Cổ phần hóa là thời cơ cho kinh tế tư nhân

03/12/2016 07:42 GMT+7

Ngày 2.12, Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) tổ chức Diễn đàn kinh tế với chủ đề “Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”.

Tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân. Trước hết là việc được hoạt động trong một môi trường bình đẳng hơn. Tiếp đó là được quan tâm trong tiếp cận nguồn lực từ đất đai, tín dụng… “Quá trình rút lui của DNNN phải là quá trình tiến lên của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) để trở thành động lực của nền kinh tế, nếu không sẽ lại bị các DN FDI thâu tóm”, ông Lộc chia sẻ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, mong chờ được cạnh tranh bình đẳng là cháy bỏng và thực tế hơn với khối tư nhân trong giai đoạn trước mắt. Ông Tuấn dẫn chứng tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DNTN chỉ chiếm 30%, trong khi các DN khác tiếp cận lên tới 70%.
Dẫn báo cáo của Trường đại học Fulbright trước đó, ông Đậu Anh Tuấn cho hay nếu ví nền kinh tế VN như một chiếc xe 4 động cơ gồm DNNN, DNTN, FDI (DN đầu tư nước ngoài) và nông nghiệp thì có đến 3 động cơ đang trục trặc, duy chỉ khối FDI là khỏe. “Dù vậy, thời gian tới FDI có duy trì được hay không thì rất khó đoán định. Bởi lẽ, theo nhiều nghiên cứu, khảo sát, vốn FDI đổ vào VN là bởi các nhà đầu tư có chi phí rẻ, nhiều ưu đãi như thuê đất… Nhưng trong tương lai, những điều này sẽ không còn nữa. Đất đai hết rồi, nhân công cũng không còn rẻ nữa, lại thêm câu chuyện TPP chưa rõ nên liệu nguồn vốn FDI có còn đổ vào nhiều, FDI còn là động lực nữa hay không”, ông Tuấn hồ nghi. Từ đó, đại diện các DN đề nghị nhà nước cần gỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường, để không chỉ tạo điều kiện cho DN nhỏ phát triển mà cũng là tạo thêm động lực cạnh tranh cho các công ty lớn phải vận động, không tự thỏa mãn.
Cũng theo ông Tuấn, bức tranh kinh tế DNTN của VN vẫn đáng ngại bởi quy mô đang ngày càng nhỏ đi, không hiệu quả. Cụ thể, theo khảo sát cuối năm 2015, nếu như lao động bình quân 1 DN năm 2009 là hơn 40 người thì đến năm 2015 chỉ còn 26,6 người. 58% DNTN không có thu nhập để nộp thuế trong khi cứ 10 đồng xuất khẩu thu được thì 8 đồng là đóng góp của khu vực FDI, chỉ có 2 đồng thuộc DN nội. Trong khi 4 năm trước tỷ lệ này là 50/50. Nhìn vào các chỉ số này, các chuyên gia cho rằng, năng lực hấp thụ của các công ty tư nhân với phần vốn nhà nước bán ra sẽ không đáng kể mà trước mắt vẫn phải trông chờ vào các đối tác ngoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.