Cơ hội xuất khẩu sang Campuchia

18/03/2017 07:00 GMT+7

Việc giảm thuế nhập khẩu hai chiều về 0% giữa VN và Campuchia với nhiều hàng hóa đang là tin vui cho doanh nghiệp Việt.

Ngày 14.3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2017 quy định về thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ hai nước VN - Campuchia. Theo đó, phía VN sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi xuất khẩu vào thị trường Campuchia gồm sơn, sắt thép và sản phẩm sắt thép, sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo... Ngược lại, VN dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản nguyên liệu gồm thịt, phụ phẩm tươi sống, thóc gạo, sản phẩm nhựa, vải dệt, xe đạp...
Gạo thêm đối thủ cạnh tranh
Theo các chuyên gia, lúa gạo là mặt hàng sẽ chịu tác động mạnh đến thị trường trong nước bởi nhiều người tiêu dùng nội địa đánh giá gạo của Campuchia vừa có chất lượng tốt giá lại rẻ. Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại hai chiều giữa hai nước VN - Campuchia, cho biết: “Năm ngoái VN đã phải cử người sang Campuchia học họ cách sản xuất gạo xuất khẩu giá cao. Điều này chứng tỏ tuy không có tên trên bản đổ xuất khẩu gạo lớn như VN hay Thái Lan, nhưng họ đang làm thầy chúng ta về hàng nông sản cao cấp, cụ thể là lúa gạo. Theo tôi, Chính phủ đã làm khá tốt việc đàm phán để cho cơ chế về thuế nhập khẩu tốt nhất cho thị trường, vấn đề còn lại ở doanh nghiệp (DN). Gạo VN sẽ đối diện nhiều thách thức nếu sắp tới gạo Campuchia hưởng thuế 0% tràn vào VN”.
Thực tế ở thời điểm hiện tại, thị phần gạo Campuchia tại VN chưa đáng kể nếu so với gạo Thái Lan, Nhật tại VN nhưng cũng tạo được niềm tin với một bộ phận người tiêu dùng. Campuchia đang có lợi thế làm hàng gạo xuất khẩu cao cấp. Thuế nhập khẩu xuống 0%, thị trường gạo VN sẽ thêm đối thủ cạnh tranh nữa không hề nhẹ ký.
Rộng cửa cho nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt
Ở chiều ngược lại, Campuchia cũng giảm 0% thuế cho nhiều mặt hàng từ VN như: sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm sắt thép. Đây là cơ hội lớn cho các DN Việt xâm nhập sâu hơn vào thị trường Campuchia.
Điển hình trong nhóm sản phẩm này phải kể đến thép. Đại diện Công ty thép Pomina cho biết sản phẩm sắt thép của VN cạnh tranh khá tốt tại thị trường láng giềng do đã có thương hiệu, chi phí vận chuyển thấp. “Với lợi thế chi phí vận chuyển thấp, sắt thép xây dựng từ VN đang là mặt hàng chủ lực tại Campuchia và dự báo trong tương lai sẽ tăng và cạnh tranh tốt với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác không được hưởng ưu đãi này tại Campuchia”, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Công ty TNHH thép Khương Mai, nhận định.
Ngoài sắt thép, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, phân bón các loại, bánh kẹo..., VN đang chiếm kim ngạch xuất khẩu đáng kể tại thị trường này. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may VN sang Campuchia đạt gần 244 triệu USD, nguyên liệu dệt may da giày đạt hơn 152 triệu USD, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trên 94 triệu USD, phân bón các loại trên 80 triệu USD... Ông Sorly Chan, DN Việt kiều Campuchia, thông tin thêm: “Hằng năm,
Campuchia chi trên 200 triệu USD để nhập khẩu hàng rau quả từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, VN và Lào. Trong đó, VN chủ lực mảng rau tươi. Trung bình mỗi ngày, thị trường Campuchia nhập khoảng 300 tấn rau từ VN”.
Ông Sorly Chan cũng cho rằng, đưa hàng vào thị trường Campuchia không khó nhưng chính vì dễ nên rất nhiều DN Việt đã đánh giá sai thị trường này ngay từ đầu. “Tôi biết có DN ngành nhựa của VN, vào Campuchia với nhiều mặt hàng giá rẻ từ hơn 10 năm qua nhưng không thành công như các DN cùng mặt hàng của Thái Lan. Lý do duy nhất, chúng ta đã đánh giá sai nhu cầu khách hàng. Họ muốn mua hàng tốt, giá vừa phải chứ không phải rẻ kiểu kém chất lượng”, ông Sorly Chan nói.
Đồng tình với nhận định này, ông Robert Trần nhận xét: “Hàng hóa VN từng được người tiêu dùng Campuchia rất tin dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian nhiều DN Việt đã lơ là nâng cấp sản phẩm và theo lối mòn với chất lượng trung bình, giá rẻ, khiến cơ hội mở rộng thị phần chựng lại, để một số mặt hàng tiêu dùng của Malaysia và Indonesia tranh bớt thị phần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.