'3 tại chỗ': Quy định quá gấp, doanh nghiệp không kịp trở tay

15/07/2021 06:54 GMT+7

Trầy trật hoạt động, các doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đang tìm đủ mọi cách để cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh , không ảnh hưởng thêm tới đời sống của người lao động .

Chấp nhận tạm ngưng sản xuất 1 tuần vì không kịp chuẩn bị chỗ lưu trú cho công nhân, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, chia sẻ trong 1 tuần đó, công ty sẽ rà soát, sắp xếp lại xem có đáp ứng được những yêu cầu của lãnh đạo TP hay không. Đồng thời, cố gắng tổ chức chỗ ăn ở cho khoảng 1/2 số công nhân rồi chia ra cho họ đi làm so le, xen kẽ.
Trong khi đó, ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc., cho biết để giải quyết yêu cầu “3 tại chỗ”, DN đã thuê một số khách sạn tại khu vực Q.7, cho công nhân cách ly và làm việc tại chỗ. Bằng mọi cách để vừa duy trì sản xuất vì đã bị trễ nhiều đơn hàng. DN này cũng đã mua lều, bạt tổ chức cho công nhân ở lại, dù rất khó khăn vì trong 1 ngày khó xoay kịp.
“Hiện tại từ DN lớn đến nhỏ, trong bối cảnh bị phong tỏa liên tục, khó khăn và bị động vô cùng. Rất mong TP có thể xem xét gia hạn thêm thời gian khoảng 1 tuần để các DN có thời gian chuẩn bị. Với các khu công nghiệp, khu chế xuất, trước khi đề xuất phải bảo đảm chỗ ăn nghỉ cho công nhân với lượng lớn, TP nên tổ chức trưng dụng nhà ở cho công nhân, nhà xưởng chưa sử dụng để giúp DN có chỗ tổ chức lưu trú cho công nhân”, ông Thái đề xuất.

Sáng 15.7: Thêm 805 ca Covid-19, TP.HCM chiếm tới 603 ca

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng quy định tổ chức ăn, nghỉ tại chỗ cho công nhân thật sự quá khó cho các DN. Không chỉ thời gian quá gấp, DN trở tay không kịp mà có đầu tư thì cũng rất tốn kém. Quy định này khiến rất nhiều DN đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, chưa đến nỗi phải ngưng hoạt động, nhưng cũng đành phải chấp nhận ngừng hoạt động.
Theo bà Lan, TP.HCM đang gặp khó khăn rất lớn. Từ đầu đợt dịch bùng phát đến giờ, TP bộc lộ nhiều lúng túng, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã áp dụng đều không thật sự hiệu quả. Đây là điều khó tránh khỏi khi dịch bệnh xảy ra bất ngờ, tốc độ lây lan quá nhanh. Tuy nhiên, thực tế ngày càng cho thấy rõ mục tiêu vừa chống dịch, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế của TP rất khó thực hiện. Trong bối cảnh đó, cần đặt những mục tiêu thiết thực hơn đối với DN để linh động những quyết sách cho phù hợp.
Đơn cử, tại những khu vực nào chưa có tình trạng lây nhiễm nhiều, các DN đã thực hiện được những biện pháp phòng ngừa như 5K, đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin cho công nhân, theo dõi giám sát thường xuyên, đến giờ vẫn giữ tương đối an toàn, thì nên để cho họ tiếp tục hoạt động bình thường. Đặt thêm nhiều yêu cầu khó quá, không đáp ứng nổi, DN phải ngưng hoạt động sẽ gây những tổn thất kinh tế lớn hơn.
“Những ngành hàng như dệt may, da giày, ngành gỗ theo thời vụ, luôn luôn bị sức ép thị trường rất lớn về việc giao hàng đúng hạn. DN bị lỡ các hợp đồng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu thì nguy cơ mất thị trường là rất lớn. Nên cân nhắc các chính sách, không hỗ trợ thêm được thì cũng không tạo thêm khó khăn cho DN”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.