Cơ hội Myanmar

25/11/2012 03:55 GMT+7

Myanmar đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Dù chưa nhiều nhưng hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào đây để đón đầu những cơ hội từ thị trường mới này.

Nhiều kế hoạch thâm nhập

Là một trong những doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tiên vào Myanmar, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang thực hiện một dự án khu phức hợp có tổng vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD.

 
Hàng Việt Nam ngày càng được người dân Myanmar ưa thích - Ảnh: C.T Group cung cấp

Ông Lê Hùng, TGĐ Công ty xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (thuộc Tập đoàn HAGL) cho biết, đầu năm 2012 chính phủ Myanmar đã cấp giấy phép đầu tư tạm thời cho HAGL triển khai dự án này. Hiện HAGL đang làm việc với Bộ Khách sạn - Du lịch và Bộ Kế hoạch - Đầu tư nước này để hoàn tất các hồ sơ trình chính phủ Myanmar xin cấp giấy phép chính thức.

 

Việt Nam nhập siêu từ Myanmar

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam vào Myanmar trong 10 tháng đầu năm 2012 đạt kim ngạch 89,7 triệu USD. Sản phẩm chủ yếu là hóa chất, sản phẩm từ chất dẻo, hàng dệt may, gốm sứ, sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng... Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa của Myanmar lên tới 96,6 triệu USD. Sản phẩm bao gồm hàng thủy sản, rau quả, cao su... Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng chiếm kim ngạch lớn nhất, với 44 triệu USD. Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu từ Myanmar 6,9 triệu USD.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Myanmar với hơn 15 tỉ USD, Thái Lan xếp thứ hai, gần 10 tỉ USD.

“Khu đất rộng 8 ha ở trung tâm Yangon đã được giải tỏa xong chỉ còn chờ giấy phép chính thức để khởi công”, ông Hùng cho hay. Dự án bao gồm 1 khách sạn 5 sao, 1 trung tâm thương mại, 2 tòa nhà văn phòng cho thuê, 8 khu chung cư. Giai đoạn 1 sẽ tập trung vào xây dựng trung tâm thương mại và khách sạn, trong 3 năm. Giai đoạn 2 sẽ xây khu chung cư, tòa nhà văn phòng, trong thời gian khoảng 6 - 7 năm.

Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang cũng là một trong những DN đầu tư khá sớm vào thị trường này. Bảo vệ thực vật An Giang đã liên doanh với Vinacapital và Công ty Green Asia của Myanmar trong lĩnh vực trồng, cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhà máy xay xát lúa gạo, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 55 triệu USD.

Còn ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn C.T Group, thì nói rằng, Myanmar là một thị trường lớn với dân số trên 60 triệu người và sức mua ngày càng tăng. Chính vì vậy, các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao có nhiều cơ hội. Hiện C.T Group đang là đầu mối phân phối hàng Việt Nam chất lượng cao ở thị trường này. DN này đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Super One International cung cấp hàng hóa vào các siêu thị Myanmar. C.T Group cũng đang có một dự án xây dựng trung tâm thương mại ở Myanmar.

Đồng quan điểm với ông Chung, đại diện Công ty thép Nam Kim cho biết, hiện nay công ty đang xuất khẩu tôn cao cấp qua Myanmar. “Chúng tôi định hướng xuất khẩu mặt hàng cao cấp vì với những mặt hàng trung bình, sản phẩm Việt Nam không đủ sức cạnh tranh về giá với hàng của Trung Quốc”.

Liên kết lại

Theo ông Lê Hùng, sở dĩ dự án của HAGL chậm được cấp phép vì còn có quá nhiều thủ tục rườm rà. Nói chung, phía Myanmar rất tích cực hỗ trợ, tuy nhiên do luật chưa rõ ràng nên vẫn còn ít nhiều gây khó cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, dự án của HAGL là khu phức hợp nhưng lại phải làm việc với Bộ Khách sạn - Du lịch. Trong khi bộ này chỉ nắm các vấn đề liên quan đến dự án khách sạn chứ không quản lý các lĩnh vực trung tâm thương mại, chung cư. “Rồi thì trước đây khi đàm phán, họ nói không cần giấy phép xây dựng, không cần nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Giờ thì họ đã nói phải thực hiện. Nói chung là Myanmar thay đổi hằng ngày”, ông Hùng nói.

Theo ông Trần Kim Chung, do cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở Myanmar còn kém nên để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư, các DN nên liên kết lại với nhau để xây dựng một thương hiệu chung cho hàng Việt Nam.

Ngôi sao đang lên của Châu Á

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tuần qua đưa ra báo cáo mới về Myanmar. Gần như toàn bộ báo cáo là “bản hạnh kiểm tốt” cho sự thay đổi của Myanmar trong vòng 2 năm qua kể từ khi nước này bắt đầu cải cách chính trị. Trong đó, thay đổi đáng chú ý nhất là lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ và đầu tư khi chính phủ cho phép thả nổi tỷ giá nội tệ, tháo dỡ những hạn chế đối với ngân hàng tư nhân, xây dựng hệ thống luật để thu hút đầu tư doanh nghiệp trong và ngoài nước.

IMF đánh giá kinh tế Myanmar đạt được những kết quả tích cực như GDP đạt mức tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát và đặc biệt là có dự trữ ngoại tệ cao với con số 4 tỉ USD (tính đến thời điểm báo cáo của IMF). Theo IMF tăng trưởng GDP của Myanmar trong năm tài chính 2011-2012 (Myanmar tính năm tài chính từ tháng 4 năm nay đến tháng 3 năm sau) là 5,5% so với năm 2010-2011 là 5,3%. Dự đoán của IMF tăng trưởng GDP của Myanmar trong 2012-2013 đạt 6,25% và lạm phát sẽ không quá 6%. Từ những kết quả trên, IMF đánh giá Myanmar như một ngôi sao đang lên của châu Á.

Trong khi đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030 và trở thành nước có thu nhập trung bình nếu tiếp tục duy trì đổi mới. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), nước có thu nhập trung bình khi GDP đầu người vượt mức 1.025 USD. Mục tiêu này rất có ý nghĩa đối với Myanmar, vốn đang bị xếp vào nhóm những nước nghèo nhất châu Á.

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

N.T.Tâm - Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.