Cơ sở hạ tầng: Điểm yếu của kinh tế Đức

23/09/2017 10:40 GMT+7

Kinh tế Đức như một cỗ máy mạnh mẽ được tiếp nhiên liệu từ sức cạnh tranh và sự hiệu quả. Song nếu xem xét kỹ, có một khía cạnh trọng yếu trong kinh tế nước này đang lao dốc.

Theo CNN, đó chính là cơ sở hạ tầng. Tốc độ băng thông rộng ở Đức chậm hơn so với nhiều nước láng giềng vốn kém phát triển hơn và nhiều trường học ở Đức sẽ hưởng lợi từ việc nâng cấp công nghệ và kết cấu hạ tầng.
Đường sá Đức cũng là một ví dụ. Năm 2017, hệ thống đường sá nước này trượt xuống hạng 16 trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đây là lần hạ mới nhất trong chuỗi bị hạ bậc xếp hạng của Đức.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng Đức đang có nguy cơ bị tuột lại phía sau nếu không đầu tư nhiều hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang vận động để giành chiến thắng lần thứ tư trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần này, cho hay bà ghi nhớ lời khuyên này từ giới chuyên gia. Dù vậy, những người chỉ trích bà Merkel cả trong nước lẫn quốc tế đều cho rằng Thủ tướng Đức có thể làm được nhiều hơn nữa.
Đức từ lâu bị các nước láng giềng chỉ trích vì xuất khẩu nhiều hơn là nhập khẩu, động thái khiến các nước châu Âu khác khó kiểm soát thâm hụt thương mại mà vẫn có thể duy trì cạnh tranh.
Việc chính phủ Đức chi tiêu nhiều hơn, chẳng hạn như vào cơ sở hạ tầng, sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế và tăng chi tiêu doanh nghiệp. Điều này sẽ khuyến khích người tiêu dùng Đức chi nhiều hơn cho các dịch vụ nước ngoài và sản phẩm nhập khẩu, từ đó, làm giảm thặng dư thương mại của đất nước.
Nhà kinh tế Stephen Brown tại Capital Economics cho hay: “Đầu tư chính phủ là cách tốt để kích thích nhu cầu. Đức không nhận ra rằng có thể có mối liên kết giữa đầu tư khu vực nhà nước và đầu tư khu vực tư nhân”. Chính phủ Đức đã và đang miễn cưỡng tăng chi tiêu quá nhiều vì muốn tránh thâm hụt ngân sách.
Chính phủ quốc gia châu Âu chỉ đầu tư hơn 66 tỉ EUR, tương đương 79 tỉ USD, vào đường sá, cơ sở chăm sóc trẻ em, các tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng và giao thông công cộng trong năm 2016, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Đức. Con số này là rất nhỏ. Đơn cử, Nga đã phải chi khoảng 50 tỉ USD chỉ để chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội Sochi.
Đầu tư ở Đức tăng trung bình 4,5% trong hai năm qua, song tỷ lệ chi tiêu cơ sở hạ tầng so với GDP chỉ là 2,1%, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác như Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Thụy Điển.
Chiến dịch vận động tranh cử của bà Merkel có hứa nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện tốc độ internet. Tốc độ mạng của Đức đang đứng thứ 25 thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ khó thực hiện vì chính quyền địa phương, nơi chịu trách nhiệm đầu tư cho các dự án như nâng cấp trường học, nổi tiếng với cách làm việc ì ạch.

tin liên quan

Kinh tế Đức có dấu hiệu rạn nứt
Đức thường được mô tả là cường quốc kinh tế châu Âu nhưng 'sức khỏe' nền kinh tế lớn thứ tư thế giới không mang màu hồng như nhiều người nghĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.