Con đường thực hiện các chính sách kinh tế của ông Macron vẫn chưa thông thoáng

10/05/2017 18:16 GMT+7

Tổng thống đắc cử của Pháp Emmanuel Macron có một chương trình nghị sự đầy tham vọng về kinh tế, nhưng để các chính sách này được đưa vào thực hiện sẽ không phải là điều dễ dàng.

Tuy nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới vẫn còn nặng nề bởi những khó khăn cơ bản, nhưng ít nhất là gần đây nó cũng đã được hít thở một luồng không khí trong lành hơn khi tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu gia tăng, hoạt động của khu vực tư nhân đang mở rộng. Và đặc biệt khi ông Macron thắng cử tổng thống với những đề xuất cắt giảm chi tiêu chính phủ, nới lỏng các luật lao động cứng nhắc, mở rộng bảo trợ xã hội cho người tự làm chủ đã khiến cho tâm lý người tiêu dùng tại Pháp trở nên khá tích cực.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chiến thắng của ông Macron trước ứng cử viên Marien Le Pen “mang niềm hi vọng không chỉ của hàng triệu người Pháp mà còn của nhiều người Đức và khắp châu Âu”, những người ủng hộ nền kinh tế tự do, thương mại tự do và hội nhập.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng việc ông Macron đắc cử trong một số trường hợp là do người dân muốn bỏ phiếu chống lại bà Le Pen hơn là ủng hộ các chính sách cải cách kinh tế của ông. Các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley cũng nói rằng chương trình nghị sự kinh tế “Macronomics” mang tính “thân thiện với thị trường và ủng hộ cải cách” của ông Macron nếu muốn thực hiện sẽ phải phụ thuộc vào đợt bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới, và nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ các đối thủ cánh tả.
Theo Channel News Asia, khi Tổng thống đắc cử 39 tuổi còn là Bộ trưởng Kinh tế, ông cũng đã phải thông qua các luật lao động mới được thực hiện các ý tưởng đổi mới vào mùa hè năm ngoái. Mặc dù đã bỏ xa đối thủ trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee, vẫn có một số hoài nghi về khả năng ông Macron giành được phần lớn các phiếu bầu.
“Trong khi các chính trị gia ở châu Âu thở phào nhẹ nhõm, kết quả lại không thể che giấu mức độ không hài lòng của cử tri Pháp. Có khá nhiều cử tri Pháp vẫn bỏ phiếu cho các đảng chống lại toàn cầu hóa. Việc cắt giảm 120.000 việc làm trong khu vực công, 60 tỉ euro chi tiêu công và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% của ông Macron sẽ còn phải chờ trong vòng bỏ phiếu khác thông qua Quốc hội nước này”, Michael Hewson, nhà kinh tế tại CMC Markets, cho biết.
Nhà phân tích Kit Nicholl của HIS Markit bình luận rằng cuộc bầu cử lập pháp sắp tới của Pháp là rất quan trọng. “Để điều hành một cách có hiệu quả, ông Macron cần sự ủng hộ của đại đa số đại biểu, khoảng 289 ghế trong Quốc hội trở lên. Nhưng cơ hội để ông Macron xây dựng từ lực lượng ban đầu rất thấp đến đại đa số phiếu chấp thuận dường như khá mỏng manh”, ông Kit Nicholl nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Laurence Boone từ AXA Investment Managers, người cũng từng là cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Francois Hollande, tin rằng ông Macron hoàn toàn có cơ hội tốt để xây dựng được sự ủng hộ từ đa số. “Mặc dù có điểm rất đặc biệt trong cuộc bầu cử này, nhưng theo lịch sử, người Pháp thường có xu hướng ủng hộ đảng của tổng thống được bầu”, bà Laurence Boone cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.