Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau quả

19/12/2017 07:10 GMT+7

Ngày 18.12, tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn 'Phát triển thị trường cho ngành rau củ quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp nông thôn'.

Diễn đàn do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao diễn đàn được tổ chức đúng thời điểm khi mà xuất khẩu rau quả của VN đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây và vượt qua cả lúa gạo, thế mạnh truyền thống của VN. “Tuy nhiên, chúng ta không nên nói nhiều về những kết quả đã làm được mà phải bàn đến các giải pháp để ngành này tiếp tục phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong thời gian tới. Về quy mô, VN nằm trong top 50 của thế giới mà xuất khẩu rau quả chỉ mới chiếm tỷ lệ 1% thị trường. Điều này cho thấy sự phát triển chưa tương xứng và cũng chứng tỏ VN còn rất nhiều dư địa để phát triển. Thành công của diễn đàn là đã mời được các nhà nhập khẩu lớn từ các nước tiêu thụ mạnh rau quả như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… tham gia với chúng ta. Không chỉ Đồng Tháp mà các địa phương phải nhận diện rõ thế mạnh của mình để tập trung phát triển tốt các quy hoạch trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh. 
[VIDEO] Nhiều thỏa thuận đầu tư, thương mại đã được ký kết
Theo Thủ tướng, một trong những hạn chế hiện nay của ngành rau quả VN là khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chi phí cho khâu logistics còn cao. Trong những năm gần đây chi phí logistics của VN không giảm mà còn tăng so với thế giới. Điều này làm tăng chi phí, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của nông sản VN. Vì vậy, các địa phương phải tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân tham gia. “Mục tiêu của chúng ta đến năm 2020, xuất khẩu rau quả phải đạt 5 tỉ USD. Chìa khóa của điều này chính là chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành phải tốt. Bên cạnh đó, chia sẻ hài hòa lợi nhuận giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Thủ tướng đánh giá cao các nỗ lực của tỉnh Đồng Tháp và cho rằng đây là địa phương gương mẫu nhất trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục phát triển tốt quy hoạch gắn với thị trường. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan nói: “Chúng tôi đón các nhà đầu tư về Đồng Tháp không phải chỉ để thu hút đầu tư, thu thuế mà cái chính là chúng tôi xem quý vị như những nhà tư vấn chính sách giúp chúng tôi xây dựng chiến lược, phát triển kinh tế; thứ mà chúng tôi còn thiếu. Sự đầu tư của các doanh nghiệp vào Đồng Tháp chính là vì hàng triệu nông dân của chúng tôi”.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu nông nghiệp trong và ngoài nước đã ký hàng chục văn bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp với giá trị khoảng 1 tỉ USD.
Cùng ngày, tại TP.Cao Lãnh, Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị phát triển logistics khu vực ĐBSCL. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đồng chủ trì. Hội nghị đã đề xuất 6 giải pháp trọng tâm gồm: phát triển giao thông kết nối; dịch vụ vận tải; các trung tâm phân phối hàng hóa; nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh vận tải; phát triển nguồn nhân lực; các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đối với hoạt động của dịch vụ logistics.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, nhận định ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, hằng năm đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy hải sản xuất khẩu của cả nước nhưng hệ thống logistics vẫn còn kém phát triển. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.