Cổ phiếu công ty nước giải khát Chương Dương bị đưa vào diện cảnh báo

11/04/2018 16:30 GMT+7

Bên cạnh hàng trăm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 2017 mỹ mãn thì vẫn có nhiều công ty bị thua lỗ, khiến cổ phiếu rơi vào tình trạng bị kiểm soát hoặc nguy cơ phải hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Từ ngày 10.4, cổ phiếu SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương bị đưa vào diện cảnh báo do năm 2017 bị lỗ hơn 3 tỉ đồng). Thông tin này khiến giá SCD liên tục giảm xuống từ mức gần 40.000 đồng đến nay còn 22.000 đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu ICF của CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản bị đưa vào diện bị kiểm soát từ ngày 10.4 do liên tục hai năm 2016 và 2017 bị thua lỗ lần lượt là 31,8 tỉ đồng và 29 tỉ đồng. Cổ phiếu ICF sẽ bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Hiện ICF chỉ có giá 1.650 đồng.
Cũng từ ngày 10.4, cổ phiếu VPK của CTCP Bao bì Dầu thực vật bị đưa vào diện cảnh báo do năm 2017 bị thua lỗ hơn 39,3 tỉ đồng. Tương tự, PPE của CTCP Tư vấn điện lực Dầu khí Việt Nam bị kiểm soát do hai năm liên tiếp 2016-2017 đều bị lỗ với tổng số lỗ lên hơn 8,7 tỉ đồng. Cổ phiếu PPE hiện chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hằng tuần…
Ngoài việc các cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát do hoạt động kinh doanh bị thua lỗ, một số cổ phiếu còn bị hạn chế giao dịch do công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên Báo cáo tài chính năm 2017. Chẳng hạn RHN của CTCP Đường sắt Hà Ninh bị đưa vào diện bị hạn chế giao dịch từ 4.4 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên Báo cáo tài chính năm 2017 của công ty. Lý do vì trước đó vào tháng 9.2017, cơ quan cảnh sát Công an tỉnh Nam Định đã thụ lý điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty, và ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với nguyên kế toán trưởng công ty RHN là ông Ngô Trường Giang. Thiệt hại của công ty liên quan đến vụ án này được công ty trình bày tại mục "phải thu ngắn hạn khác" và các khoản thiệt hại này có thể còn được thay đổi sau khi có phán quyết, và công ty chưa lập báo cáo thiệt hại ước tính liên quan đến vụ việc trên...
Tương tự, VES của CTCP Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca Vneco bị đưa vào diện bị hạn chế giao dịch từ 3.4 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến vì liên quan đến một số khoản nợ phải thu, nợ phải trả chưa được đối chiếu xác nhận. Bên cạnh đó, trên Báo cáo tài chính năm 2016 kiểm toán viên tiền nhiệm đã đưa ra ý kiến kiểm toán về việc không được cung cấp một số tài liệu để ghi nhận một khoản nợ phải trả đối với Vneco, trong khi việc ghi nhận đó đã được hạch toán vào Báo cáo tài chính năm 2016… Đối với những CP đang bị hạn chế giao dịch, nhà đầu tư cần thận trọng vì khả năng bị hủy niêm yết rất cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.