Cổ phần hóa DNNN: Đừng thu cạn vốn DN !

21/02/2014 01:40 GMT+7

Theo giới chuyên gia, nên để lại một phần thặng dư để tạo sự hấp dẫn khi các doanh nghiệp nhà nước phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Theo giới chuyên gia, nên để lại một phần thặng dư để tạo sự hấp dẫn khi các doanh nghiệp nhà nước phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Cổ phần hóa DNNN: Đừng thu cạn vốn DN !
Các DNNN thực hiện IPO được kỳ vọng sẽ thu hút hàng ngàn tỉ đồng - Ảnh:  Diệp Đức Minh

Hôm qua 20.2, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, gần 77 triệu cổ phần (CP) của Tổng công ty Viglacera được bán đấu giá ra công chúng với giá khởi điểm 10.300 đồng/CP. Tuy nhiên, công ty chỉ thu về hơn 200 tỉ đồng khi có 19,47 triệu CP được bán thành công với giá bình quân là 10.301 đồng/CP.

Bắt đầu đại thoái vốn

Trong tháng 3 tới sẽ có hàng loạt "ông lớn" thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) như Tổng công ty (TCT) xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) chào bán 28,7 triệu CP với giá khởi điểm là 10.000 đồng/CP, tương đương tổng giá trị 287 tỉ đồng. TCT xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) chào bán số lượng CP trị giá 142,15 tỉ đồng và bán số CP trị giá 136 tỉ đồng cho nhà đầu tư chiến lược. Thông tin từ Cienco 5 cho biết hiện đã có hai nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua CP. Chỉ tính riêng 11 TCT lớn thuộc Bộ Giao thông vận tải như TCT Thăng Long, TCT công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), TCT hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)... số lượng CP đưa ra thị trường cũng có trị giá hàng ngàn tỉ đồng.

Tùy thuộc vào từng DNNN nhưng việc cho phép doanh nghiệp giữ lại phần thặng dư vốn bao nhiêu phải được đưa vào trong đề án CPH khi phê duyệt và sau đó công bố công khai cho các nhà đầu tư

TS Nguyễn Văn Thuận

Đây đều là những doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu trong những lĩnh vực họ hoạt động nên giới đầu tư đang kỳ vọng, dòng tiền này sẽ khiến thị trường chứng khoán bùng nổ. Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam, cảnh báo không nên tập trung vào một thời điểm nhất định mà cần phân bổ thời gian thực hiện hợp lý để thu được thành công và đạt hiệu quả cao nhất. Còn theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, với quyết tâm thực hiện cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm nay và công tác đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành hiện còn 17.000 tỉ đồng, đây là một cuộc đại thoái vốn của nhà nước. Điều này đòi hỏi cần có một dòng vốn đầu tư khổng lồ từ dân chúng lẫn nước ngoài để hấp thu. Vì vậy cần phải chuẩn bị kỹ các hoạt động trước đó như định giá doanh nghiệp, quy chế hoạt động, tỷ lệ sở hữu còn lại của nhà nước thì mới thành công. Phó tổng giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM cũng cho rằng việc IPO hàng loạt DNNN sẽ tăng thêm hàng hóa cho thị trường, tăng thêm cơ hội lựa chọn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên điều đó cũng làm gia tăng lượng cung hàng nên nhà đầu tư sẽ nghiên cứu và lựa chọn. Khi đó CP có giá thấp gần mệnh giá chưa hẳn là được mua nhiều, như trường hợp Viglacera, mà còn phụ thuộc vào tình hình hoạt động, vị thế và giá trị của doanh nghiệp...

Hấp dẫn bằng thặng dư

Một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm nhất trước những cuộc IPO của các DNNN là xác định giá trị của doanh nghiệp; phần vốn thặng dư sau IPO nộp về hết cho ngân sách trung ương hay để lại một phần cho doanh nghiệp?...

