỗi nhân viên bình thường chỉ làm việc với 50% khả năng của mình. Vậy các nhà lãnh đạo làm cách nào để khai thác và phát huy tối đa 50% tiềm năng còn lại của nhân viên?

Ông Tăng Trị Trọng - Giám đốc kinh doanh cấp cao VietnamWorks chia sẻ công thức truyền lửa cho nhân viên thông qua: động viên cá nhân và khả năng hoàn thành công việc.

Nắm bắt nhu cầu nhân viên, tạo ra môi trường năng động - phát triển và ghi nhận tưởng thưởng xứng đáng

Là nhà lãnh đạo, bạn cần phải hiểu rõ nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của nhân viên để có cách khích lệ và tạo động lực phù hợp từ đó giúp nhân viên làm việc với năng suất cao nhất có thể. Nhìn chung, nhân viên đi làm, trước hết là để đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của bản thân, bao gồm “cơm, áo, gạo, tiền, nơi ăn chốn ở, sự an toàn”. Bên cạnh đó, họ còn có nhu cầu được đóng góp cho tập thể, tự khẳng định và tự hoàn thiện bản thân. Ông Trọng chia sẻ: “Khi hiểu được những nhu cầu này, ngoài các chế độ và chính sách phúc lợi, người lãnh đạo cần tạo điều kiện để nhân viên nắm bắt thông tin, tạo cơ hội cho họ được đóng góp ý kiến, tham gia vào việc hoạch định chiến thuật, chiến lược của phòng ban, công ty”. Theo đó, doanh nghiệp cũng cần tạo ra môi trường tích cực, “sân chơi cạnh tranh lành mạnh”, không những giúp nhân viên phát huy được điểm mạnh, làm tốt công việc được giao mà còn luôn thoải mái, vui vẻ, hòa đồng, sẵn lòng hợp tác với đồng nghiệp, tạo không gian để phát triển cho cá nhân và tập thể nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Sự ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng của nhà lãnh đạo và tổ chức dành cho nhân viên là một trong những yếu tố quan trọng khuyến khích họ tiếp tục cố gắng và phát huy hết năng lực của mình. Tùy theo mức độ hoàn thành và kết quả của công việc mà sự ghi nhận có thể là phần thưởng mang giá trị vật chất hoặc tinh thần hoặc cả hai. “Giấy khen, sự tuyên dương trước tập thể, hay đơn giản như một cái vỗ vai, một cái bắt tay từ người lãnh đạo cũng sẽ trở thành động lực để nhân viên tiếp tục cố gắng và đạt đến những thành tích cao hơn nữa”, ông Trọng cho hay.

Tạo cơ hội học hỏi từ trải nghiệm và sự kiên nhẫn trong quá trình đào tạo

Nhóm yếu tố thứ hai trong công thức chính là khả năng hoàn thành công việc của cá nhân đến từ kinh nghiệm học hỏi, tích lũy trong quá trình làm việc và các chương trình đào tạo, huấn luyện mà người nhân viên nhận được.
Ông Trọng chia sẻ 9 chữ vàng mà ông tâm đắc, xem như “kim chỉ nam” cho việc học hỏi không ngừng “Learn from yesterday - Live for today - Hope for tomorrow” (Học hỏi từ quá khứ, sống cho hiện tại, hy vọng cho tương lai) và luôn tập trung trong việc xây dựng môi trường đề cao tinh thần học hỏi cho nhân viên của mình. Không một ai hoàn hảo và chắc chắn sẽ phạm lỗi trong quá trình làm việc nhưng quan trọng là chúng ta rút ra được bài học gì từ ngày hôm qua để có thể làm tốt hơn trong hiện tại, từ đó hy vọng cho tương lai. Do đó, khi nhân viên phạm lỗi, người lãnh đạo hãy luôn hỏi hai câu hỏi: (1) Bạn rút ra điều gì từ bài học này? và (2) Làm cách nào để tránh những lỗi tương tự xảy ra trong tương lai?
Để có thể duy trì và phát triển bền vững thông qua việc học hỏi không ngừng, doanh nghiệp cần xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện và kèm cặp nhằm giúp người nhân viên hoàn thành công việc với kết quả ngày một tốt hơn, qua đó nâng cao sự tự tin và tự tôn của họ. Ông Trọng nhấn mạnh: “Người lãnh đạo cũng phải lưu ý rằng đây không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải là cả một quá trình “văn ôn - võ luyện”, lặp đi lặp lại và thực hành mọi lúc mọi nơi. Điều này rất cần sự kiên nhẫn, kiên trì và cả sự hy sinh của người lãnh đạo về mặt thời gian và công sức”.

“Mọi việc thành hay bại đều do khả năng lãnh đạo”

Ông Trọng chia sẻ: “Yếu tố quyết định để công thức này thành công chính là khả năng lãnh đạo. Thiếu yếu tố này thì doanh nghiệp không thể phát triển để trường tồn. Nói một cách khác, mọi việc thành hay bại đều do khả năng lãnh đạo”.
Theo ông Trọng, khả năng lãnh đạo là khả năng tạo ảnh hưởng khiến người khác muốn đi theo tầm nhìn và sứ mệnh mà mình đã đề ra. Muốn phát triển khả năng này, người lãnh đạo trong tổ chức phải thường xuyên hỏi bản thân những câu hỏi nhằm xác định mục tiêu và tìm ra phương hướng lãnh đạo thích hợp: Mình có hứng thú với công việc đang làm, tự hào với thành quả đạt được và nhân viên mình có nhận thấy điều này hay không? Mình đã làm gì để luôn học hỏi, hoàn thiện và phát triển bản thân? Mình đã chú ý đến việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhân sự kế thừa hay chưa?
Ông Trọng kết luận: “Vậy ngoài việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu nhân viên và tạo sân chơi để họ phát triển, nhà quản lý cần phải luôn nâng cao khả năng lãnh đạo của mình để thấu hiểu tình hình nhân sự và tìm kiếm những giải pháp thích hợp qua đó động viên, truyền lửa và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên - yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.