Thuế TNCN đối với chứng khoán: Quá cao!

11/07/2007 22:58 GMT+7

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định: "Thuế suất áp dụng cho thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán là 25%". Thuế suất này, theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) và nhiều công ty chứng khoán (CTCK) là quá cao.

Tổng giám đốc một CTCK có trụ sở tại TP.HCM cho rằng việc áp dụng thuế TNCN đối với nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán là cần thiết, tuy nhiên không thể cao như vậy. Lý giải của Ban soạn thảo dự luật khi đưa ra  thuế suất (TS) này là hiện TS thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 25%.

Việc chọn TS 25% đối với NĐT cá nhân nhằm tránh tình trạng tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua cá nhân để trốn thuế. Thế nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Vafi, lập luận trên không hợp lý bởi lẽ các tổ chức kinh doanh chứng khoán rất dễ xác định chi phí đầu tư, chi phí trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán... để trừ trước khi nộp thuế.

Trong khi đối với NĐT cá nhân thì rất khó xác định chi phí theo phương pháp tính thuế mà dự luật đưa ra, do đó NĐT cá nhân có thể sẽ chịu TS thực sự cao hơn nhiều so với mức 25%. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp chọn cách đầu tư "chui" thông qua những cá nhân để tránh 1 đồng thuế TNDN có thể gặp rủi ro mất cả 100 đồng vốn, điều đó là không đáng. Cũng theo Vafi, không có quốc gia phát triển nào trên thế giới áp dụng TS đối với hoạt động đầu tư chứng khoán lên đến 25% như vậy.
Đại diện ACBS kiến nghị Ban soạn thảo cần đưa ra phương thức tính thuế đơn giản, dễ hiểu. Vafi cũng kiến nghị tính thuế khoán với từng giao dịch căn cứ trên giá bán chứng khoán với mức thuế suất từ 0,05% - 0,1% đối với chứng khoán trên thị trường tập trung. Còn thị trường phi tập trung, giá tính thuế có thể căn cứ vào mệnh giá cổ phần với TS khoảng 0,2%.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận xét phương pháp tính thuế theo dự luật còn bất cập. Dự luật quy định: "Thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua các loại chứng khoán, giấy chứng nhận đầu tư vốn dưới các hình thức khác và các khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn". Đại diện CTCK Á Châu (ACBS) cho rằng việc xác định thu nhập chịu thuế đối với giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung cũng không đơn giản dù rằng các giao dịch của NĐT thực hiện qua tài khoản mở ở CTCK. Ví dụ, một NĐT có thể mua 1.000 cổ phiếu (CP) A giá 12.000 đồng/CP và bán 600 CP A sau 1 tháng với giá 15.000 đồng/CP. 2 tháng sau, NĐT này mua vào 400 CP A giá 14.000 đồng/CP...

Cứ như vậy, NĐT mua mua bán bán một loại CP như vậy thì CTCK rất khó có thể xác định được giá mua, giá bán của NĐT để thực hiện thu thuế. Bên cạnh đó, đến cuối năm, số CP còn trong tài khoản của NĐT sẽ được tính với giá nào để quyết toán thuế TNCN. Việc hạch toán của các CTCK sẽ trở nên phức tạp vô cùng. Chi phí cho việc quản lý như vậy của xã hội có khi còn cao hơn cả số thuế thu được. Còn đối với thị trường phi tập trung, theo Vafi, cơ quan thuế hay cơ quan quản lý thị trường sẽ không thể xác định được giá mua bán của NĐT vì các giao dịch này chủ yếu diễn ra trực tiếp giữa các NĐT chứ không thông qua CTCK.

Việc xác định chi phí có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập để được trừ trước khi xác định thu nhập chịu thuế cũng không đơn giản. DựÅ luật vẫn chưa xác định những chi phí nào được công nhận là có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế. Vafi cho rằng đó là những chi phí môi giới chứng khoán; chi phí mua thông tin; chi phí vay vốn từ gia đình, bạn bè, ngân hàng; chi phí đi lại, ăn ở trong quá trình đầu tư; chi phí đào tạo; chi phí sức lao động.

Trong số các loại chi phí kể trên, có nhiều loại không thể xác định được chẳng hạn thực tế xảy ra nhiều trường hợp NĐT lỗ từ kinh doanh chứng khoán dù giá bán cao hơn giá mua vì chi phí vốn vay lớn. Hoặc nhiều người chọn việc đầu tư chứng khoán là nghề và đối tượng này có thể coi là hộ kinh doanh nhưng họ lại không được khấu trừ các khoản như chiết giảm gia cảnh như các hộ kinh doanh...

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.