Có nên 'siết' xuất khẩu thép?

15/05/2021 07:10 GMT+7

Kiến nghị ban hành chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu để ghìm giá thép của Bộ Công thương gây nhiều tranh cãi.

Nguồn cung sắt có thiếu?

Báo cáo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, đại diện Bộ Công thương cho biết việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở xảy ra ở Việt Nam mà tăng trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.
Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, việc tăng giá thép sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá gói thầu và hợp đồng xây dựng, phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ, làm tăng chi ngân sách, ảnh hưởng đến tài khóa năm 2021.
Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, định giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, đầu tháng 2, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan có văn bản báo cáo Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo một số giải pháp nhằm ổn định cung - cầu và giá thép trong nước năm 2021. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Đáng chú ý, Bộ Công thương kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.
Đề xuất kiểm soát xuất khẩu thép để bổ sung nguồn cung gây bất ngờ bởi chỉ cách đây 10 ngày, trả lời báo chí về giá thép tăng, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã khẳng định “Với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động như dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 vừa qua, năng lực sản xuất của thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu”.
Cục Công nghiệp có lưu ý về năng lực nguồn cung thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Tuy nhiên thực tế, câu chuyện chuỗi sản xuất bị đứt gãy đã diễn ra từ đầu năm ngoái, trong lần dịch bùng phát đầu tiên.
Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp (DN) đã phục hồi sản xuất. Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố ngày 14.5 cho thấy hoạt động sản xuất các sản phẩm thép 4 tháng đầu năm nay của những công ty thành viên đạt 10,4 triệu tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước và bán hàng đạt 9,4 triệu tấn, tăng 40,3%. VSA nhận định sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng các tháng đầu năm duy trì mức cao trong vòng 5 năm trở lại đây nhờ chính sách đẩy mạnh đầu tư công.
Tốc độ giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt mức cao nhất giai đoạn 2017 - 2021.

Không nên “siết” xuất khẩu

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cảnh báo hạn chế xuất khẩu thép sẽ tác động rất tiêu cực vì DN đã ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu năm, nếu giờ ngưng DN sẽ phải chịu phạt, mất uy tín. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, việc hạn chế kinh doanh xuất nhập khẩu cần cân nhắc thận trọng.
Ông Doanh cho rằng giá thép tăng có yếu tố trong nước, nhưng cũng có yếu tố nước ngoài. Bộ Công thương cần xem xét thật kỹ, phân tích có mặt hàng thép nào đang bị thiếu, bị đẩy giá lên không, nếu chủ yếu do yếu tố nguồn cung nhập từ nước ngoài tăng cao thì phải có các biện pháp tăng sản xuất, cân đối trong nước, không nên hạn chế xuất khẩu.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định không nên dùng biện pháp hành chính một cách chung chung trong điều hành giá thép lúc này vì sẽ dễ trở thành phi kinh tế thị trường. Giả sử, DN lớn đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài lượng lớn đúng mặt hàng mà thị trường trong nước đang cần, trong khi hợp đồng DN ký từ đầu năm, thậm chí ký từ năm ngoái thì sao? Nếu đưa ra biện pháp hành chính siết xuất khẩu thép như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của DN với đối tác, xa hơn là uy tín của ngành thép Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Thứ hai, nếu cho rằng cần ưu tiên tối đa cho thị trường trong nước, vậy cụ thể ưu tiên thế nào? Ưu tiên về giá hay ưu tiên đáp ứng đủ nhu cầu tại thị trường nội địa rồi mới tính đến xuất khẩu? Cả hai đều không ổn vì giá cả được điều hành theo cơ chế thị trường, còn ưu tiên thị trường nội địa, siết xuất khẩu sẽ đẩy DN xuất khẩu vào tình thế khó khăn.
“Không cho xuất khẩu, DN phải đền hợp đồng, ai chịu thiệt hại, ai đền bù? Điều này là không thể trong nền kinh tế thị trường”, vị này khẳng định.

Thép “nóng” chỉ trong ngắn hạn?

Phân tích thêm về nguyên nhân làm giá thép tăng cao, Bộ Công thương cho biết từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, giá nguyên liệu sản xuất thép và giá thép đã tăng liên tục từ cuối năm 2020 và tăng với tốc độ phi mã trong quý 2/2021. Giá quặng nguyên liệu đã tăng trên 220 USD/tấn vào ngày 10.5, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn cách đây hơn 1 thập kỷ, giá thép phế liệu đã tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 9 tháng qua.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ thép tăng mạnh trên toàn cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục sau cú sốc Covid-19, đang đưa giá quặng sắt tiến tới mức cao chưa từng có tiền lệ. Các mỏ quặng lớn đang hoạt động hết công suất, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.
“Nhu cầu trên thế giới tăng cao, nhưng nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang có các động thái làm giảm lượng xuất khẩu ra thế giới bằng nhiều chính sách. Cầu tăng, cung giảm, giá sản phẩm sẽ bị đẩy lên cao”, đại diện Bộ Công thương dự báo.
Tuy nhiên, ông Đinh Thế Hiển đánh giá thị trường thép đang “nóng” thực chất là trong ngắn hạn. Nền kinh tế toàn cầu suy thoái, công suất ngành thép toàn cầu không thiếu, song, do ảnh hưởng ngắn hạn, tạm thời mất cân đối cung cầu, đẩy đến giá tăng vọt. Vấn đề của cơ quan quản lý là xem có sự trục lợi, đầu cơ, bắt tay làm giá hay không. Nếu tăng giá do giá dầu, nguyên liệu đầu vào sản xuất thép của thế giới tăng phải chấp nhận sân chơi chung theo quy luật cung cầu.
“Theo quan sát của tôi, ngành thép là ngành cực kỳ dễ dự báo, chi phí sản xuất cũng có sẵn, giá nguyên liệu thế giới biến động, giá trong nước biến động. Nếu thực sự ngành thép đang tăng do đầu vào tăng quá cao, nhà nước có thể hỗ trợ bằng chính sách giảm thuế nhập khẩu trong ngắn hạn…”, ông Hiển hiến kế.
Báo cáo của VSA công bố ngày 14.5 cho thấy riêng về hoạt động xuất khẩu, trong quý 1/2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 2,92 triệu tấn, với trị giá đạt 2,043 tỉ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Thép của Việt Nam được bán đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc... Giá nguyên vật liệu và giá bán thép tiếp tục tăng trong tháng 4 và đến đầu tháng 5. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các DN sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất. Giá nguyên liệu thép tăng đẩy giá bán thép trong nước tăng vọt lên trên 17,5 - 17,9 triệu đồng/tấn, tăng từ 40 - 45% so với cuối năm 2020.
Hiệp hội này cho biết các dự báo trước đó nói giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý 2/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý 3/2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.