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định trọng tâm là định giá doanh nghiệp như thế nào cho khách quan. Nếu định giá quá cao thì sẽ không bán được mà định giá quá thấp thì thất thoát vốn. Vì vậy cần phải có một cơ quan kiểm toán độc lập để tiến hành việc này. Bên cạnh đó phải có chương trình thực hiện cụ thể để những người đứng đầu các DNNN thật sự sẵn sàng hợp tác với đơn vị định giá, tư vấn...

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng - Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng nếu Chính phủ muốn đẩy nhanh quá trình CPH các DNNN, nên xem xét cho phép doanh nghiệp giữ lại phần thặng dư vốn khi thực hiện IPO. Nếu tỷ lệ để lại càng cao thì giá bán CP càng cao và ngược lại vì sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Bản thân nhà nước cũng được hưởng lợi vì không bán hết vốn mà thường chỉ mới bán một phần vốn. “Tùy thuộc vào từng DNNN nhưng việc cho phép doanh nghiệp giữ lại phần thặng dư vốn bao nhiêu phải được đưa vào trong đề án CPH khi phê duyệt và sau đó công bố công khai cho các nhà đầu tư. Khi đó chắc chắn giá bán CP sẽ cao hơn và thu được thành công dễ hơn”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.

Còn theo TS Lê Đạt Chí, các quy định về xác định giá trị doanh nghiệp khi CPH, phải nộp giá trị quyền sử dụng đất sau khi CPH hay nộp phần thặng dư vốn... hiện nay còn khiến nhiều doanh nghiệp phân vân. Vì vậy, với quyết tâm đẩy mạnh CPH năm nay, Chính phủ cần xem xét và có thể điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ nên để lại phần thặng dư vốn cho các đơn vị sau khi CPH vì nếu không thì doanh nghiệp không còn giá trị gì. Điều này sẽ kích thích được các nhà đầu tư tham gia mua CP nhiều hơn. Bên cạnh đó, ngoài việc thực hiện IPO cũng có thể xem xét nhiều phương án chào bán CP khác nhau như giao cho TCT đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, các quỹ đầu tư phát triển địa phương làm đầu mối trong giai đoạn đầu. Sau đó các đơn vị này sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để tìm đối tác bán lại cũng như bán rộng rãi ra công chúng.

“Kinh tế thế giới vẫn còn chưa phục hồi ổn định nên không thể ngay cùng lúc tìm kiếm được nguồn vốn đầu tư lớn từ các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư để tham gia vào những đợt IPO.  Hơn nữa, để chào bán CP thành công thì IPO phải kết hợp với việc lên sàn niêm yết”, TS Lê Đạt Chí nói.

Thận trọng hơn, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đặt vấn đề nếu xem nhà nước như một cổ đông của DNNN thì sẽ không ai dám quyết để lại phần thặng dư vốn sau khi IPO cho doanh nghiệp. Việc IPO thành công hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố liên quan như giá đưa ra có phù hợp hay không, định giá tài sản của doanh nghiệp như thế nào?... Theo ông, trong tình hình kinh tế hiện nay, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có nguồn vốn lớn “tiền tươi thóc thật” để mua CP của các DNNN lớn như công bố nên khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia mua nhiều hơn nhà đầu tư trong nước.

Chứng khoán lập kỷ lục về giá trị giao dịch

Ngày 20.2, thị trường chứng khoán Việt Nam có gần 5.500 tỉ đồng giao dịch và con số này đã xác lập kỷ lục mới trong lịch sử giao dịch từ trước đến nay, dù đây là một phiên xả hàng lớn khiến chỉ số VN-Index bị giảm đi 7,08 điểm và còn 571,04 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 2,81 điểm và còn 79,51 điểm.

Hàng loạt cổ phiếu bị bán ra mạnh ngay từ đầu phiên bất kể blue-chips hay penny-stocks, nhưng lực cầu vẫn mạnh mẽ ở nhiều cổ phiếu khác nhau nên thanh khoản tăng đột biến. Trong đó, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng hơn 235 tỉ đồng trên cả hai sàn. Khối lượng lẫn giá trị giao dịch thành công đạt 408,45 triệu cổ phiếu, đạt tổng trị giá 5.480,26 tỉ đồng.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.