Cơ hội đưa hàng Việt lên Amazon

30/08/2018 07:03 GMT+7

Dự kiến trong tháng 9, đại diện sàn thương mại điện tử Amazon sẽ có những cuộc hội thảo trực tiếp với doanh nghiệp trong nước, bàn chuyện đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt thông qua sàn này.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM), hội thảo chủ yếu tập trung kết nối, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp (DN), tập trung hướng dẫn đào tạo DN tạo trang tiếng Việt, fanpage hoặc cách chuẩn hóa chuỗi nhận diện thương hiệu về nhãn mác, đóng gói, bao gì, chất lượng... nhằm phù hợp chuẩn chung của Amazon. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, cho biết hiệp hội sẽ là cầu nối giữa Amazon với DN, cá nhân Việt muốn tham gia xuất khẩu trực tuyến thông qua nền tảng của trang thương mại điện tử lớn hàng đầu toàn cầu này. Đặc biệt ưu tiên hàng hóa của các DN vừa và nhỏ.
Cơ hội lớn cho DN Việt
Theo ông Dũng, hiện chỉ có vài công ty tại VN có thương hiệu mới đáp ứng được các tiêu chí để đưa được sản phẩm lên sàn Amazon. “Trên sàn đó (Amazon - PV) họ có những quy định riêng mà các DN phải đáp ứng được, thậm chí cần thay đổi ngay từ khâu sản xuất, bao bì, thành phần trong sản phẩm như thế nào... Có nhiều đơn vị đã từng được đào tạo khóa học bán hàng qua sàn Amazon nhưng cũng không thể thực hiện được. Vì vậy trong đợt gặp gỡ này, phía sàn cũng sẽ công bố một số công ty làm đại lý cho Amazon tại VN để cung cấp dịch vụ cho DN”, ông Dũng thông tin.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện có hơn 200 DN Việt đã tham gia bán hàng trên chợ điện tử Amazon, nếu tính cá nhân tham gia, con số cao hơn rất nhiều. Trước thông tin Amazon sẽ hỗ trợ DN vừa và nhỏ Việt đưa hàng vào kênh bán hàng này, nhiều DN nhỏ bày tỏ ý muốn tham gia. Như Công ty TNHH sản xuất thương mại Việt Tùng, chuyên làm sản phẩm tôm khô, cá ba sa khô, băn khoăn việc đưa hàng bán trên kênh Amazon có khó khăn không, thu tiền thế nào, vận chuyển hàng ra nước ngoài ra sao, chi phí...
Từng gặp gỡ trao đổi và tìm hiểu nhu cầu của bộ phận Amazon toàn cầu tại thị trường VN, bà Mandy Nguyễn, Giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - Startup Vietnam Foundation (SVF), cho rằng thị trường VN khá hấp dẫn với nhà thương mại điện tử lớn này, song còn quá sớm để nói họ sẽ vào VN hay không. Qua trao đổi, một số hàng Việt thuộc nhóm thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống Việt đang được nhà bán lẻ online này quan tâm. “Hộp dầu cao sao vàng của VN đang là mặt hàng “hot” trên các trang Amazon và eBay cho dù giá cao gấp mấy chục lần so với thị trường VN. Tuy nhiên, sản phẩm này được bán qua nhà phân phối chứ không phải nhà sản xuất trong nước. Xu hướng Amazon thích chọn những dòng sản phẩm mang tính độc đáo của quốc gia như vậy. Tôi nghĩ đây là điểm đáng lưu ý cho những DN, cá nhân muốn tham gia cuộc chơi với chợ thương mại điện tử khổng lồ này”, bà Mandy Nguyễn chia sẻ. Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, việc Amazon vào VN dù dưới bất cứ hình thức nào thì cũng là cơ hội nâng tầm và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cho hàng Việt rất lớn.
Sản phẩm phải đáp ứng chuẩn FDA của Mỹ
Ông Nguyễn Trung Tâm, sáng lập kiêm Giám đốc Công ty VinaEcom, đã tham gia đưa sản phẩm bán trên Amazon và eBay từ 10 năm trước, cho biết bán hàng trên các trang thương mại điện tử lớn như Amazon và eBay là cơ hội lớn với các DN bởi xu hướng của thị trường toàn cầu mua hàng online ngày càng tăng. Lời khuyên cho người Việt muốn tham gia bán hàng trên Amazon, theo ông Tâm là phải thông thạo tiếng Anh như chính người bản xứ, hiểu luật chơi của trang, phải có tính kiên nhẫn, rành rẽ phương thức thanh toán, phí chuyển hàng...
Bà Mandy Nguyễn cũng khuyến cáo có nhiều rào cản cho nhà kinh doanh khi muốn tham gia bán hàng với Amazon. Theo bà, hàng thủ công mỹ nghệ và thời trang thì rất dễ, đặc biệt thời trang giá rẻ càng dễ mua dễ bán. Song với thực phẩm hay thực phẩm chức năng thì phức tạp và khắt khe hơn. Sản phẩm Việt phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Điều này không dễ với cá nhân hay DN nhỏ. Thứ hai, người tham gia bán hàng trên Amazon phải thông thạo tiếng Anh trong đọc, trả lời phản hồi DN. Một gian hàng trên Amazon cần nhiều bước, phải biết chăm sóc trả lời từng phản hồi của khách hàng trên toàn cầu, nếu giao tiếp tiếng Anh không tốt, không phản hồi kịp sẽ sớm bị loại ngay. Thứ ba, phải chi tiền để marketing sản phẩm ngay trên trang Amazon, làm thế nào để hình ảnh sản phẩm của mình nằm trên “top” để người tiêu dùng nhìn vào thấy thường xuyên trong giai đoạn đầu rất quan trọng. Nếu cứ thả hình ảnh hàng hóa và viết lời hay ho nhưng không có khâu marketing đẩy lên vị trí tốt thì gian hàng của mình sớm bị “chìm” ngay lập tức.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, kinh doanh thương mại điện tử của VN hiện chiếm chưa đến 10% so với doanh thu bán lẻ truyền thống, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là 40 - 50%. Vì vậy khả năng tăng trưởng của thị trường này là rất lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.